Tôn vinh danh nhân biết mấy cho vừa

09:06, 28/06/2018

Tôn vinh những danh nhân đã đi vào lịch sử là việc có từ ngàn xưa, đông tây kim cổ đều làm. Cách làm có ít nhiều khác biệt tùy nơi, tùy lúc, song đại thể tương đồng. Khác biệt do đặc trưng các nền văn minh không đâu giống đâu và bối cảnh thời đại...

Tôn vinh những danh nhân đã đi vào lịch sử là việc có từ ngàn xưa, đông tây kim cổ đều làm. Cách làm có ít nhiều khác biệt tùy nơi, tùy lúc, song đại thể tương đồng. Khác biệt do đặc trưng các nền văn minh không đâu giống đâu và bối cảnh thời đại. Tương đồng thể hiện ở tính nhân văn qua mục đích, yêu cầu của việc tri ân những người đi trước. Tương đồng vượt lên khác biệt, dẫn tới những hình thức tôn vinh tương tự từ đông sang tây, bất luận ở quốc gia, dưới chế độ nào.
 
Tượng đài Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ ở Huế. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn
Tượng đài Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ ở Huế. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn
Hình thức tôn vinh cổ nhất là dựng đền thờ, xây mộ chí. Hoàng đế, nhà vua truyền thuyết khởi sáng nước Trung Hoa từ thời cổ đại đã được lập đền thờ phụng dù chẳng mấy ai tin đấng khai sáng ấy có tồn tại trên đời. Lăng mộ các Pharaon (Hoàng đế) Ai Cập xây dựng trong lòng các kim tự tháp hoành tráng đến mức kinh ngạc năm ngàn năm trước bên bờ sông Nil, dòng sông mẹ vùng bắc châu Phi. Thành phố đầu tiên ở phương Tây mang tên danh nhân là Roma, thủ đô nước Ý, rút gọn từ tên người sáng lập đô thành ấy vào thế kỷ thứ VIII trước kỷ nguyên Thiên chúa giáo: chàng Romulus chiến binh. Thành phố Byzance, trung tâm nền văn minh Byzantin lừng lẫy thời cổ đại đến thế kỷ IV đổi tên thành Constaninople nhằm vinh danh vua Constantin Đại đế; sang đầu thế kỷ XX lại đổi thành Istanbul, đô thị lớn nhất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Đô thành mỹ lệ do vua Pie Đại đế xây dựng bên bờ sông Nêva nước Nga vốn mang tên Petrograd, sau khi Lênin qua đời đổi làm Leningrad, gần đây người Nga tổ chức đại lễ dùng lại tên ban đầu, ghi nhận công đức nhà vua có công lớn. Tại Trung Hoa, kinh đô Tràng An của mười đế triều thời cổ đại trở thành Tây An (thành phố thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay) sau khi nhà Minh dời đô về Bắc Kinh.
 
Ở nước ta, các đền, đình, miếu, mạo cũng đã có tự ngàn xưa. Đó là hình thức chính chúng ta dùng để tôn vinh tiên tổ. Đình, đền là những nơi diễn ra các lễ hội định kỳ, tái hiện công đức các ngài vì nước vì dân. Cũng có một số địa phương, vị thần thành hoàng chỉ là một nhân cách độc đáo của quê hương. Cách làm và quan niệm về lễ hội có dị biệt từ vùng này sang vùng khác, nhưng điểm chung và nổi bật vẫn là lòng ghi nhớ công ơn tiền nhân, nhằm nêu gương sáng các ngài cho hậu thế noi theo. 
Thời đại ngày nay, việc dùng tên danh nhân đặt tên đường phố là hình thức phổ cập nhất, gắn với cuộc sống thường ngày, tiện ích cho cư dân. Đô thị càng lớn càng có nhiều đường, phố. Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng năm ngàn, thủ đô Paris của nước Pháp những sáu ngàn ngõ, đường, phố, đại lộ. Cách đây 150 năm người Pháp đã cho xuất bản Từ điển tên đường tên phố, và tự hào mỗi cái biển báo tên đường là một trang sử bảo tồn một địa danh lịch sử, ghi chép sự nghiệp một danh nhân, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong quá khứ.
 
Các thành phố ngày một lớn rộng, nông thôn ngày càng đô thị hóa, càng không lo thiếu chỗ cho hậu sinh tỏ lòng biết ơn tiên tổ. Vấn đề muôn thuở rốt cuộc vẫn là các nhà chức trách quản lý đô thị cần phải có tầm nhìn và cách xử lý đúng, tránh để xảy ra những xáo động không cần thiết. Con người gắn với thời đại sản sinh ra nó. Thời đại chi phối nếp sống và hành động con người. Nhân loại không ngừng tiến triển, cuộc sống liên tục đổi thay, một số hình thức tôn vinh danh nhân cần phải thay đổi âu cũng là chuyện bình thường - ngoại trừ những nhân vật kiệt xuất thì cho dù cuộc đời trải qua bao dâu bể, cái nhìn của hậu thế đối với các vị chẳng đổi thay. Là người Việt Nam, làm sao chúng ta không biết ơn các Vua Hùng, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh? Làm sao các thế hệ người Việt Nam hiện nay và sau này không đánh giá cao các trận Bạch Đằng Giang năm 981 và năm 1288, chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa năm 1789, trận Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến dịch giải phóng Sài Gòn năm 1975, dù quan hệ bang giao giữa các nước từng xâm phạm lãnh thổ ta với nước ta ngày nay về cơ bản đã trở thành hòa hiếu? 
 
Chúng ta đã rõ thân phận các danh nhân thời Tây Sơn ra sao sau khi triều Tây Sơn bị Nguyễn Ánh đánh đổ. Vấn đề đặt ra từ các bài học lịch sử là, trong việc lập tượng đài, xây đền thờ, đặt tên phố, chớ nên quá cầu toàn. Cơ bản là tạo cho được đồng thuận xã hội. Dựng tượng đài không phải việc khó. Đặt tên đường phố còn giản đơn hơn. Song phá bỏ một tượng đài đã tồn tại nhiều năm dù nó có ít nhiều gây phản cảm, tháo gỡ một tấm biển tên đường thay bằng tấm biển đề tên người khác, lại dễ làm phát sinh bức xúc trong dư luận. Vì vậy trước khi đi đến quyết định, các nhà quản lý đô thị cần có đầy đủ thông tin, lắng nghe dư luận, trải qua trao đổi, tham bác ý kiến những người am hiểu. Đây là việc không chỉ liên quan đến ngành sử học. Văn hóa, báo chí, truyền thông đều có vai trò quan trọng.
 
Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm các nước khác. Đơn cử thí dụ: Nhiều người trong chúng ta chưa có dịp đặt chân tới châu Âu nhưng vẫn nghe danh một công trình văn hóa kỳ vĩ là Điện Panthéon tọa lạc tại trung tâm thủ đô nước Pháp. Đây là nơi lưu giữ di hài, di cốt các vĩ nhân nước ấy. Mặt tiền của công trình nổi bật trên cao dòng chữ đồ sộ: Tổ quốc biết ơn các vĩ nhân. Điện Panthéon Paris hiện lưu giữ di cốt 65 danh nhân lịch sử, văn hóa, khoa học của Pháp, một nước có biết bao nhiêu ngôi sao tỏa sáng ngay khi họ còn sống trên đời! Vì vậy việc an táng hoặc chuyển di cốt các vị vào Điện Panthéon được làm thật cẩn trọng, bằng quyết định bởi Sắc lệnh của Tổng thống nước Cộng hòa cho từng trường hợp một, dựa trên kiến nghị đồng thuận giữa Bộ Văn hóa và Viện hàn lâm Pháp, sau khi đã trải một quá trình đủ dài cho nhiều người dân tham gia luận bàn. 
 
Thật ra, Điện Panthéon được dựng lên đâu có phải nhằm mục đích tôn vinh danh nhân đất nước! Đầu thế kỷ XVIII, vua Louis XV ra lệnh xây cất một ngôi điện thật uy nghi, việc thi công kéo dài đến 32 năm, nhằm phụng thờ nữ thánh Geneviève mà nhà vua chịu ơn sâu. Năm 1789, Cách mạng Pháp bùng nổ. Quốc hội Pháp quyết định dùng Điện Panthéon vào mục đích cao cả hơn là làm nơi thờ mỗi một vị thánh “bảo mẫu” cho một nhà vua, mà nhà vua ấy lúc này cũng không còn. Nghị quyết Quốc hội nói rõ: “Đền thờ tôn giáo này từ nay trở đi là đền thờ Tổ quốc, đặt mộ chí của các vĩ nhân, là nơi thờ Tự do”.
 
Tuy nhiên, thời cuộc tiếp tục đổi thay. Ít lâu sau, Hoàng đế Napoléon lên cầm quyền, rồi tiếp đến vua Louis XVIII lên ngôi sau khi đế chế Napoléon sụp đổ. Các quân vương dùng quyền lực của mình quyết định mỗi người một cách. Mọi sự nhùng nhằng mãi cho tới năm 1885, ngày văn hào Victor Hugo từ trần. Nước Pháp quyết định tiến hành hành lễ quốc tang ông với sự tham dự của hai triệu người. Nhà văn Victor Hugo sinh thời cực lực phản đối việc dùng Điện Panthéon làm nhà thờ tôn giáo, dù ông là tín đồ Thiên chúa giáo. Ông để lại di chúc khẳng định: Tôi tin có Thượng đế, nhưng tôi không đồng ý cho bất kỳ ai đọc điếu văn tiễn đưa tôi trong bất kỳ nhà thờ nào. Nghị viện Pháp nắm lấy cơ hội ấy, họp phiên bất thường, ban hành Quyết định đưa bậc văn hào vào an táng tại Điện Panthéon. Quyết định có điều khoản: “Từ nay trở đi điện này chỉ dùng làm nơi tôn vinh vĩ nhân của đất nước, tuyệt đối không ai có quyền thay đổi quyết định này”. 
 
Dù vậy, để bảo tồn cảnh quan kiến trúc, người ta giữ nguyên cây thánh giá trên đỉnh ngọn tháp cao đến 80 mét, không cần biết các danh nhân an nghỉ trong điện này có tin hay không tin vào Đấng tối cao.
 
Tri ân tiên hiền là truyền thống văn hiến Việt Nam. Chúng ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm. Hơn nữa, mỗi thời một khác, và thời nào cũng khó tránh khỏi những ý kiến bất đồng. Riêng hai tiếng “danh nhân”, tự nó đã là một đại vấn đề.
 
Có nhiều cách hiểu về khái niệm “danh nhân”. Gần đây ở nước ta có ý kiến đề xuất: nên phân danh nhân thành hai loại: danh nhân lịch sử và danh nhân văn hóa. Vậy các danh nhân văn hóa chẳng phải là nhân vật lịch sử hay sao? Trong khi có nhiều danh nhân sinh thời không chuyên về văn hóa, nhưng công tích họ để lại cho đời sau hàm chứa ý nghĩa văn hóa thâm trầm, thậm chí đặt nền móng cho một thời đại mới. Các nhà nghiên cứu sử thi nước ngoài phân loại danh nhân theo cách khác. Họ căn cứ vào thời đại và công tích các vị mà phân thành anh hùng khai sáng, anh hùng lập quốc, anh hùng văn hóa, anh hùng chiến trận, v.v... Cách này có nhiều mặt đáng bàn: anh hùng khai sáng không thể đồng thời là anh hùng văn hóa hay sao? Ở nước ta, lại có người đề xuất: Để định tiêu chí, nên chăng cần phân danh nhân văn hóa thành nhiều đẳng cấp, như danh nhân anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu, và danh nhân văn hóa địa phương...
 
Do vấn đề quá đa dạng, nhiều nước có cách làm chung là khởi đầu bằng việc thông qua báo chí, truyền thông và các sinh hoạt khoa học, tìm sự đồng thuận về quan niệm, mục đích, phạm vi, yêu cầu..., từ đó mới đặt ra các tiêu chí và hình thức tôn vinh như xây tượng đài, đặt tên phố, tên sông, tên công viên hoặc công trình kiến trúc công cộng lớn… Nơi nào nếu chưa có quy hoạch tổng thể thì nhất thiết phải lên quy hoạch trước, để từ đó có cái nhìn khái quát cân đối về không gian và thời gian. 
 
Những bậc vĩ nhân, anh hùng dân tộc, tướng lĩnh kiệt xuất, danh nhân văn hóa..., được hậu thế biết ơn và tôn vinh phải là những người thật sự có công với nước với dân, tận tuỵ với cộng đồng, mẫu mực về nhân cách. Đối với những ai từng có hành động phản nước hại dân, làm sao hậu thế có thể tri ân họ, cho dù họ cũng có ít nhiều đóng góp qua một vài việc nào đó lúc sinh thời. Xét đến cùng, tôn vinh danh nhân là tôn vinh những tấm lòng yêu nước quý dân, tôn vinh là lấy gương sáng của tiên hiền giáo dục hậu sinh. 
 
PHAN QUANG