Thông tin minh bạch cho chính quyền 4.0

08:06, 28/06/2018

Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam (SASSP) đang triển khai thí điểm tại 4 tỉnh trên cả nước, trong đó có Lâm Đồng đang thể hiện nhiều tiến bộ trong thực hiện an sinh xã hội. 

Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam (SASSP) đang triển khai thí điểm tại 4 tỉnh trên cả nước, trong đó có Lâm Đồng đang thể hiện nhiều tiến bộ trong thực hiện an sinh xã hội. 
 
Cán bộ xã hội thăm hỏi gia đình bà Păng Tinh Tư, người khuyết tật đặc biệt nặng tại TDP Bon Đưng 2, Lạc Dương
Cán bộ xã hội thăm hỏi gia đình bà Păng Tinh Tư, người khuyết tật đặc biệt nặng
tại TDP Bon Đưng 2, Lạc Dương
Trong đó, hệ thống thông tin giảm nghèo và bảo trợ xã hội được đánh giá là một trong những thành quả tốt của dự án, mang lại hiệu quả lâu dài với những nhà quản lý và toàn cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Lao động huyện Đơn Dương, một thành viên của Dự án chia sẻ: “Cái được nhất của dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam ngoài tiền chính là phần mềm. Tiện lợi đủ thứ cho người trực tiếp thực hiện công tác trợ cấp xã hội như chúng tôi”. Phần mềm theo lời ông Thanh chia sẻ chính là Hệ thống thông tin giảm nghèo và bảo trợ xã hội (MIS POSASoft). Ý kiến của hầu hết những người đang quản lý trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và giảm nghèo cũng cho thấy phần mềm thực sự hiệu quả cho cả nhà quản lý và người thụ hưởng.
 
Ông Nguyễn Văn Thân, người trực tiếp thực hiện MIS tại Dự án SASSP tại Lâm Đồng cho biết, MIS là hệ thống thông tin quản lý giảm nghèo và bảo trợ xã hội, hai đối tượng cơ bản của hệ thống an sinh xã hội. Tất cả các đối tượng từ hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đều được quản lý theo hộ gia đình bao gồm tất cả các chính sách họ được thụ hưởng. Ông Thân cho biết: “Dữ liệu đầu vào của phần mềm được cung cấp do khảo sát toàn tỉnh năm 2015 về các đối tượng nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội. Đây là đợt khảo sát rất rộng rãi, thu được dữ liệu gốc làm chuẩn để làm cơ sở cho phần mềm hoạt động”. 
 
Với phần mềm MIS, mọi hoạt động liên quan tới hoạt động an sinh xã hội đều được quản lý nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch. Từ việc chi trả, theo dõi tình hình của đối tượng, theo dõi luồng tiền ra-vào, thay đổi của thành viên trong từng hộ gia đình… đều được thể hiện rất rõ ràng và minh bạch. Ông Nguyễn Văn Thanh nhận xét: “Phần mềm đã tích hợp toàn bộ các chế độ cho một hộ gia đình, rất thuận lợi cho việc quản lý của chúng tôi. Trước đây, chúng tôi sử dụng các bảng excel để quản lý từng đối tượng, khá mất công và dễ trùng lặp. Nay chỉ cần một phần mềm là có thể quản lý rất dễ dàng. Hàng tháng thông tin biến động được cập nhật và việc này thực hiện cũng rất nhanh chóng, minh bạch”. 
 
Điểm đặc biệt của MIS là quản lý phân tầng, tiếp cận thông tin theo phân cấp quản lý. Hệ thống MIS POSASoft toàn quốc được quản lý tập trung, thống nhất tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đảm bảo quy định về bí mật nhà nước. Với mỗi phân tầng như xã, huyện, tỉnh được tiếp cận thông tin riêng của địa phương, phù hợp với tầng quản lý của mình. Cụ thể như cấp tỉnh, Lâm Đồng đang quản lý 33.365 đối tượng bảo trợ xã hội và 26.067 hộ nghèo, cận nghèo; với huyện Đức Trọng đang quản lý 4.496 đối tượng; huyện Đơn Dương 3.161 đối tượng. Ngồi tại bất cứ đâu, chỉ cần một vài thao tác đơn giản, hộ gia đình được trình bày rõ ràng từng thành viên, tên tuổi, nhu cầu, các chính sách được thụ hưởng... và các biến động. Ông Nguyễn Văn Thân cho biết: “Hệ thống MIS POSASoft giúp công tác chi trả rất thuận lợi, minh bạch và rõ ràng, dễ kiểm soát. Ngoài ra, dựa trên hệ thống, các nhà quản lý có thể dự toán ngân sách và hoạch định các chính sách phục vụ an sinh xã hội hiệu quả, chính xác”. Ví dụ như nhà quản lý sẽ nắm được số lượng người hưởng trợ cấp để quyết định ngân sách sắp tới, nắm được nhu cầu của hộ nghèo theo chuẩn đa chiều để hoạch định việc đầu tư hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển... Điều đặc biệt, hệ thống đã chuẩn hóa theo mã định danh quốc gia, là một phần của hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia. Với quản lý nhà nước 4.0 trong tương lai gần, việc hình thành hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia là yêu cầu thiết yếu để phục vụ cho hoạt động quản lý an sinh xã hội toàn quốc”. 
 
Với tư cách là một trong 4 tỉnh thực hiện thí điểm Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam, Lâm Đồng đã cho thấy hiệu quả của Hệ thống thông tin giảm nghèo và bảo trợ xã hội trong việc thực hiện an sinh xã hội và giảm nghèo, hướng tới một xã hội được quản lý minh bạch từ thông tin mở.
 
DIỆP QUỲNH