Lung linh phố Hội đêm rằm…

09:10, 19/10/2017

(LĐ online) - Phố cổ Hội An ngày càng thu hút du khách bởi những điểm độc đáo, khác lạ. Đặc biệt, vào ngày rằm (14 âm lịch) hằng tháng, ngoài ánh trăng mờ tỏ trên trời cao, tất cả các gia đình và hàng quán ở khu vực phố cổ đều tắt đèn điện, chỉ thắp nến và đèn lồng, tạo nên khung cảnh lung linh và huyền bí cho phố cổ. Cũng vào đêm rằm, những lễ hội và các chương trình đường phố diễn ra đa dạng và đặc sắc hơn…

(LĐ online) - Phố cổ Hội An ngày càng thu hút du khách bởi những điểm độc đáo, khác lạ. Đặc biệt, vào ngày rằm (14 âm lịch) hằng tháng, ngoài ánh trăng mờ tỏ trên trời cao, tất cả các gia đình và hàng quán ở khu vực phố cổ đều tắt đèn điện, chỉ thắp nến và đèn lồng, tạo nên khung cảnh lung linh và huyền bí cho phố cổ. Cũng vào đêm rằm, những lễ hội và các chương trình đường phố diễn ra đa dạng và đặc sắc hơn…
 
* Những quy định gìn giữ không gian đô thị cổ…
 
Đèn lồng lung linh khắp phố cổ
Đèn lồng lung linh khắp phố cổ
Quá trình đô thị hóa đã dẫn đến sự phân công và phân vùng lao động tại Hội An. Cùng với sự phát triển của đô thị hương cảng, những ngành nghề đa dạng như mộc, gốm mỹ nghệ, trồng rau, bốc thuốc, làm lồng đèn… hình thành và phát triển để phục vụ nhu cầu đời sống dân cư; đồng thời cũng làm nên sự phồn thịnh, tấp nập cho cảng thị Hội An từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Đến nay, di sản Hội An không chỉ là hương cảng sầm uất một thời, với Chùa Cầu lạ lẫm từ ý nghĩa đến tên gọi, với sông Hoài thơ mộng, với món cao lầu không đâu sánh bằng… mà là những nét văn hóa đặc sắc, được hình thành trong quá trình giao thương của các lái buôn Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha…; còn là không gian kiến trúc tinh xảo của các cửa hàng, cửa hiệu, nhà ở được thể hiện trên từng vỉ kèo, mái ngói, cột, vách, cửa…
 
Chính quyền thành phố Hội An, từ năm 2004, đã thực hiện thí điểm Đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”, với quy định cấm tất cả các phương tiện sử dụng động cơ - nhả ra khói bụi, không được lưu thông trên một số tuyến phố vào những khung giờ nhất định trong khu vực phố cổ, để giảm tải lưu lượng xe, dành không gian thanh nhàn cho du khách. Những tuyến phố đi bộ ngày càng được mở rộng dần, cùng với quy định mới là không dắt xe mô tô, xe đạp điện vào khu vực “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ”. Các phương tiện xe mô tô, xe máy, xe đạp điện của người dân đang sinh sống trong khu phố cổ được để trong nhà hoặc được gửi miễn phí. Thêm vào đó là những quy định khác như, mỗi cửa hàng chỉ có một biển quảng cáo, các manơcanh không để ngoài đường, hàng hóa sắp xếp vào bên trong ngạch cửa... 
 
Đến tháng 4/2017, Đề án mở rộng "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ" nhằm kéo giãn mật độ du khách, tăng không gian du lịch được thực hiện vào tất cả ngày trong tuần, buổi sáng từ 9h - 11h, buổi chiều từ 15h - 21h30… Những quy định tích cực ấy đã giúp Hội An tạo được môi trường du lịch riêng, giữ vẹn nguyên không gian phố cổ, tạo nên cái “hồn” khác biệt với những đô thị hiện đại.
 
* Những hoạt động đường phố hấp dẫn du khách…
 
Cùng với những quy định tạo không gian cho phố đi bộ, những nét đặc trưng dân dã của đô thị cổ được phục dựng, duy trì rất nhộn nhịp và thú vị, với nhiều hoạt động văn hóa, giải trí, như trò chơi dân gian, chợ ẩm thực, phố nghệ thuật… Lạc bước đêm phố cổ, du khách được thỏa thích nhìn ngắm những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc rực rỡ giăng khắp phố, dòng người tấp nập trên khắp các ngả đường, thỉnh thoảng lại xà vào một quán hàng rong để tiếp thêm năng lượng, hoặc đơn giản là thỏa chí tò mò xem họ đang mua gì, đang bán gì… 
 
Tất cả những con đường tấp nập đều dẫn du khách ra bờ sông Hoài. Đêm rằm, nước ngập lút bàn chân, người đi bộ phải men theo vỉa hè hẹp sát các hàng quán để không bị ướt chân, hoặc đi thuyền sang bờ bên kia. Đêm rằm cũng diễn ra lễ hội thả đèn hoa đăng. Đây là thông lệ của Hội An từ nhiều năm trước, và không ít du khách đến đây tham gia hoạt động độc đáo này để gởi gắm những ước mong thầm kín vào những chiếc đèn làm bằng giấy nhiều màu sắc, được bày bán dọc theo đoạn sông ở trung tâm của phố.
 
Ở sân khấu bài chòi
Ở sân khấu bài chòi
Sân khấu bài chòi có lẽ là nơi vui nhộn nhất ở phố cổ. Trên khoảnh sân rộng nhìn ra bờ sông, du khách và người dân bị cuốn hút vào những lời ca, gieo vần đối đáp của chủ nhà chòi qua các bài hát dân gian, vui cười nghiêng ngả cùng nhau bất kể quen sơ khi được nhận cờ. Trò chơi này cũng được nhiều du khách nước ngoài tham dự nhất, bởi không cần biết rõ ý nghĩa của từng câu từng chữ, họ chỉ nhìn số và so sánh với lá bài của mình, mừng vui theo những người khách khác… Xung quanh sân khấu bài chòi còn tập trung nhiều hàng quán ăn uống bình dân và bán đồ lưu niệm… 
 
Đi lòng vòng thế nào, nhất định du khách cũng đến được công trình độc đáo nhất, biểu tượng của Hội An – đó là Chùa Cầu. Công trình được xây dựng từ thế kỷ XVII, được chiếu sáng bởi những chiếc đèn thay đổi sắc màu liên tục. Ngay gần chùa Cầu, khu phố ẩm thực đêm với nhiều món ăn vặt hấp dẫn, đặc chất vùng miền như cao lầu, cơm gà, mỳ Quảng... Nhưng, người Hội An cho biết, muốn thực sự khám phá phổ cổ Hội An về đêm nhất định phải đợi qua nửa đêm, tức là đã bước sang ngày mới. Khi ấy, du khách, hàng quán… không còn, mới là thời điểm thảnh thơi ngắm dòng sông Hoài thơ mộng, trải nghiệm nét cổ kính, trầm mặc, an yên của một Hội An – đô thị cổ hình thành từ cuối thế kỷ 16.
 
NHẬT QUÂN