Bảo tồn và phát huy văn hóa vùng đồng bào DTTS ở Di Linh

NGỌC NGÀ 06:23, 18/04/2023

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ nền tảng góp phần phát triển toàn diện huyện Di Linh.

Các diễn viên quần chúng tái hiện nghề truyền thống của người K’Ho trên sân khấu Liên hoan Văn hóa dân gian các dân tộc huyện Di Linh năm 2022
Các diễn viên quần chúng tái hiện nghề truyền thống của người K’Ho trên sân khấu Liên hoan Văn hóa dân gian các dân tộc huyện Di Linh năm 2022

Xác định rõ nhiệm vụ này, thời gian qua, huyện Di Linh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của bà con các DTTS trên địa bàn. Những chương trình được địa phương triển khai để từng bước cụ thể hóa cho mục tiêu lớn đó như: Liên hoan Văn hóa dân gian các dân tộc huyện Di Linh năm 2022; Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Di Linh năm 2022; Phục dựng Lễ hội Nhô Lir Bông “Mừng lúa mới” của dân tộc K’Ho; Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các dân tộc huyện Di Linh với chủ đề “Âm vang Cao nguyên Di Linh” nhằm hưởng ứng Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng lần thứ 2 năm 2023... 

Di Linh là địa bàn cư trú của 28 dân tộc anh em, gần 42% dân số toàn huyện là người đồng bào DTTS. Trong đó chủ yếu là bà con dân tộc K’Ho, chiếm 35,1% dân số. Đây là yếu tố chính tạo nên bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng, đặc biệt là văn hóa Tây Nguyên như cồng chiêng, dệt thổ cẩm và các lễ hội văn hóa đặc thù trên mảnh đất Di Linh. Tuy nhiên, trong dòng chảy của sự phát triển, những tài sản quý ấy đã có nơi, có lúc dường như bị “lãng quên” nên việc bảo tồn và phát huy là nhiệm vụ đặt ra cho địa phương.

Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh nhận định, việc tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới sẽ góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc. 

Từ năm 2017 đến nay đã có gần 10 lớp truyền dạy và sử dụng cồng chiêng được tổ chức trên toàn huyện Di Linh. Bên cạnh các lớp dành cho lực lượng thanh niên ở các địa bàn, việc truyền dạy sử dụng cồng chiêng còn được các trường học đưa vào thực hiện ở giờ ngoại khóa như tại Trường THCS Tân Thượng và Trường THCS Đinh Lạc. 

Di Linh hiện có hàng chục câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng. Ngoài các câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng của người dân tộc bản địa, còn có các đội cồng chiêng của người Mường tại xã Tân Lâm và Hòa Nam.

Huyện Di Linh cũng từng bước tăng cường sự đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện Di Linh, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm: vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Di Linh, ông Vũ Thành Công chia sẻ, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Văn hóa, mà là nhiệm vụ chung của cả xã hội và luôn được cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn quan tâm, chú trọng. Sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương với những cách làm khác nhau song đều dần tạo nên những chuyển biến về nhận thức trong các cộng đồng dân cư. Từ đó dần nâng cao ý thức bảo vệ giá trị di sản văn hóa, gìn giữ, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân trên các địa bàn.

Sự vào cuộc của cả xã hội được thể hiện rõ khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn, cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và Nhân dân về gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Tổ chức tuyên truyền, vận động già làng, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, người có uy tín trong đồng bào các DTTS tích cực tham gia gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế của cộng đồng và của địa phương. 

Huyện Di Linh cũng xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy văn hóa vùng đồng bào DTTS với những nhiệm vụ cụ thể như: Phục dựng Lễ hội truyền thống Loh Gùng của người K’Ho; Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất truyền để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Đồng thời, có kế hoạch lưu giữ và truyền dạy, sử dụng các nhạc cụ truyền thống; các làn điệu dân ca, dân vũ cho người dân địa phương, nhất là con em đồng bào DTTS; Tổ chức các lớp truyền dạy thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng; Bảo tồn và phát huy giá trị các làng văn hóa truyền thống tiêu biểu để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch; Bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương; Hỗ trợ các nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân K’Brel ở thôn Kròt Dờng, xã Bảo Thuận, phấn khởi bày tỏ rằng: “Việc địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn văn hóa các DTTS không chỉ là niềm vui chung cho bà con, mà còn làm cho những người già như chúng tôi vơi bớt đi lo lắng về văn hóa truyền thống bị mai một. Và chứng kiến văn hóa truyền thống được những người trẻ thể hiện càng làm chúng tôi mong muốn được cống hiến, được truyền dạy để góp sức bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.