Sức bật Krăng Chớ

07:05, 07/05/2019

Krăng Chớ (xã Ka Ðơn, huyện Ðơn Dương) những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, hoa nở ngập hai bên đường đi và cờ đỏ sao vàng rực rỡ để chào mừng dịp lễ lớn của đất nước. Nhìn những ngôi nhà khang trang từ đầu đến cuối thôn, ít ai nghĩ rằng đây là thôn có 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Krăng Chớ (xã Ka Ðơn, huyện Ðơn Dương) những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, hoa nở ngập hai bên đường đi và cờ đỏ sao vàng rực rỡ để chào mừng dịp lễ lớn của đất nước. Nhìn những ngôi nhà khang trang từ đầu đến cuối thôn, ít ai nghĩ rằng đây là thôn có 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
 
Quá trình xây dựng NTM đã giúp diện mạo Krăng Chớ đổi thay từng ngày. Ảnh: V.Q
Quá trình xây dựng NTM đã giúp diện mạo Krăng Chớ đổi thay từng ngày. Ảnh: V.Q
 
Dẫn chúng tôi đi tham quan quanh thôn trên con đường bê tông sạch đẹp, anh Bơ Zum Trang Liên - Trưởng thôn Krăng Chớ tự hào khoe: Đây đều là công sức của bà con trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ vào sự đồng lòng đoàn kết của người dân mà bộ mặt của thôn ngày càng thay đổi, cuộc sống cũng được nâng cao từng ngày.
 
Sự thay đổi đó, anh Trang Liên cảm nhận được rõ rệt, bởi anh sinh ra, lớn lên và trưởng thành ngay trên mảnh đất này. Krăng Chớ của những ngày cách đây 35 năm - khi người Trưởng thôn trẻ tuổi này vừa mới ra đời - với cái đói cái nghèo bám riết dai dẳng và những mái nhà tạm chẳng che nổi nắng mưa đã là câu chuyện của quá khứ. Giờ đây, những đồng lúa, đồng ngô đã được thay thế bằng những cánh đồng rau xanh tốt với hệ thống tưới phun và cả nhà lưới, nhà kính. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của thôn đạt 52 triệu đồng. Toàn thôn hiện chỉ còn 6 hộ nghèo trên tổng số 186 hộ, tập trung ở những gia đình neo đơn, mất sức lao động.
 
Làm được điều này, theo anh Trang Liên, là nhờ vào sự cần cù, chịu khó của bà con trong thôn. Với vị trí phía đông giáp với thôn Krăng Gọ 1, phía tây giáp thôn Krăng Gọ 2 (xã P’róh), phía Bắc giáp thôn Lạc Nghĩa, người dân trong thôn Krăng Chớ có điều kiện thuận lợi để tiếp xúc, giao lưu với người Kinh. Bây giờ, người già và trẻ nhỏ trong thôn đều nói tiếng Kinh sành sỏi, tự tin, mạnh dạn học hỏi những điều hay, điều mới. “Trước đây, người Kinh thuê đất trong thôn để trồng rau màu. Bà con trong thôn chưa biết cách trồng nên đi làm thuê để học hỏi kinh nghiệm rồi về áp dụng. Bây giờ thì người dân đã có thể tự trồng cây trên đất của mình, tự làm chủ chính mình để phát triển kinh tế cho gia đình” - Trưởng thôn cho hay.
 
Năm 2017, khi thôn Krăng Chớ được xã Ka Đơn chọn làm điểm để triển khai, thực hiện mô hình xây dựng NTM kiểu mẫu, các buổi họp thôn nhanh chóng được tiến hành để tuyên truyền, từ đó thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, chung tay góp sức bằng những việc làm thiết thực và hành động cụ thể. Bà con đã đóng góp trên 18 triệu đồng tu sửa đường điện thắp sáng trong thôn, đóng góp đối ứng vốn xây dựng và gia cố các tuyến đường giao thông nội thôn với số tiền lên đến hơn 500 triệu đồng. Thôn đăng ký xây dựng 11 mô hình kiểu mẫu, các mô hình đều được phân công cụ thể cho từng tổ chức đoàn thể phụ trách và chịu trách nhiệm thực hiện. 
 
Không phải ngẫu nhiên mà Krăng Chớ có được diện mạo khang trang, sạch đẹp như hôm nay. Ngay từ đầu quá trình xây dựng NTM, thôn đã đặc biệt quan tâm tới yếu tố cảnh quan môi trường. Chính vì vậy, các ban ngành, đoàn thể trong thôn đã vận động bà con nhân dân phát dọn bờ rào thông thoáng, vệ sinh xung quanh nhà và ngoài đường, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Địa phương thường xuyên tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt cỏ, thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, di dời chuồng trại chăn nuôi xa nhà đảm bảo vệ sinh nơi công cộng.
 
Hiện, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thôn Krăng Chớ là 152 ha, trong đó có tầm 10 ha dựng nhà kính. Mười năm trở lại đây, người dân trong thôn đã thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi, từng bước phát triển sản xuất cây rau thương phẩm mà chủ lực là cây cà chua, ớt sừng, cà tím...; nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên tăng năng suất cây trồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn trước.
 
Kinh tế ổn định, các đói cái nghèo được đẩy lùi nên người dân trong thôn quan tâm nhiều hơn đến việc học của con cái. Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đều đạt 100%. Bà con cũng dần xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, tang ma, không còn kéo dài ngày gây tốn kém, không còn tổ chức linh đình lãng phí. Phong tục tập quán lạc hậu, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng được đẩy lùi.
 
Nhìn đám trẻ nhỏ ríu rít rủ nhau đến trường trên con đường đầy hoa, ông Ka Bọ (66 tuổi) lại nhớ về những năm 1968, khi ông vừa theo vợ về đây. Ông kể rằng: “Hồi đó tôi còn phải ở nhà tranh vách đất. Mà ai cũng nghèo chứ riêng gì mình. Đường sá lúc đó lầy lội, nhà cửa thưa thớt chứ không đông đúc như bây giờ. Dần dần, 2 vợ chồng làm máy xay xát lúa rồi trồng thêm rau màu mới có cái ăn cái mặc hơn trước. Giờ tôi già rồi, không còn lao động được nữa, nhưng nhìn con cháu, bà con siêng năng trồng rau, trồng đậu, xe chở rau chạy êm ru trên đường bê tông, thấy phấn khởi lắm”.
 
Ông Nguyễn Hồng Anh - Bí thư Đảng ủy xã Ka Đơn cho biết: “Quá trình xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của bà con đồng bào DTTS ở thôn Krăng Chớ. Bà con phấn khởi, chủ động tiếp nhận những cái mới, cái tiến bộ để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Tâm lý trông chờ, ỷ lại được xóa bỏ, thay vào đó là mạnh dạn phát triển trên chính đôi chân của mình. Đó là lý do mà Krăng Chớ có được những đổi thay như hôm nay”.
 
VIỆT QUỲNH