Nghiên cứu mới về miễn dịch - dị ứng ở trẻ em

08:12, 19/12/2018

33 đề tài nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội nghị Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa toàn quốc vừa tổ chức tại TP Ðà Lạt đã cập nhật tình hình, chẩn đoán, điều trị các bệnh miễn dịch, dị ứng ở trẻ em hiện nay.

33 đề tài nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội nghị Miễn dịch - Dị ứng Nhi khoa toàn quốc vừa tổ chức tại TP Ðà Lạt đã cập nhật tình hình, chẩn đoán, điều trị các bệnh miễn dịch, dị ứng ở trẻ em hiện nay.
 
GS-TS Timothy Craig - Chuyên gia miễn dịch, dị ứng quốc tế cho rằng Việt Nam có tỉ lệ bệnh miễn dịch - dị ứng gia tăng, đặc biệt là hen. Ảnh: A.Nhiên
GS-TS Timothy Craig - Chuyên gia miễn dịch, dị ứng quốc tế cho rằng Việt Nam có tỉ lệ bệnh miễn dịch - dị ứng gia tăng, đặc biệt là hen. Ảnh: A.Nhiên

GS-TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em cho biết: Ngành Miễn dịch - Dị ứng của trẻ em còn rất non trẻ. Cách đây 8 năm, tại Bệnh viện Nhi Trung ương mới ra đời nhóm tổ chức khám chữa bệnh và nghiên cứu về bệnh lý miễn dịch, dị ứng, cho đến nay nhóm phát triển trở thành Khoa Dị ứng. So với nhu cầu của bệnh nhân nói chung, bệnh nhi khoa nói riêng thì chúng ta thiếu nhiều bác sĩ nhi khoa nói chung lẫn thiếu bác sĩ chuyên ngành dị ứng - miễn dịch nói riêng. 
 
Theo PGS-TSKH Lê Thị Minh Hương - Chủ tịch Chi hội Miễn dịch, Dị ứng Nhi khoa Việt Nam: “Mô hình bệnh trẻ em thay đổi trong những thập kỷ qua. Tỉ lệ các bệnh rối loạn miễn dịch như dị ứng, suy giảm miễn dịch, tự viêm, tự miễn ngày càng gia tăng. Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật trong xét nghiệm huyết học, hóa sinh, di truyền, sinh học phân tử đã làm sáng tỏ nhiều nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh của các bệnh trên. Xu thế phát triển của y học chứng cứ sẽ giúp chúng ta ứng dụng các phương pháp điều trị đích một cách có hiệu quả nhất cho người bệnh”. 
 
Với đề tài nghiên cứu về “Suy giảm miễn dịch tiên phát ở trẻ em: Thách thức và cơ hội”, bà cho biết: suy giảm miễn dịch tiên phát xảy ra do bất thường mang tính di truyền làm ảnh hưởng đến các thành phần của hệ miễn dịch. Hiện nay trên 330 bệnh suy giảm miễn dịch tiên phát đã được xác định ở mức độ phân tử. Tại Việt Nam, chẩn đoán và điều trị nhóm bệnh này vẫn còn là thách thức do điều kiện xét nghiệm chưa phát triển và nhân viên y tế chưa cập nhật. Bệnh nhân thường bị bỏ sót chẩn đoán, nhiễm trùng tái nhiễm, dẫn đến biến chứng và tử vong. Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiên phong trong chẩn đoán và điều trị suy giảm miễn dịch tiên phát. Từ năm 2010-2018 có 200 ca bệnh được chẩn đoán và điều trị. Mặc dù có nhiều khó khăn thách thức nhưng tại Việt Nam đã ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý suy giảm miễn dịch tiên phát. Điều này giúp bệnh nhân được chẩn đoán sớm và điều trị đích đạt hiệu quả. Đây chính là cơ hội cải thiện tỉ lệ sống và chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân không may mắc phải nhóm bệnh hiểm nghèo này.
 
Về “Mô hình bệnh suy giảm miễn dịch tiên phát tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ 2010 -2017”, nhóm nghiên cứu của bệnh viện này đã công bố kết quả nghiên cứu 172 hồ sơ bệnh án thì hội chứng DiGeorge chiếm 42%, bệnh không có gammaglobulin máu liên kết nhiễm sắc thể X chiếm 14%, suy giảm miễn dịch kết hợp nặng chiếm 11%, hội chứng Wiscott - Aldrich và giảm bạch cầu hạt bẩm sinh cùng chiếm 4%, bệnh nhân có hội chứng tăng IgE chiếm 3%, suy giảm miễn dịch biến thiên phổ biến chiếm 2%, hội chứng tăng IgM 1%, còn lại là các thể bệnh khác hoặc chưa rõ thể bệnh. Số lượng bệnh nhân được chẩn đoán mới tăng dần qua các năm, tỉ lệ nam mắc nhiều hơn nữ, tỉ lệ tử vong 28,5%, đối với thể suy giảm miễn dịch kết hợp nặng tử vong chiếm 89,5% và hội chứng DiGeorge tử vong 20%.
 
Tỉ lệ phát hiện bệnh suy giảm miễn dịch trẻ em tăng lên trong những năm gần đây do có các kỹ thuật sàng lọc và chẩn đoán mới. Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã triển khai nhiều xét nghiệm đánh giá tình trạng miễn dịch giúp tăng hiệu quả trong công tác sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh suy giảm miễn dịch ở trẻ em. Đồng thời, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã áp dụng kỹ thuật giải trình tự gen để phát hiện các đột biến trên một số gen gây bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh tiên phát ở trẻ em, qua nghiên cứu 31 bệnh nhân phát hiện các đột biến trên 7 gen, đây là cơ sở giúp các bác sĩ lâm sàng tư vấn di truyền và chẩn đoán trước sinh nhằm giảm tỉ lệ sinh con mắc bệnh. 
 
Theo GS-TS Timothy Craig, Trưởng Khoa Dị ứng - Miễn dịch Đại học Y khoa Penn State (Hoa Kỳ): Việt Nam có tỉ lệ bệnh miễn dịch - dị ứng gia tăng, đặc biệt là hen vì chúng ta có quá trình chuyển hóa rất lớn, đô thị hóa, công nghiệp hóa, làm tăng lượng bệnh nhân dị ứng. Đây là giai đoạn rất tốt để chúng ta phát triển các nghiên cứu về hen, đặc biệt các nghiên cứu về bệnh dị ứng. Báo cáo đề tài về “Điều trị hen phế quản ở trẻ em”, GS Timothy Craig cho biết: Bệnh hen phế quản đã ngày càng gia tăng trên toàn thế giới và tỉ lệ tử vong chiếm đáng kể. Tại Mỹ có khoảng 10% người bị hen phế quản và ở các nước đang phát triển tỉ lệ này càng tăng. Nhiều phương pháp điều trị mới đang được phát triển nhưng một số ít được chấp thuận cho trẻ em và do chi phí nên thường hạn chế việc sử dụng chúng cho trẻ em. Liệu pháp điều trị thông lệ theo hướng dẫn, với corticosteroid dạng hít, thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài và chống cholinergics tác dụng dài, vẫn là liệu pháp thích hợp cho 85% trẻ bị hen phế quản. Mặc dù vậy, phần lớn các bác sĩ thiếu sự trang bị kiến thức tối thiểu về các hướng dẫn. Vì lý do này, tôi trình bày nghiên cứu tập trung hướng dẫn về liệu pháp điều trị hen phế quản cho trẻ em thích hợp nhất đối với các bác sĩ thực hành chăm sóc cho trẻ em.
 
GS-TSKH Dương Quý Sỹ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, trình bày báo cáo về “Dị ứng hô hấp ở trẻ em - những quan điểm mới hiện nay” cho rằng: Dị ứng hô hấp ở trẻ em hiện nay là một thách thức đối với sức khỏe cộng đồng do tỉ lệ gia tăng. Dị ứng hô hấp được xác định là phản ứng quá mẫn cảm do đáp ứng miễn dịch với các chất gây dị ứng trong không khí. Việc tiếp xúc nhiều lần với các chất gây dị ứng trong không khí kích hoạt dưỡng bào và tế bào ái kiềm giải phóng ra các hóa chất trung gian dị ứng, dẫn đến các triệu chứng hô hấp. Gần đây, hiện tượng tăng tỉ lệ mắc bệnh dị ứng đường hô hấp đã được giải thích bằng “giả thuyết vệ sinh đường dẫn khí”. Vi khuẩn đường dẫn khí đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển cân bằng của hệ thống miễn dịch hô hấp trong suốt cuộc đời, đặc biệt là trong việc hình thành các chức năng miễn dịch thời thơ ấu. Sự tương tác giữa vi khuẩn và hệ miễn dịch hô hấp có thể có vai trò quan trọng trong việc phát triển các chức năng miễn dịch. Tuy nhiên, lợi ích của việc sử dụng vi khuẩn sống để ngăn ngừa dị ứng hô hấp ở trẻ em vẫn còn đang tiếp tục được nghiên cứu.
 
AN NHIÊN