Những người thợ săn làm du lịch

10:10, 19/10/2017

"Con trai à, có hai khách đi lạc, không biết có phải khách con dẫn hay không. Thôi ba cứ dẫn họ tới chỗ con rồi con tìm đoàn giúp họ nhé" - đó là lời nói của ông Ya Đinh (50 tuổi) ở xứ Tà Năng, Đức Trọng nói với cậu con trai của mình Ya Tha làm nghề hướng dẫn viên du lịch.

“Con trai à, có hai khách đi lạc, không biết có phải khách con dẫn hay không. Thôi ba cứ dẫn họ tới chỗ con rồi con tìm đoàn giúp họ nhé” - đó là lời nói của ông Ya Đinh (50 tuổi) ở xứ Tà Năng, Đức Trọng nói với cậu con trai của mình Ya Tha làm nghề hướng dẫn viên du lịch.
 
Những người thợ săn…
 
Ya Tha trong một lần dẫn khách đi trekking. Ảnh: N.N
Ya Tha trong một lần dẫn khách đi trekking. Ảnh: N.N
Không chỉ ở thôn Tou Neh xã Tà Năng mà có lẽ cả vùng Loan người ta đều biết đến Ya Đinh với kinh nghiệm hàng chục năm đặt bẫy thú. Ông Ya Đinh nói: “Ngày trước chỉ làm rẫy, không đủ ăn nên phải đi săn thú. Lúc thì săn để ăn nhưng đa phần là bán lấy tiền mua gạo. Sau này đời sống khá hơn, mình biết chuyển trồng bắp sang trồng cà phê rồi nhưng lúc rảnh việc mình vẫn đi đặt bẫy thú, đi chở gỗ thuê”. Nếu như ngày xưa Ya Đinh suốt ngày len lỏi trong tán rừng ở khu vực rừng phòng hộ Tà Năng, nhiều lần đi qua đến tận lâm phần của tỉnh Bình Thuận để đặt bẫy heo rừng, đỏ (một loại thú rừng giống như Nai) và nhiều nhất là tê tê, thì bây giờ “già rồi” một tuần Ya Đinh vào rừng 1 - 2 lần để đặt khoảng 40 bẫy dây, bẫy cạp chân...
 
Còn Ya Tha (25 tuổi) ngay từ lúc 12 tuổi đã nhiều lần theo chân ba vào rừng đặt bẫy. 18 tuổi đã tự làm được bẫy và vào rừng một mình, bởi thế mà Ya Tha nắm chắc rừng Tà Năng như lòng bàn tay. Đường tới thác Bay, thác Sương Mù hay cả đường qua vùng rừng Cha Rum của Bình Thuận đều có dấu chân của Ya Tha và cả nhiều bạn khác cũng làm nghề đặt bẫy thú.
 
Ngoài đặt bẫy thú những người đàn ông ở nơi này còn lựa chọn thêm một công việc nữa, rất nguy hiểm và vất vả là chở gỗ thuê cho lâm tặc bằng xe máy. “Một ngày chịu khó chở nhiều chuyến có khi thu được cả tiền triệu. Bởi thế rất nhiều người làm, đặc biệt là thanh niên trẻ. Thu nhập cao cũng đi liền với nguy hiểm rình rập. Có lẽ bất cứ ai làm nghề này đều không tránh khỏi bị bốc đầu xe khi lao xuống dốc, đứt dây néo gỗ bung ra đè vào chân, té xe gãy tay chân...” - Ya Thuân, một người làm hướng dẫn ở khu vực này, nói. Dọc con đường mòn đi theo tuyến Tà Năng - Phan Dũng sẽ dễ dàng thấy chi chít những vết bánh xe hằn sâu bởi sức nặng của gỗ. Có lẽ những tay đua xe địa hình khó mà so được với những con người này. Họ chạy những chiếc xe gần như trơn trụi, chở gỗ đi trên những con đường nhỏ xíu như sợi chỉ giữa rừng. Mặc cho hiểm nguy luôn rình rập, nhưng vì mưu sinh người Tà Năng vẫn phải nhìn thẳng và nổ máy. 
 
Còn với riêng Ya Tha, cái chết của cậu em họ Ya Hoạt năm 2015 khi đi chở gỗ bị lật xe đã đầy ám ảnh. Để rồi Ya Tha dừng lại, không còn làm nghề chở gỗ thuê, cũng không đi đặt bẫy thú rừng. Ya Tha vẫn sống và gắn bó với rừng nhưng thông qua việc làm hướng dẫn du lịch. 
 
… Làm hướng dẫn viên của rừng 
 
Trên đường đi Ya Tha đang giải thích với mọi người về cây rừng. Ảnh: N.N
Trên đường đi Ya Tha đang giải thích với mọi người về cây rừng. Ảnh: N.N
Cũng bởi những lý do rất tình cờ người ta đã biết đến cung đường đại ngàn Tà Năng - Phan Dũng trải dài qua ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đây được những người đam mê du lịch mệnh danh là cung đường trekking (một hình thức du lịch chuyên đi bộ trong rừng) đẹp nhất Việt Nam. Khách tìm đến Tà Năng - Phan Dũng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên nơi này ngày càng nhiều. Và lúc đó người ta đã nhờ tới sự giúp đỡ của những người bản địa hiểu rừng như Ya Tha. Người đi trước chuyển kinh nghiệm cho người đi sau. Trong số kinh nghiệm đó có cả việc nên nhờ ai làm người dẫn đường. Cũng được bạn bè giới thiệu nên nhóm bạn trẻ Trần Hải Đăng, Huỳnh Nhật Hoàng… đã liên lạc với Ya Tha để được giúp đỡ đi trekking ở tuyến Tà Năng - Phan Dũng. Và cứ thế cái tên Ya Tha đã gắn liền với cung đường này. 
 
“Ở khu vực hai xã Tà Năng và Ninh Loan có khoảng 5 người là người dân tộc thiểu số làm nghề dẫn khách đi trekking. Mỗi ngày thu được từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng tùy lượng khách. Thu nhập vậy cao hơn nhiều so với việc đặt bẫy và cũng tương đương với nghề chở gỗ lậu thuê. Làm vậy an toàn hơn và lại còn bảo vệ được rừng” - Ya Tha nói. 
 
Cái bảo vệ rừng mà Ya Tha nói tới bắt đầu từ việc nhiều người không còn làm nghề chở gỗ lậu thuê hay đặt thú. Nhận lời dẫn khách, nhưng để đón khách từ ngoài ngã ba Ta Hine vào Tà Năng, Ya Tha và những người hướng dẫn khác đã liên hệ những người có xe ô tô chở gỗ trước đây để chở khách. Anh Vũ Đình Cường - người thường xuyên chở khách vào Tà Năng nói: “Hiện ở khu vực này có khoảng 15 người chuyên chở khách từ ngã ba Ta Hine vào Tà Năng đi trekking và ngược lại. Tất cả trong số họ đều là những người từng chở gỗ lậu thuê từ các vùng rừng của Bình Thuận như Cha Răng Ho, Ma Bó, Cha Rum... ra Đức Trọng. Nhưng nay chúng tôi chuyển qua chở khách là chủ yếu”. 
 
Trực tiếp tham gia một nhóm đi trekking ở khu vực Tà Năng - Phan Dũng do Ya Tha hướng dẫn chúng tôi đã hiểu thêm về nguồn gốc, ý nghĩa tên gọi của những đồi Cọp, suối Cọp, thác Bay, thác Sương Mù... Được biết về những loại rau rừng hái trên đường đi, công dụng của nhiều loại cây rừng...
 
Chưa từng qua bất kỳ một lớp đào tạo nào, song những hướng dẫn viên như Ya Tha vẫn hoàn thành nhiệm vụ này thật xuất sắc và ấn tượng. Mang trên vai nào túi ngủ, lều, đồ ăn cho cả nhóm nhưng bước chân của Ya Tha cứ thoăn thoắt. Bởi “Em đang dẫn mọi người đi trên quê hương mình bằng kinh nghiệm đi rừng đã ăn sâu trong máu thịt” - Ya Tha nói.
 
Ya Tha chặt cây dẻ nhỏ cho mọi người làm gậy băng rừng. Ảnh: N.N
Ya Tha chặt cây dẻ nhỏ cho mọi người làm gậy băng rừng. Ảnh: N.N
Cái kinh nghiệm ăn sâu trong máu thịt ấy là việc Ya Tha đi trước thấy sình, lầy, cây bụi gai thì hô to để mọi người tránh, thấy cây thông đổ dọc đường thì dùng dao nhỏ lược một ít ngo làm mồi nhóm lửa. Kinh nghiệm leo dốc không mệt là đi tiến lên phía trước, cứ nhìn thẳng, bởi việc cứ ngoái lại hay đi sau sẽ tạo cho người leo núi cảm giác với theo, rất dễ đuối. Thấy những “người thành phố” mệt nhọc vì không quen đi rừng Ya Tha chặt cho mỗi người một cây dẻ con làm gậy. Ya Tha bảo “có gậy như thêm một chân đi đỡ mỏi, đứng lại có thứ để chống. Chặt cây dẻ không sao vì đó là loại cây mà một cây dẻ mẹ mỗi mùa có thể có hàng chục cây dẻ con mọc xung quanh”. Chúng tôi đi trekking đúng mùa mưa của Nam Tây Nguyên nên khi tới điểm cắm trại trên đồi trống, gió và mưa như trút. Với kinh nghiệm đi rừng Ya Tha dùng dao khoét một lỗ nhỏ dưới đất, dựng hai con giao và bắc cái áo mưa nhỏ qua để chắn gió. Lửa được nhóm từ nắm củi ngo nhặt trên đường đi, sau đó được bồi thêm bằng những cành dẻ tươi bị gãy. “Gỗ dẻ có tươi thì vẫn bắt lửa cháy và than đượm hồng rất đẹp”. Trên đống lửa ấy, bữa tối của chúng tôi có thịt nướng, có cháo lá bép, có bắp, khoai nướng... Khi bình minh thức giấc, trong cái lạnh trên đồi sữa gói được cho vào nồi luộc. Sữa nóng vào sáng sớm đủ để mọi người an nhiên ngắm bình minh và chuẩn bị hành trình trở về. Nhóm bạn trẻ từ Sài Gòn: Đăng, Hoàng, Vân, Tâm đều nói “Cuộc hành trình có sự giúp sức của những người bản địa tạo nên cảm giác thật an toàn. Mà cũng an toàn thật, bởi ngoài họ ra còn ai hiểu rừng nơi này hơn nữa”.
 
Anh K’ Vâng, một người làm du lịch và thường xuyên kết nối khách với những người hướng dẫn ở khu vực Tà Năng như Ya Tha nói: “Mình từng làm hướng dẫn viên ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, cũng đi rừng nhiều, song với vùng Tà Năng mình không thể hiểu nhiều bằng những người bản địa như Ya Tha. Họ quá hiểu rừng, chỉ nghe tiếng gió thôi cũng đoán chính xác diễn biến của thời tiết”.
 
Ra khỏi rừng ba lô của những người hướng dẫn vẫn nặng bởi họ mang về rác nhặt từ cả hành trình. “Không lấy gì của rừng ngoài những bức ảnh và không để lại gì ngoài những dấu chân” - Ya Tha nói.
 
NGỌC NGÀ