Thác Bản Giốc - "ngọc quý" vùng biên viễn

10:10, 19/10/2017

Sau nhiều lần phải thay đổi lịch trình do ảnh hưởng của mưa, bão, áp thấp thì những ngày đầu tháng Mười, chúng tôi - những người con của mảnh đất Tây Nguyên cũng đã được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Bản Giốc, "hòn ngọc quý" của đất nước nơi biên viễn của Tổ quốc.

Sau nhiều lần phải thay đổi lịch trình do ảnh hưởng của mưa, bão, áp thấp thì những ngày đầu tháng Mười, chúng tôi - những người con của mảnh đất Tây Nguyên cũng đã được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Bản Giốc, “hòn ngọc quý” của đất nước nơi biên viễn của Tổ quốc.
 
Thác Bản Giốc hiện được xếp vào Top những thác nước đẹp nhất thế giới
Du khách thường chọn dịch vụ đi bè vào tận phía dòng chảy ở tầng 1 của thác để ngắm và chụp ảnh lưu niệm
 
Vốn là những người con của núi rừng Tây Nguyên, vùng đất sở hữu nhiều ngọn thác khá hùng vĩ nhưng khi được tận mắt ngắm nhìn thác Bản Giốc, chúng tôi đã không khỏi choáng ngợp bởi vẻ đẹp vô cùng quyến rũ của thác nước được đánh giá là vào hạng nhất - nhì của Việt Nam này. 
 
Thác nằm ở địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Thác Bản Giốc gồm có hai phần, phần thác chính nằm giữa biên giới Việt - Trung, được phân chia ranh giới bởi dòng sông Quây Sơn chảy phía dưới chân thác và phần thác còn lại nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam. Phần thác chính rộng khoảng 100 mét, cao 70 mét, sâu khoảng 60 mét. Nhìn từ xa, thác đổ xuống trắng xóa nguyên sơ, như dải lụa trắng vắt ngang núi rừng, tạo nên một nét quyến rũ mê hoặc lòng người.
 
Thật may mắn khi chúng tôi đến thác và gặp một người quen trên facebook vốn là dân chụp ảnh phong cảnh quê ở Cao Bằng, bạn ấy đã nhiệt tình chỉ dẫn chúng tôi leo lên các vị trí đắc địa ở ngọn núi sát cạnh thác để có thể chiêm ngưỡng hết những góc cạnh đẹp nhất của thác Bản Giốc.  
 
Hành trình leo núi đá khá vất vả, nhưng khi leo lên được đỉnh cao nhất, ngang với tầng 3 của thác và nhìn xuống, thác hiện ra trọn vẹn là một tập hợp rất nhiều các ngọn thác từ tứ phía đổ dồn vào trong lòng một hồ nước trong xanh hút sâu như không đáy. Cứ mỗi lần nắng lên là cầu vồng lại xuất hiện như chiếc cầu nối hai đầu dòng chảy. Ở tầng 2, dòng thác hiền hòa hơn, nước trong xanh hòa quyện len lỏi chảy xuống sống Quây Sơn phía dưới. Tầng 1 là dòng thác cao thẳng đứng chảy dài mượt mà như suối tóc của các cô gái dân tộc Tày, người dân tộc bản địa. 
 
Ban quản lý thác cho biết, hiện thác chính đang được hai nước Việt Nam - Trung Quốc tổ chức khai thác chung theo Hiệp định Hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch Thác Bản Giốc đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Trung Quốc. Ở tầng 1, khá đông thuyền bè của cả phía Việt Nam và Trung Quốc tổ chức cho du khách di chuyển vào sát phía dòng thác đang đổ xuống từ trên cao để ngắm thác và chụp ảnh. 
 
Nhóm chúng tôi đến thác Bản Giốc vào giữa trưa nắng, suốt gần 3 tiếng leo núi đứng ngắm thác ở các vị trí từ tầng 3 xuống dưới chân thác, chúng tôi liên tục được chứng kiến hiện tượng cầu vồng xuất hiện tạo nên khung cảnh thật kỳ diệu, như chốn thần tiên. 
 
Dòng chảy hiền hoà hơn ở tầng 2
Thác Bản Giốc nhìn từ tầng cao nhất

 

Thác Bản Giốc nhìn từ tầng cao nhất
Dòng chảy hiền hoà hơn ở tầng 2

 

Cầu vồng liên tục xuất hiện khi có nắng
Cầu vồng liên tục xuất hiện khi có nắng

 

Thác phụ (phía trái) và thác chính nhìn từ cổng vào
Thác phụ (phía trái) và thác chính nhìn từ cổng vào

 

Du khách thường chọn dịch vụ đi bè vào tận phía dòng chảy ở tầng 1 của thác để ngắm và chụp ảnh lưu niệm
Thác Bản Giốc hiện được xếp vào Top những thác nước đẹp nhất thế giới
NGUYỄN NGHĨA