Lạc Dương: Ðầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS

08:05, 08/05/2019

Ðầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), kéo gần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các vùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong chiến lược phát triển của huyện Lạc Dương...

Ðầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), kéo gần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các vùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong chiến lược phát triển của huyện Lạc Dương. Vấn đề này đã được địa phương chú trọng trong thời gian dài, nhất là giai đoạn 2016 - 2018. Có nhiều thành tựu đã đạt được song vẫn còn những vấn đề đặt ra để huyện tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tới.
 
Hiện nay, nhiều bà con vùng DTTS đã là công nhân vững tay nghề của nhiều doanh nghiệp chọn Lạc Dương để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: N.Ngà
Hiện nay, nhiều bà con vùng DTTS đã là công nhân vững tay nghề của nhiều doanh nghiệp chọn Lạc Dương để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: N.Ngà
 
Lạc Dương là địa bàn có 71,57% dân số là đồng bào DTTS. Toàn huyện có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ông Lê Chí Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: “Đến nay, số hộ nghèo trong toàn huyện còn 336 hộ với 1.686 khẩu, chiếm 5,2%. Trong đó, hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm 329 hộ, tức 7,3%, giảm 12,2% so với năm 2016. Số hộ cận nghèo toàn huyện có 724 hộ. Trong đó, hộ cận nghèo người DTTS chiếm 706 hộ, tương đương 15,6%, giảm 0,6% so với năm 2016”.
 
Từ năm 2015 - 2018, Lạc Dương thu hút 5 dự án lớn với tổng vốn đầu tư trên 113,480 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư vào địa bàn đặc biệt khó khăn trên 45 tỷ đồng. Trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, với hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng được phân bổ nguồn vốn giai đoạn này lên đến trên 12,8 tỷ đồng. Hiện đã thực hiện giải ngân đạt 99,6% vốn kế hoạch nhằm thực hiện đầu tư xây dựng 25 hạng mục công trình. Trong đó có 18 công trình giao thông, 4 công trình cấp nước sinh hoạt, 6 công trình văn hóa - thể thao và 1 công trình giáo dục. Bên cạnh đó, Chương trình 135 cũng đã phân bổ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng vốn giai đoạn này gần 3 tỷ đồng. Nội dung hỗ trợ bao gồm giống, cây trồng, vật nuôi, vật tư... để bà con phát triển sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng đã tranh thủ được một số chương trình khác nhằm hỗ trợ bà con nội dung này, với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 112 triệu đồng, ngân sách địa phương trên 1,2 tỷ đồng, vốn dân đối ứng 191 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, chủ yếu hỗ trợ các mô hình thâm canh cây cà phê, mua phân bón, bò giống.
 
Trong việc xây dựng nông thôn mới, tổng vốn được phân bổ cả giai đoạn là trên 87 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, cơ sở hạ tầng được đầu tư, các hoạt động hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề cho người dân được tiến hành, nhất là đối với bà con đồng bào DTTS. Cũng trong giai đoạn 2016 - 2018, các chính sách cho vay đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước ưu đãi đồng bào DTTS với tổng vốn giải ngân là trên 94 tỷ đồng/4.038 lượt hộ vay. Chính sách ưu tiên tạo điều kiện để tất cả các hộ nghèo, cận nghèo khi có nhu cầu đều có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay kịp thời được xem là động lực giúp bà con vươn lên thoát nghèo…
 
Theo ông Lê Chí Quang Minh, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 37,4 triệu đồng/người/năm, tăng 1,25 lần so với năm 2015. Đến cuối năm 2018, có 99,8% dân số sử dụng điện lưới quốc gia, 97% dân số dùng nước sạch hợp vệ sinh, tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 87,8%. Cũng tính đến thời điểm trên, Lạc Dương cơ bản xóa hết nhà tạm. Những kết quả trên có được bởi trong giai đoạn 2016 - 2018, huyện này đã lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện chính sách hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở theo Quy định 33 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo. Theo đó, đã có 41 căn nhà được xây mới hoặc sửa chữa cho bà con DTTS.
 
Hiện nay, bà con DTTS đã biết chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đầu tư sản xuất, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ông Bùi Quốc Huân - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar cho biết: Trên địa bàn xã có trên 1.031 ha là các tiểu khu sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà kính. Diện tích này kéo dài từ đầu khu vực Thái Phiên (Phường 12, TP Đà Lạt) đến cầu Đạ Sar. Trong đó, trên 31 ha của bà con DTTS. Còn tại xã Đa Nhim, hiện toàn xã có khoảng 200 ha sản xuất trong nhà kính, nhà lưới. Trong đó, có 50 ha của bà con người Kinh, 20 ha của bà con DTTS…
 
Các chính sách hỗ trợ bà con phát triển kinh tế đã giúp nhiều hộ gia đình DTTS vươn lên, trong đó có chị Rô Bên - một trong những hộ sản xuất giỏi ở Đạ Sar, đồng thời là chủ vựa thu mua rau tại khu vực này. Nhận thấy bà con đủ sức sản xuất nhiều nhưng ngại làm vì trong xã không có nơi tiêu thụ, nên chị Rô Bên muốn trở thành điểm thu mua cho bà con. Để có được kỹ năng phân loại rau, chị Rô Bên đã kiên nhẫn ra vựa rau ở Đà Lạt học nghề thông qua việc xin làm không công cho vựa nhiều tháng trời. Sau khi kỹ năng phân loại đã đạt chuẩn, chị mạnh dạn đề nghị và được chính quyền địa phương tạo nhiều điều kiện để mở điểm thu mua rau. Sau khi phân loại bước 1, chị Rô Bên chở rau ra nhập cho vựa rau ở Đà Lạt. Trung bình mỗi ngày có hàng trăm ký rau các loại được chị Rô Bên thu mua và thuê xe tải chở ra Đà Lạt đều đặn. Bên cạnh đó, chị Rô Bên còn có vai trò kết nối các thương lái vùng xa với bà con nông dân.
 
Tuy nhiên, thực tế hiện nay sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng trong huyện vẫn còn rất rõ ràng. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân khách quan là một số hộ bà con DTTS thiếu đất sản xuất hoặc mắc bệnh hiểm nghèo hay thiếu lao động. Tuy nhiên, chủ yếu do yếu tố chủ quan, nhiều hộ thiếu ý chí nỗ lực vươn lên, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
 
Ông Trần Công Chánh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Dương khẳng định: “Đầu tư phát triển vùng DTTS là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhằm thúc đẩy sự phát triển của địa phương, đồng thời cũng đảm bảo ổn định xã hội. Sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương rất quan trọng nhưng yếu tố quyết định đến sức phát triển trong vùng đồng bào DTTS vẫn chính là sự nỗ lực tự vươn lên của bà con. Và sự nỗ lực ấy chỉ có được khi bà con nhận thức đúng, hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cả khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế. Bởi vậy hệ thống chính trị từ huyện đến xã phải gần dân, sát dân để bà con tin, hiểu và nỗ lực”.
 
N.NGÀ