Hòa bình

PHẠM VĂN CHỮ 06:22, 09/02/2023

Hòa bình là bước chân trẻ thơ
Ùa vào vòng tay người cha khét nồng thuốc đạn
Hòa bình dâng trái mặt trời chín hồng mỗi sáng
Hòa bình đêm đêm dịu dàng khỏa thân
Trên ranh giới, màu da, chủ thuyết, thánh thần
Hòa bình là những giây lưỡng lự trên cò súng
Giữa đời một con người và mấy chục gam đầu đạn
Hòa bình gào lên bằng tiếng khóc mẹ hiền.
Hòa bình lết đi bằng bước chân thương binh
Nhắc nhở những cuộc đời bị đốn
Bằng những ngôn từ choáng lộn
Sáng như màu của đạn đồng.

PHẠM QUỐC CA

 

LỜI BÌNH

Nếu không ghi rõ bút danh, mới đọc qua, ta ngỡ đây là thơ dịch của nước ngoài. Vì rằng, kiểu tư duy thơ và cách thể hiện ý tưởng có vẻ xa lạ, vần điệu, nhạc tính lại ít được chú ý, đọc lên có câu như văn xuôi, nghe ra trúc trắc, khó cảm nhận...

Nói đến hòa bình là đề cập đến một vấn đề rất lớn, thu hút sự quan tâm của toàn nhân loại... Nó lại có thể soi chiếu từ nhiều góc độ khác nhau. Tác giả đã dùng thơ triết mĩ “chảy giữa đôi bờ trí tuệ và tình cảm”(Chế Lan Viên), rồi từ điểm nhìn nghệ thuật của chủ nghĩa nhân bản để có cách tiếp cận hữu đắc, bộc lộ tình cảm, thái độ đối với hòa bình và chiến tranh. Quan điểm này không hẳn là mới mẻ, cũng đã từng thấy trong tiểu thuyết "Phá vây" của Phù Thăng, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, thi phẩm “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật, “Sẹo đất” của Ngô Văn Phú... từng nổi sóng dư luận một thời chưa xa.

Hãy nhìn từ cõi nhân sinh, con người là con người, không có gì khác, con người là sản phẩm cao quý của Đấng Tạo Hóa sinh ra, “ai cũng có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc”, ai cũng có những nỗi khổ, niềm đau trước số phận. Bất kể ở đâu và thời đại nào, ai cũng mong cầu sống tốt đẹp và sống với nhau bằng tình nhân ái... Ước nguyện đó chỉ có được trong cuộc sống hòa bình, yên ổn.

Hòa bình và chiến tranh là cặp phạm trù của hai mặt đối lập, có chiến tranh thì không có hòa bình và ngược lại. Thủ pháp thơ lát cắt làm cho thơ tích tụ, cô đọng hơn, cho hình ảnh thơ hiển hiện lên sống động hơn, đã tạo một biên độ giữa chiến tranh và hòa bình, để cùng lúc nhận thức được cả hai trạng thái. Thơ không cắt nghĩa hòa bình là gì mà chọn lọc các chi tiết, các hình ảnh tiêu biểu để thể hiện hòa bình như thế nào. Hòa bình được nhận diện khi chiến tranh vừa kết thúc. Điệp từ hòa bình đứng đầu 6 trên 12 câu thơ cốt để khắc sâu vào tâm khảm mọi người. 

Hòa bình vừa vãn hồi, cả hai bên tham chiến đều bắt đầu có cuộc sống mới yên bình. Đó là hình ảnh cảm động các cháu nhỏ “ùa vào vòng tay người cha” từ chiến trận vừa trở về “đang khét nồng thuốc đạn”. Vũ trụ cũng ngày ngày “dâng trái mặt trời chín hồng mỗi sáng”, đêm đêm lứa đôi “dịu dàng khỏa thân” ái ân hạnh phúc... Hình ảnh làm ta nhớ lại lời của Lão Tử: “Trong chiến tranh, ngựa cái đẻ con ra giữa chiến trường”. Với cái nhìn nhân bản, có sự đối lập ngay cả trên chiến trường, những người lính phải nhe ngắm để bí mật nhả đạn vào đầu, vào ngực của đối phương, giết đồng loại của mình, cũng đã có “những giây lưỡng lự trên cò súng”. Nó vượt lên, bất chấp những mệnh lệnh, những chủ thuyết xúi dục người ta phải tiêu diệt lẫn nhau...

Và những người Mẹ hiền...! Người ta nói, chiến tranh xảy ra dù bên thắng bên thua, thì những người mẹ luôn là những người thất bại đau đớn nhất. Khi một viên đạn bắn vào người lính là đã bắn vào tim của một người mẹ ở quê nhà. Mẹ đã từng khóc bao năm: Mẹ khóc thầm khi tiễn con đi, khi con đang đánh nhau ngoài mặt trận... Giờ đây, hòa bình rồi, con của mẹ đã không trở về, mẹ chỉ còn biết kêu Trời, kêu Đất thảm thiết...!

Hãy lưu tâm những câu thơ tiết chế, cùng những từ ngữ chọn lọc, giàu sức gợi về tư tưởng. Cũng như từ “gào” gợi thanh trong “gào lên bằng tiếng khóc”, từ “lết” gợi hình trong câu “lết đi bằng bước chân thương binh”, từ “đốn” trong “những cuộc đời bị đốn” đã gây một ấn tượng, một cảm xúc mạnh trong lòng bạn đọc. Những người thương - phế binh có chút may mắn hơn, được trở về với gia đình, quê hương thì chỉ còn lại tấm thân tàn phế... Mới hay, chiến tranh là sự xúc phạm tệ hại nhất đối với quyền con người. Toàn bài không có một từ "chiến tranh" mà bộ mặt chiến tranh vẫn hiện lên thật đáng sợ và đáng nguyền rủa! Ôi, cái giá của hòa bình...!

Không có hòa bình, họa binh đao xảy ra thì bao nhiêu lớp người, bao nhiêu cuộc đời đều chịu truy bức, truy diệt đến tận cùng đau khổ. Chỉ cần chọn ra ba loại người tiêu biểu: những em bé, những bà mẹ và những người lính chiến. Chính họ là những nạn nhân của tội ác chiến tranh, họ lên án chiến tranh, khát khao hòa bình hơn ai hết. Những câu thơ cuối bài mang giọng điệu mỉa mai để cảnh báo, nhắc nhở chúng ta trước “những ngôn từ choáng lộn/ sáng như màu của đạn đồng”... Mĩ học ứng dụng được người ta đưa vào sản xuất vũ khí chiến tranh giết người. Tất cả được trau tria từ hình dáng đến màu sắc đều "đẹp đẽ" và tên gọi cũng rất "hay", rất “đẹp”. Không lấy làm lạ, hai quả bom nguyên tử ném xuống đất Nhật tháng 8 năm 1945 giết chết gần 220.000 người, lại được gọi bằng cái tên “mĩ miều”, nghe ra “dễ thương” đáo để: Cậu bé, Chú béo.(?!)

Được biết, nhà thơ Phạm Quốc Ca đã có 8 năm làm người lính trận vào giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến đánh Mĩ nên ông có một cách nhìn sâu sắc và cách thể hiện mới mẻ về hòa bình và chiến tranh. Đọc thơ, ngẫm ra sẽ thấy, người ta tranh giành, thù hận và tàn sát lẫn nhau bằng chiến tranh là một điều hết sức phi lí và cực kì ngu xuẩn. Thế mà nó đã từng diễn ra và đang đe dọa diễn ra... Có lẽ nào Học thuyết của Malthus lại được minh chứng? Nhân loại tiến bộ luôn yêu chuộng hòa bình và lên án chiến tranh. "Nhân mạng trí trọng", "máu người không phải là nước lã", chỉ những kẻ bạo chúa cầm quyền mất dạy, độc tài, hiếu chiến, chống lại loài người, thích mùi tanh máu người, mới lừa mị, xô đẩy người ta vào vòng khổ đau của cơn binh lửa bạo tàn để thực hiện ý đồ đen tối...

Khi ta nói điều này, thì bên trời Âu, cuộc chiến Nga - Ukraine đang diễn ra ngày càng khốc liệt, gây đau thương tang tóc, mất mát rất lớn cho cả hai bên, mà chưa biết ngày nào chấm dứt... Đáng lo lắng hơn, những kẻ tham vọng bá quyền đang hầm hè dọa nhau dùng vũ khí hạt nhân, thảm họa Thế chiến III có thể diễn ra, cả loài người có thể bị hủy diệt...

Ta nhớ đến Phuxich, nhà văn lớn Tiệp Khắc, trong nhà tù Phát xít đã ra lời yêu thương và cảnh tỉnh rằng: “Hỡi loài người mà ta yêu quý! Xin Người hãy cảnh giác!”.

Chúng ta cảnh giác và cùng cầu nguyện: Trái đất này sẽ mãi mãi tươi đẹp và đáng sống, mọi cuộc chiến tranh phải chấm dứt và không bao giờ diễn ra, để nhân loại luôn được chung sống hòa bình yên vui, hạnh phúc trong tình hữu nghị, thân ái!

Ôi HÒA BÌNH, trân quý lắm thay!