Sẵn sàng cho một "thế giới phẳng"

08:12, 19/12/2018

Theo kết quả ứng dụng công nghệ thông tin phát triển Chính phủ điện tử trong cơ quan nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Lâm Ðồng hiện đang xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Theo kết quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phát triển Chính phủ điện tử trong cơ quan nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) công bố, Lâm Ðồng hiện đang xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Trong đó, có những tiêu chí đang đứng đầu bảng như hạ tầng thông tin xếp thứ 1; ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ xếp thứ 1; cung cấp dịch vụ công trực tuyến xếp thứ 3... Ðây thực sự là bàn đạp, hay đúng hơn là điểm tựa vững chắc để Lâm Ðồng có thể nhanh chóng hòa nhập với một “thế giới phẳng”, sớm tăng tốc để trở thành một tỉnh phát triển toàn diện, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân.
 
Hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Hải Yến
Hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Hải Yến

Nếu như năm 2008, mới chỉ có 93% cơ quan, đơn vị cấp sở có mạng nội bộ (LAN), 10 đơn vị có trang thông tin điện tử, thì ở thời điểm hiện tại 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng LAN; 100% cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện đều đã có trang thông tin điện tử. 
 
Cũng rất sớm, hệ thống mạng Campus Trung tâm Hành chính tỉnh hoạt động từ năm 2015 khi các sở, ban, ngành chuyển về hoạt động tập trung tại đây. Đến nay, đã có trên 1.700 người dùng với 54 máy chủ, 2 đường truyền chuyên dụng, 37 đường kết nối internet của 54 đơn vị (18 đơn vị cấp sở, 36 đơn vị trực thuộc sở) hoạt động trong khu hành chính tập trung.
 
Thêm vào đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng dành riêng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh (do Tập đoàn VNPT quản lý), cấp huyện và 147 cơ quan cấp xã; mạng truyền dẫn cáp quang, mạng viễn thông nông thôn đã phát triển đến 100% đơn vị cấp xã; mạng di động phủ sóng toàn tỉnh; dịch vụ điện thoại cố định và internet tốc độ cao đã phát triển đến tất cả các xã.
 
Sự đồng bộ và phát triển mạnh mẽ hạ tầng CNTT đã giúp cho Lâm Ðồng cải thiện trong vấn đề cải cách hành chính.
 
Gần như 100% cơ quan hành chính nhà nước của Lâm Đồng đều triển khai hệ thống văn phòng điện tử được kết nối liên thông và tích hợp chứng thư số, cũng như sử dụng thư công vụ điện tử tại địa chỉ: mail.lamdong.gov.vn để trao đổi văn bản điện tử. 100% cơ quan, đơn vị kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã; 95% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước đều ở dưới dạng điện tử.
 
Theo ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở TTTT Lâm Đồng, không chỉ chú trọng đồng bộ hóa ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Đảng, quản lý hành chính nhà nước; Lâm Đồng còn là tỉnh tiên phong xây dựng hạ tầng CNTT với nhiều ứng dụng hữu ích giúp cho người dân, doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi trong hoạt động của mình.
 
Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ http:/www.motcua.lamdong.gov.vn đã triển khai thống nhất đến 20/20 cơ quan cấp tỉnh, 12/12 UBND cấp huyện và 84/147 UBND cấp xã. Tính đến tháng 9/2018, các đơn vị cấp tỉnh cung cấp gần 1.200 thủ tục hành chính (TTHC), cấp huyện cung cấp trên 500 TTHC; đồng thời triển khai gần 550 dịch vụ công mức độ 3 và 4.
 
Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng TTĐT của tỉnh, trang TTĐT của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và kết nối công khai kết quả xử lý TTHC trên Cổng TTĐT của Chính phủ. Có thể nói, hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến hoạt động ổn định, giúp việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính một cách công khai, công bằng cũng như tăng cường tính trách nhiệm, kỷ luật của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
 
Để hòa nhập và tăng cường khả năng liên kết, tương tác, hiện nay Cổng TTĐT của tỉnh sử dụng 2 ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt tại địa chỉ https://www.lamdong.gov.vn gồm 60 thành viên của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh. Nội dung đăng tải bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, kịp thời tuyên truyền, phổ biến công tác chỉ đạo, điều hành đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thường xuyên cập nhật TTHC đã được chuẩn hóa vào cơ sở dữ liệu trên Cổng và liên kết đến các trang TTĐT của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
 
Trung bình hàng năm có hơn 1,2 triệu lượt người từ hơn 50 quốc gia truy cập vào Cổng TTĐT của tỉnh.
 
Không những thế, UBND tỉnh đã thành lập, công khai đường dây nóng và chuyên mục hỏi, đáp trực tuyến trên Cổng TTĐT của tỉnh và trang TTĐT của các sở, ban, ngành. Chuyên mục hỏi đáp trực tuyến “Tiếp nhận - trả lời góp ý” tại địa chỉ http://traloigopy.lamdong.gov.vn hoạt động thông suốt để tiếp nhận thông tin do người dân, doanh nghiệp phản ánh, đăng tải kịp thời và đầy đủ thông tin phản hồi của các cơ quan. 
 
Để có thể từng bước đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của việc ứng dụng và phát triển CNTT, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước đều có kỹ năng sử dụng máy tính phục vụ chuyên môn cũng như 100% cơ quan nhà nước đều có cán bộ chuyên trách về CNTT đạt trình độ đại học chuyên ngành trở lên.
 
Song song, các doanh nghiệp viễn thông chủ lực trên địa bàn tỉnh đã tự nghiên cứu và chuyển giao nhiều ứng dụng như: phần mềm tính cước viễn thông, hệ thống thông tin quản lý trường học như VNPT school, quản lý bệnh viện VNPT HIS, viettel HIS, ứng dụng du lịch thông minh... Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 113 thuê bao/100 dân; xu hướng sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet, gói dịch vụ viễn thông 3G, 4G, sử dụng các ứng dụng trực tuyến ngày càng cao. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước triển khai ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn.
 
Để đảm bảo cho việc phát triển thông tin, bắt đầu từ đầu năm 2016, UBND tỉnh cũng đã thành lập Đội ứng cứu sự cố mạng, máy tính. Đây chính là đội ngũ nòng cốt, đầu mối liên kết, phối hợp với các đơn vị triển khai công tác an toàn, an ninh thông tin. 
 
Có thể khẳng định rằng, CNTT được áp dụng rộng rãi trên hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc y tế, khám chữa bệnh, giáo dục, đào tạo, khai báo hải quan, thuế, ngân hàng, quản lý đô thị, quảng bá du lịch...
 
Với thực tế đang diễn ra, có thể thấy Lâm Đồng đang sẵn sàng cho một “thế giới phẳng” để có thể hòa nhập và chuẩn bị cho mình một tâm thế vững vàng trong những mục tiêu phát triển mới.
 
LINH ÐAN