Tiếng còi tàu trên cao nguyên

MƯU LÊ 06:21, 09/02/2023

Trong ký ức và cho đến tận bây giờ, cứ mỗi lần nghe tiếng còi xe lửa, lòng tôi lại lâng lâng một niềm thương nhớ xa xôi.

Ga xe lửa Đà Lạt. Ảnh: Chính Thành
Ga xe lửa Đà Lạt. Ảnh: Chính Thành

Gắn bó với mảnh đất Hồng Lạc - thành phố  Đà Lạt từ những ngày còn bé thơ, sống cạnh tuyến đường sắt xe lửa gần sáu mươi năm qua, cứ vào những buổi chiều khi nghe tiếng còi xe lửa rú lên, kéo dài từng hồi và tiếng xình xịch khi tàu về gần đến nhà ga Đà Lạt, cảm giác sung sướng lại trào dâng khó tả. Đây là một trong những nhà ga có kiến trúc cổ đẹp nhất khu vực Đông Nam Á, một kiểu kiến trúc ít thấy trên thế giới đã được người Pháp xây dựng.

Ký ức của một thời dội về, khi mỗi chiều tôi nhìn ra cửa sổ, nhìn về phía nhà ga rêu phủ kia, hiện lên bóng dáng: Những con người lao động vất vả, gồng gánh trên vai, vội vã bước lên tàu. Hình ảnh những cô gái mặc áo dài, tóc buông xõa bờ vai, chầm chậm khoan thai tìm cho mình một chỗ ngồi ưng ý trong khoang tàu. Những anh công chức, áo quần com-lê, tay xách cặp đen, mũ phớt, áo bỏ vào quần, đi giày sandal đường bệ rảo phía xa kia trông rất đĩnh đạc. Anh công nhân gác tàu cũng vừa đóng ghi cho tàu dừng lại, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tiếng còi tàu vang lên. Tàu chạy bằng hơi nước. Khói phun lên trời cao một đụn rõ to hình cái nấm. Khói đen đặc, thậm chí lan tỏa ra cả một toa tàu phía trước.

Ký ức cứ ùa về, như mới hôm qua những khi đứng bên cửa ra vào chờ người thân ở ngoài Huế vô thăm; có khi nôn nao sốt ruột mong được gặp một người con gái mà mình đem lòng nhung nhớ. Những lúc như thế, đôi chân của tôi như bị cuốn vào toa tàu, lớ ngớ, lơ ngơ trông như gà mắc tóc. Ánh mắt si mê nhìn về hướng con tàu, khi nghe tiếng còi hú lên. Tiếng hú xa tận phía dưới Nam Hồ mà như đang đánh nhịp trong trái tim tôi. Tiếng thình thịch của con tim mà tôi cứ ngỡ như tiếng xình xịch của cả toa tàu đang dội vào trái tim mình. Cái cảm giác cứ thường trực trong tôi mỗi lần ra ga tàu đứng đợi.

Tiếng còi tàu như tiếng lòng mong mỏi, đợi chờ. Tiếng còi tàu từ phía xa kia nghe như hun hút mà lại rất gần. Tôi cố nhoài người ra như đang nắm bắt được tiếng còi đang reo lên ấy. Và những khi ngồi lại một mình, tôi thường nghĩ về tiếng còi tàu  khi hú lên là báo hiệu một sự đoàn tụ của những người đi xa trở về, báo hiệu cho những người chồng, người cha sau khi hoàn thành chuyến công tác vận chuyển đường sắt, được hiện diện đêm nay dưới mái ấm gia đình.

Ngày đất nước còn chia cắt, đoàn tàu hỏa Việt Nam chỉ còn lăn bánh từ ga  Huế vô Nam. Riêng đoàn tàu từ Phan Rang - Tháp Chàm lên Đà Lạt chủ yếu là vận chuyển hàng hóa. Đây là đoàn tàu đặc biệt có câu moóc để đưa tàu lên những con dốc. Tàu không nhiều toa, bò chậm chạp qua từng cánh rừng đầy thông và cây gỗ tạp. Khói tỏa vào sương sớm, khói tỏa vào rừng cây. Những con người ngồi trong các khoang tàu lặng lẽ. Một phần là do qua những cánh rừng yên ắng lạ thường này, ai cũng cảm thấy rờn rợn; một cảm giác lạ thường gì đó. Một phần cũng vì yên ắng như thế mà mọi người ai cũng muốn thả hồn mình trong gió, trong mây, tìm một chút thư thái cho tâm hồn. Riêng tôi, vẫn hằng ngày đứng bên cửa sổ nhìn về phía con tàu kia, cho dù bây giờ tất cả chỉ còn lại là ký ức.

Từ lâu, du khách thông thường, khi đi du lịch vùng cao, người ta thường sử dụng phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Nhưng để được thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của các vùng, miền trong đất nước, thì chỉ có du lịch bằng tàu lửa là thú vị nhất. Có người bảo rằng, muốn thưởng thức vẻ huyền bí của núi rừng cao nguyên Đà Lạt, du khách chỉ có thể tận hưởng thật sự những giây phút tuyệt vời trong một chuyến du ngoạn Đà Lạt bằng tàu lửa. Đi tàu lửa, du khách sẽ có một cảm giác thật thoải mái và thú vị  khi ở trên một toa tàu dài ngoằn ngoèo, băng qua những núi rừng hùng vĩ, khung cảnh hai bên đường lướt chầm chậm qua các ô cửa sổ, thỉnh thoảng con tàu lại phải chui qua một đoạn đường hầm tối tăm và lạ lẫm đầy huyền bí. Những lần qua các ga nhỏ, tàu thường ngừng lại một thời gian ngắn để khách lên xuống. Trong thời gian này những người bán hàng rong cũng tranh thủ chào bán các loại đặc sản của địa phương đủ loại, đủ sắc màu của từng vùng, miền để du khách làm quà. Khi tàu rục rịch chuyển bánh, họ mới vội vàng nhảy xuống, đứng ở sân ga như tiếc rẻ nhìn con tàu chầm chậm chuyển bánh, bỏ lại đằng sau tiếng còi tàu tan loãng trong không gian.

Đi du lịch bằng tàu lửa rất thú vị, vì ta có thể ngắm phong cảnh hai bên đường một cách sảng khoái, tàu chạy suốt đêm qua những vùng, miền ven biển, những cánh đồng, đồi núi, làng mạc dọc tuyến đường. Từ các khung cửa sổ của toa tàu ta cứ ngỡ cảnh vật tụt lùi vào phía sau như một đoạn phim. Với tàu lửa lên Đà Lạt, khi lên đèo dốc, bánh xe lăn chậm chạp trên đường “ray”, tiếng cọc cạch gõ nhịp, các bánh răng cưa níu chặt vào nhau ken két để níu tàu khỏi tuột dốc. Không khí càng lúc càng dễ chịu, mát lành khi con tàu dần dần tiến về thành phố ngàn hoa. 

Tuyến đường xe lửa  Đà Lạt  -  Phan Rang, là một tuyến xe lửa đặc biệt, vì con tàu của tuyến đường này khác hẳn với các con tàu ở tuyến đường miền đồng bằng, do phải di chuyển trên những cung đường có độ dốc cao, nên đường ray phải có thêm một đường răng ở chính giữa, moóc khớp với bánh xe của đầu tàu nhằm kéo đoàn tàu lên dốc và giữ cho đoàn tàu không bị tuột nhanh khi xuống dốc. 

Chiến tranh đã dội lên mảnh đất này. Tuyến đường sắt đặc biệt từ Tháp Chàm lên Đà Lạt đã bị gián đoạn. Con đường sắt độc đáo răng cưa không còn nữa, nhưng ký ức về một tuyến đường sắt với con tàu moóc răng cưa vẫn còn lưu giữ trong mỗi trái tim người Đà Lạt. Là người con ở khóm Hồng Lạc ngày nào, tiếng còi tàu vẫn là kỷ niệm khó quên. Và nghe đâu, trong tương lai, thành phố ngàn hoa sẽ được phục hồi tuyến đường sắt, sẽ đưa du khách đến thăm những danh lam thắng cảnh - những nơi đã trở thành huyền thoại, những nơi đã trở thành di tích, những nơi đã khơi gợi những câu chuyện của tình yêu muôn thuở.  

Tiếng còi tàu vẫn mãi vang xa và mỗi khi về gần đến ga Đà Lạt, vẫn cất lên hồi còi “đoàn tụ”, mà chiều nay biết đâu có những gia đình “đường sắt” đang hướng mắt về phía nhà ga để nhớ đến người thân đi xa chưa được trở về; và biết đâu mai đây trên con tàu ấy sẽ có một người con gái đặt chân xuống sân ga, mà một thời tôi phải đứng trong mưa đón đợi.

Lưu luyến lắm! Một tuyến đường sắt đầy ắp kỷ niệm một thời niên thiếu của tôi và người dân thành phố Đà Lạt mến yêu.