Tài nguyên rừng - điểm tựa bền vững ngành công nghiệp không khói (Kỳ 2)

08:05, 07/05/2019

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng nói chung, đặc biệt ở thành phố Ðà Lạt, nhiều chủ đầu tư đạt doanh thu lớn, hiệu quả kinh tế rất cao. Ðây là "quả ngọt" của hoạt động kinh tế du lịch có ý thức thực sự cả đầu tư lẫn trách nhiệm, tôn trọng và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên. 
 

[links()]
Bệ phóng của du lịch
 
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng nói chung, đặc biệt ở thành phố Ðà Lạt, nhiều chủ đầu tư đạt doanh thu lớn, hiệu quả kinh tế rất cao. Ðây là “quả ngọt” của hoạt động kinh tế du lịch có ý thức thực sự cả đầu tư lẫn trách nhiệm, tôn trọng và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên. 
 
Khu Du lịch sinh thái Hoa Sơn Điền Trang điển hình bảo vệ rừng tốt. Ảnh: M.Ðạo
Khu Du lịch sinh thái Hoa Sơn Điền Trang điển hình bảo vệ rừng tốt. Ảnh: M.Ðạo
 
Thông điệp “4 không” đến du khách
 
Có thể kể đến những điểm du lịch như Làng Cù Lần, Đồi Mộng Mơ, Thung lũng Tình Yêu, một số điểm du lịch tại Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm… nhiều năm qua đã gặt hái hiệu quả kinh tế về du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái. Điều đó có được từ ý thức, trách nhiệm của nhà đầu tư để cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn tài nguyên rừng. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (Vườn) là một trong 162 khu rừng đặc dụng, trong 30 vườn quốc gia và trong 132 khu bảo tồn ở Việt Nam. Vườn có tổng diện tích quản lý hơn 70.000 ha vùng lõi (56.436 ha rừng đặc dụng và 13,602,75 ha rừng phòng hộ) cùng 2.328 ha vùng đệm. Để đến hôm nay, nơi đây đang giữ vững là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của quốc gia, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng quốc gia, là thành quả của quá trình quản lý, bảo vệ suốt 15 năm nay, kể từ khi thành lập. 
 
Vườn còn là vùng địa lý sinh học của các loài cây hạt trần Việt Nam, một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới (EBA); là khu vực ưu tiên số một (SA3) trong chương trình bảo tồn dãy Trường Sơn… 
 
Tại các diễn đàn khoa học và quản lý quốc tế, quốc gia do Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà đồng chủ trì hội thảo, một trong những ấn tượng đối với đại biểu tham dự là cách làm du lịch tại Vườn. Vấn đề không phải “cửa đóng then cài” mà là làm thế nào bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn, song hành và tương tác hỗ trợ theo hướng tích cực. Một trong những giải pháp tại Vườn là nguyên tắc “4 không” thường xuyên chuyển tải tới du khách. Gồm: không xả rác nơi công cộng và không sử dụng túi ni lông; không sử dụng thịt thú rừng, sản phẩm động thực vật bị nghiêm cấm; không tác động làm hư hại đến di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái, cảnh quan…; không sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên như điện, nước. Để lan tỏa và thấm sâu tính nhân văn này, từ năm 2011, Vườn thành lập Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường, nhằm tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, diễn giải cho hàng chục ngàn lượt du khách và học sinh trên địa bàn. Cùng đó là lồng ghép việc tổ chức tham quan, khảo cứu thực tế tại Vườn, nhằm nâng cao ý thức về giá trị tài nguyên thiên nhiên được nhân rộng trong mọi người, cả chủ và khách. 
 
Từ những kinh nghiệm và thành quả trên, ngày 26/9/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trương cho thuê môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái tại Vườn (Quyết định số 2064/QĐ-UBND). Quyết định này vừa tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư để vừa bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên, thay thế dần nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước; vừa tạo thuận lợi để doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia và hưởng lợi, cùng đó là tăng thu ngân sách địa phương...
 
 Không gian rừng để nghỉ ngơi, để ngắm 
 
Qua giới thiệu của Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài, chúng tôi đến cơ sở tham quan du lịch - nghỉ dưỡng Hiệp Phú cạnh Quốc lộ 27C. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Phú Hiệp, được UBND tỉnh cấp Giấy phép đầu tư ngày 24/12/2007. Tổng diện tích rừng và đất 72 ha, gồm Nhà nước giao và doanh nghiệp bỏ kinh phí mua lại của các hộ dân. Trong đó, 40 ha rừng, chủ yếu thông ba lá và hơn một ha rừng do đơn vị trồng mới. Thông cũ được bảo toàn 100%, thông trồng đã cao hơn 2 mét. Phó Giám đốc Công ty Lê Văn Hòa từng tu nghiệp ở Singapore, theo đuổi ý tưởng xuyên suốt cách làm du lịch vô hình. Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cặn kẽ, kỹ lưỡng và hạn chế tối đa bê tông hóa. Anh Hòa quan niệm, phát triển du lịch không chỉ là nuôi quân mà để truyền lửa cho du khách về rừng, yêu rừng, quý thiên nhiên, cảm nhận được những thanh âm của rừng, nhận biết được về lá phổi rừng, hơi thở của rừng, thụ hưởng được cái hồn của rừng thì khi đó họ mới ý thức mạnh mẽ cần lắm phải giữ lấy rừng. Anh Hòa nói: “Chúng tôi bán những cái du khách cần chứ không bán cái mình có. Bán cái nghỉ ngơi và cho cái không gian rừng, cho con tim của rừng, nhịp sống của rừng, tâm hồn của rừng. Bán cái người ta cần và cho người ta cái mình có...”. Cơ sở tham quan du lịch của doanh nghiệp Phú Hiệp phát triển từng bước đi chắc chắn. 
 
Với Công ty TNHH Vạn Thành, hình thành khu du lịch sinh thái Hoa Sơn Điền Trang bắt nguồn từ tấm lòng yêu rừng đặc biệt hơn 20 năm của ông Trần Lê. Năm 1992, hộ gia đình ông được tỉnh giao quản lý, bảo vệ 38,7 ha rừng thuộc Lô B, Khoảnh 6, Tiểu khu 159 B, Phường 5, thành phố Đà Lạt. Trong đó, 2 ha thông và khoảng 35 ha rừng lá rộng thường xanh. Tháng 12/2017, Công ty chính thức đưa vào hoạt động du lịch sinh thái. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đà Lạt Võ Thanh Sơn ghi nhận, đây là đơn vị du lịch làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Còn lãnh đạo Công ty khẳng định, nhiều năm nay rừng không bị phá và không xảy ra vụ cháy rừng nào. Năm 1992, nhận quản lý, bảo vệ, chỉ khoảng 20 ha rừng, còn lại rừng nghèo kiệt, đến năm 2000 trữ lượng gỗ tăng thêm 2.000 m3; năm 2010 trữ lượng gỗ tăng lên 4.000 m3. Đến nay, tiếp tục tăng vì rừng không bị tác động nên được tái sinh. Anh Trần Anh - Phó Giám đốc Công ty còn kiêm tổ trưởng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng của doanh nghiệp với 7 người đều được trang bị kiến thức kỹ lưỡng về công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Toàn thể người lao động của doanh nghiệp luôn ý thức, cùng chịu trách nhiệm và tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, năm 2011, một nhân viên bảo vệ chặt củi đã bị sa thải ngay sau đó. Chia sẻ lý do bảo vệ rừng tốt, anh Trần Anh nói rằng: “Người ta đến đây du lịch bằng mắt, bằng hình ảnh. Nếu có nền đẹp được thể hiện bằng màu xanh của thiên nhiên thì chắc chắn người ta đến. Ở thành phố Đà Lạt mà có được khu rừng còn nguyên vẹn thế này là của hiếm”.     
 
Chúng tôi kết thúc bài viết bằng một lưu ý từ Quyết định 704 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, đó là các quy định về tầng cao, bảo tồn cảnh quan lịch sử, tầm nhìn về hướng Lang Biang và bảo tồn cảnh quan rừng trong đô thị…
 
MINH ÐẠO