Hỗ trợ phòng, chống bạo lực gia đình cho phụ nữ vùng DTTS

TUẤN HƯƠNG 05:57, 16/04/2024

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng gắn với xây dựng các mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý… là những nỗ lực của các cấp, các ngành trên toàn tỉnh trong việc phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, nhận thức, hành động, suy nghĩ của người dân về hôn nhân, gia đình, vị thế, vai trò của người phụ nữ ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khó khăn vùng DTTS
Các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khó khăn vùng DTTS

ĐA DẠNG HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN 

Xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà) có trên 54% dân số là người DTTS. Toàn xã có 11 thôn, trong đó có 5 thôn đặc biệt khó khăn. Chị Phạm Thị Cẩm Dung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã cho hay, với phần đông hội viên phụ nữ là đồng bào DTTS, trước đây trên địa bàn vẫn có tình trạng bạo lực gia đình, nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do người đàn ông trong gia đình rượu chè, say xỉn, nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, kinh tế khó khăn… Đa số người bị bạo hành thường chọn cách hành xử là im lặng, chịu đựng vì nói ra sợ mọi người chê cười... Qua thống kê, trên địa bàn xã giai đoạn từ năm 2016 - 2021, có 8 vụ bạo lực gia đình cần được can thiệp, từ năm 2021 đến nay số vụ cần được can thiệp là 2 vụ. 

“Xác định công tác hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, Hội LHPN xã Tân Thanh thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã, các tổ chức thực hiện tuyên truyền, trong đó chú trọng lồng ghép thường xuyên Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… nhằm nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn, đặc biệt các thôn có đông đồng bào DTTS, thôn đặc biệt khó khăn. Và qua sinh hoạt các chi hội tập thể, các mô hình của Hội LHPN như: Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhóm phát triển cộng đồng; Phòng, chống bạo lực gia đình; Tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy cộng đồng… thì nhận thức của chị em được nâng lên. Đặc biệt với mô hình thân thiện tại cộng đồng được Hội xây dựng từ năm 2015 đã hỗ trợ 1 nạn nhân bị bạo lực gia đình, năm 2022, Hội tiếp tục xây dựng mới 1 địa chỉ tin cậy cộng đồng thuộc Dự án 8. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đến nay chưa có nạn nhân bạo lực gia đình nào đến lánh nạn tại địa chỉ tin cậy cộng đồng”, chị Dung cho biết.

Theo thống kê, năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 175 vụ bạo lực gia đình, năm 2022 còn 115 vụ, đến năm 2023, giảm xuống còn 92 vụ, nạn nhân bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ. Từ những thực trạng trên, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình. Trong đó, các cấp Hội LHPN trong toàn tỉnh có nhiều hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức các hội thi phòng, chống bạo lực gia đình, các hoạt động hội thảo, diễn đàn… Đồng thời, chú trọng các biện pháp phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực, hỗ trợ nạn nhân, hòa giải mâu thuẫn trong gia đình. 

• XÂY DỰNG NHIỀU MÔ HÌNH PHÒNG NGỪA VÀ TRỢ GIÚP

Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp, các ngành còn chú trọng duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng hiệu quả các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 561 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, 840 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 440 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 289 số điện thoại đường dây nóng. Thông qua đó đã góp phần tích cực vào việc giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. 

Xác định kinh tế phát triển, đời sống nâng cao là yếu tố quan trọng để xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, góp phần phòng, chống bạo lực gia đình, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm được quan tâm thực hiện. Trong đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nữ được quan tâm triển khai, trong 5 năm qua đã có 92.810 lao động nữ trên tổng số 175.128 lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, chiếm tỷ lệ 52,99%.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình, các cấp Hội Phụ nữ vận động hội viên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho cán bộ, hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, các cấp Hội LHPN trong toàn tỉnh đã thành lập 70 Tổ truyền thông cộng đồng, 15 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 15 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi; xây dựng các tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ… 

“Thông qua các hoạt động tuyên truyền cũng như xây dựng các mô hình phòng ngừa, trợ giúp đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực gia đình trong cộng đồng. Qua đó nâng cao nhận thức, vai trò, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, tạo dựng tình yêu thương, trách nhiệm với những người thân, từ đó giúp các gia đình, đặc biệt là các gia đình DTTS có những kiến thức, kỹ năng cơ bản để xây dựng gia đình phát triển bền vững”, bà Cil Bri - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.