Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong công tác tư tưởng

NGUYỄN THỊ MỴ 06:33, 10/02/2023

Xác định văn học - nghệ thuật (VHNT) là lĩnh vực đặc biệt tinh tế, nhạy cảm của văn hóa, luôn là môi trường độc đáo giữ vị trí đặc biệt và làm phong phú, sinh động cho toàn bộ hoạt động của công tác tư tưởng, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chính sách ưu đãi cho hoạt động VHNT.

Để phát huy cao nhất vai trò của VHNT trong công tác tư tưởng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã có sự chỉ đạo, định hướng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn để hoạt động này luôn song hành cùng tiến trình phát triển chung của tỉnh. Nhờ đó, hoạt động VHNT của tỉnh Lâm Đồng đã có những bước phát triển vượt bậc và giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều đóng góp đáng ghi nhận trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương. 

Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng là một trong những hội địa phương khu vực các tỉnh phía Nam được hình thành và phát triển khá sớm. Từ thực tiễn hoạt động của Hội, đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng đã không ngừng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp VHNT của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Với cương vị và trách nhiệm của mình, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều quan tâm, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Hội VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh phát huy năng lực, sở trường, tìm tòi và sáng tạo được những tác phẩm có giá trị trong đời sống xã hội. 

Nhiều sản phẩm, tác phẩm, công trình văn hóa, VHNT có giá trị được sản sinh, có sức tác động và ảnh hưởng tích cực đối với Nhân dân. Các tác phẩm VHNT đã kịp thời phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, học tập và chiến đấu của các tầng lớp Nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh. Hầu hết tác phẩm đã tập trung khai thác các đề tài về lịch sử, chiến tranh cách mạng, sự nghiệp đổi mới, những vấn đề thời sự của đất nước, địa phương, truyền thống văn hóa các dân tộc; khẳng định những nhân tố tích cực, đấu tranh, phê phán tiêu cực, lạc hậu, hướng người đọc vươn tới “chân - thiện - mỹ”. 

Điều đáng mừng là đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng những năm qua luôn có sự nỗ lực sáng tạo và gặt hái được nhiều giải thưởng trong và ngoài tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế; các tác phẩm đã góp phần nâng cao nhận thức, có tính giáo dục, giải trí, định hướng tư tưởng cho công chúng, phục vụ công chúng, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong nhiệm kỳ qua, đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng đã sáng tác trên 2.500 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm xuất sắc được công chúng cả nước biết đến. Nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đoạt huy chương; hàng trăm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, ca khúc hay về Đà Lạt - Lâm Đồng được công chúng cả nước yêu mến; hàng chục tranh, tượng, phù điêu được các bảo tàng, nhà sưu tầm sở hữu... đã làm rạng danh xứ hoa - trà - tơ lụa - du lịch Lâm Đồng.

Mục tiêu của công tác tư tưởng là khi có sản phẩm VHNT tốt lại biết sử dụng các sản phẩm đó một cách phù hợp đó chính là con đường và giải pháp để phát huy vai trò, ưu thế của VHNT trong công tác tư tưởng. Giá trị, hiệu quả, tác dụng của các sản phẩm VHNT còn được thể hiện rõ nhất trong cuộc đấu tranh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, đấu tranh chống cái ác, cái xấu cũng là một đặc trưng của VHNT, là sứ mệnh cao cả của đội ngũ văn nghệ sỹ. Một trong những nhiệm vụ đó là công tác lý luận, phê bình VHNT. Trong những năm qua, công tác lý luận, phê bình VHNT của Lâm Đồng đã góp phần phát hiện, cổ vũ những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật; đồng thời uốn nắn, phê phán những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động sáng tác; hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT luôn gắn chặt với các hoạt động sáng tác, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tác và thẩm định các tác phẩm. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu còn gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tôn trọng tự do tín ngưỡng của Nhân dân; kịp thời phê bình những tác phẩm có nội dung xa rời hiện thực cuộc sống, lệch lạc trong nhận thức, góp phần định hướng tư tưởng và thẩm mỹ sáng tạo của văn nghệ sĩ. Nhờ đó, trong thời gian qua, Lâm Đồng không có các tác phẩm đi trái với quan điểm, đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng.

Ngoài những gì đã làm được thì nhìn lại thực tế, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, VHNT của tỉnh vẫn còn thưa vắng những tác phẩm phản ánh một cách sâu sắc, chân thực, sinh động cuộc sống của Nhân dân. Nhiều tác phẩm công bố trong thời gian qua trên các phương tiện truyền thông và trên các tạp chí của địa phương còn ở mức trung bình. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ chưa được thường xuyên; tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp đã ít nhiều tác động đến tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ; các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội phát tán nhiều tài liệu, bài viết xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng nhưng VHNT tỉnh nhà chưa có nhiều bài viết có chất lượng để đấu tranh, phản bác...

Để tiếp tục phát huy vai trò của VHNT đối với công tác tư tưởng của tỉnh, thời gian tới cần triển khai tốt một số giải pháp sau:

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với lĩnh vực VHNT. Trước hết, coi trọng đổi mới tư duy lý luận về VHNT; đảm bảo định hướng chính trị đi đôi với xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ sáng tạo VHNT, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tài năng nhằm phát huy cao nhất sự đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ cho sự nghiệp VHNT. 

Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, định hướng, động viên văn nghệ sĩ nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người làm công tác văn hoá, thường xuyên tự phê bình và phê bình, chống các biểu hiện ảo tưởng, mơ hồ, hữu khuynh, kiên quyết ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; đồng thời, cảnh giác, tránh tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá chế độ trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Văn nghệ sĩ phải tích cực tham gia công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Sử dụng và phát huy tốt vai trò của VHNT trong công tác tư tưởng. Các sản phẩm, tác phẩm, công trình VHNT muốn phát huy tác dụng thì ngay khi ra đời đòi hỏi phải có tầm nhìn, năng lực của người lãnh đạo, quản lý không chỉ trên lĩnh vực văn hóa, VHNT mà trên cả lĩnh vực chính trị, tư tưởng, công tác Đảng, công tác cán bộ...

Trong công tác định hướng cho hoạt động sáng tạo, khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo, dấn thân vào cuộc sống để có những tác phẩm hay mang tính “chân - thiện - mỹ”. Định hướng cho người sáng tác phải làm chủ ngòi bút của mình và không ngừng rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ, chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân về sản phẩm của mình. 

Ngoài chú trọng phát huy tinh thần lao động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ; tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tác; cổ vũ, giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhất là những tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, phục vụ thiết thực cuộc sống xã hội, phục vụ Nhân dân và chế độ; thì công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT cũng cần được quan tâm để kịp thời phát hiện những cái hay, cái đẹp, cái “chân - thiện - mỹ” trong mỗi tác phẩm VHNT; đồng thời, phê bình, góp ý sự phiến diện, thậm chí sai lệch về tư tưởng của tác phẩm. Đây là chất “xúc tác” để VHNT thuật phát triển đúng hướng, đạt tới đỉnh cao của sáng tạo...