Thu Hường với những giải thưởng âm nhạc

LÊ TRỌNG 02:22, 16/02/2023

Sở hữu một “gia tài âm nhạc” đồ sộ với 250 ca khúc dành cho người lớn và 80 ca khúc dành cho thiếu nhi, đặc biệt là 5 giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Thu Hường được xem như “một hiện tượng âm nhạc” ở mảnh đất Nam Tây Nguyên mà không phải bất cứ nữ nhạc sĩ nào cũng may mắn có được.

Nhạc sĩ Thu Hường thể hiện ca khúc “Vòng tay của mẹ” trên đàn Piano
Nhạc sĩ Thu Hường thể hiện ca khúc “Vòng tay của mẹ” trên đàn Piano

MỘT GIA TÀI ÂM NHẠC ĐỒ SỘ!

Có lẽ, giới văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh nói riêng, cũng như đông đảo công chúng yêu âm nhạc cả nước nói chung chẳng còn xa lạ gì đối với cái tên Trần Thu Hường - tác giả của những tập ca khúc thiếu nhi: “Vầng trăng cánh võng” (NXB Thanh niên, năm 2009) và tập ca khúc “Từ bục giảng yêu thương” (NXB Thanh niên, năm 2011) cho đến một số ca khúc khá ấn tượng của nữ nhạc sĩ hiếm hoi ở Lâm Đồng được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây. Nếu như, có một Thu Hường đã từng sớm hôm miệt mài trên trang giáo án hay trên bục giảng..., một Thu Hường trẻ trung và đầy năng lượng khi thể hiện các ca khúc của mình... thì cũng có một Thu Hường đầy suy tư trên từng trang viết, trên từng nốt nhạc giữa đời thường, thật dung dị và thật đẹp. Âm thầm lao động sáng tạo nghệ thuật và trải lòng mình trên từng trang viết, nữ nhạc sĩ quê gốc Quảng Nam này đã và đang âm thầm mang đến cho công chúng yêu âm nhạc những giai điệu đẹp, lắng sâu và giàu cảm xúc thẩm mỹ. 

Tốt nghiệp chuyên ngành Âm nhạc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó có nhiều năm giảng dạy bộ môn âm nhạc cấp Tiểu học và THCS ở huyện Di Linh, đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” nhiều năm liền... mà nhạc sĩ Thu Hường - Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng (năm 2007), hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam (năm 2011) còn dành nhiều thời gian cho công việc lao động sáng tạo nghệ thuật. Tính đến nay, trong “Gia tài âm nhạc” của mình, Thu Hường đã sáng tác không dưới 250 ca khúc dành cho người lớn và 80 ca khúc dành cho thiếu nhi, đặc biệt là 1 tác phẩm khí nhạc viết cho đàn Piano. Không chỉ vậy, Thu Hường còn “lấn sân” sang một số lĩnh vực khác, như: sáng tác truyện ngắn, thơ, viết một số bài về lý luận - phê bình tác phẩm âm nhạc, nghiên cứu các loại hình nghệ thuật dân gian... Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 5 năm trở lại đây Thu Hường tỏ ra khá nổi trội với những ca khúc phổ thơ của các tác giả trong và ngoài tỉnh, “chắp cánh” cho những vần thơ, tứ thơ bay lên bởi những giai điệu tươi mới và đầy tính sáng tạo. Phần lớn các ca khúc do Thu Hường phổ thơ đều khá thành công và đạt giải cao với phong cách sáng tác “không đụng hàng” và không lẫn vào đâu được!

NHỮNG GIẢI THƯỞNG ÂM NHẠC DANH GIÁ 

Miệt mài lao động sáng tạo một cách bền bỉ và nghiêm túc để cho ra đời những tác phẩm âm nhạc chất lượng với độ chín của cảm xúc, Thu Hường cũng đã gặt hái được những quả ngọt đầu mùa mà không phải bất cứ nhạc sĩ nào cũng may mắn có được. Ngoài giải Nhất - “Cuộc thi Đàn và hát với Piano kỹ thuật số toàn quốc” ngành Giáo dục năm 2012; giải Ba - “Cuộc thi Sáng tác cho đàn Piano Đà Lạt trong tôi, do Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng tổ chức; giải Nhất - “Hội thi Giọng hát hay” ngành Giáo dục Lâm Đồng..., từ năm 2014 đến nay, Thu Hường cũng đã gặt hái được nhiều thành công trên lĩnh vực sáng tác âm nhạc, đặc biệt là các giải thưởng danh giá do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng, như: giải Khuyến khích - Ca khúc “Vầng trăng cánh võng” năm 2014, giải Khuyến khích - Ca khúc thiếu nhi “Trăng của nội” năm 2017 và giải Khuyến khích - Ca khúc “Hỏi nắng đi mô” năm 2018; giải C - Ca khúc “Mẹ là tất cả mẹ ơi” năm 2020; giải B - Ca khúc “Vòng tay của mẹ” năm 2021 và một số giải thưởng sáng tác ca khúc khác như: giải Nhì - Ca khúc “Hạnh phúc của em” (Cuộc thi Sáng tác ca khúc toàn quốc viết về thầy cô và mái trường, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức); giải Ba - Ca khúc “Bài ca người trồng hoa” (Cuộc thi Sáng tác ca khúc về Đà Lạt, do Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng tổ chức); giải Ba - Ca khúc “Em yêu cờ Tổ quốc” (Cuộc thi Sáng tác cho thiếu nhi, do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức). Ngoài ra, nhạc sĩ Thu Hường còn tham gia cộng tác nhiều chương trình phát thanh - truyền hình với các đài: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh, VTV2, VTV3, VTV9, Đài PTTH Lâm Đồng, Đài PTTH Bình Phước, Đài PTTH Đà Nẵng...

DỰ ÁN ÂM NHẠC - NHỮNG CA KHÚC ĐỒNG DAO THỜI 4.0

Tinh tế trong cảm nhận, vận dụng một cách có chọn lọc và sáng tạo, Thu Hường đã khéo léo phát triển âm nhạc của mình dựa trên chất liệu dân gian từ các vùng, miền, làm nên những ca khúc thực sự gần gũi và giàu sức sống. Một số ca khúc đã được nhạc sĩ Thu Hường sáng tác gần đây như: “Hỏi nắng đi mô” (âm hưởng dân ca miền Trung), “Tự hào quê hương Di Linh” (âm hưởng dân ca Tây Nguyên), “Đêm Sa Pa” (âm hưởng dân ca miền núi phía Bắc), “Lời ru Tháp Chàm” (âm hưởng Chămpa), “Nhớ câu dân ca” (âm hưởng ca trù)... đã phần nào cho thấy sự đa dạng trong sáng tạo các tác phẩm âm nhạc, cũng như nội lực của nữ nhạc sĩ đa tài này. Đặc biệt, hiện nay, Thu Hường cũng đã thực hiện được khoảng 1/3 dự định mà mình ấp ủ bấy lâu nay, đó là phổ nhạc những bài đồng dao theo phong cách trẻ trung, hiện đại. 

Âm thầm lao động sáng tạo nghệ thuật... Âm thầm “mang nặng đẻ đau” những ca khúc với dấu ấn sáng tạo rất riêng, đặc biệt là rất “có duyên” với các giải thưởng âm nhạc, Thu Hường đã và đang từng bước làm mới tên tuổi mình trên lĩnh vực âm nhạc để đến gần hơn với đông đảo công chúng yêu âm nhạc gần xa. Hy vọng rằng, những ca từ và giai điệu mượt mà, lắng sâu cũng như những sản phẩm âm nhạc của nữ nhạc sĩ Thu Hường sẽ mãi “neo đậu” trong tâm thức của đông đảo công chúng yêu âm nhạc hiện nay, góp thêm dư vị cho cuộc sống trên mảnh đất đầy nắng và gió Lâm Đồng.