Tâm thức Đồi Cù

TRỌNG HOÀNG 08:35, 24/04/2024

(LĐ online) - Tôi cố gắng mãi mà chưa tìm được tài liệu có giá trị nói chi tiết về sự ra đời của Đồi Cù Đà Lạt, chẳng hạn như ngày tháng năm, lý do, đối tượng phục vụ, người quyết định hoặc chủ trì cho sự ra đời của Đồi Cù.

Một góc Đồi Cù trong sương sớm. Ảnh: Thụy Trang
Một góc Đồi Cù trong sương sớm. Ảnh: Thụy Trang

Bởi trước hết, ở đây là một cánh rừng trên 60 ha, không thể ai đó khơi khơi tự ý phá ra làm sân đánh golf được. Thứ 2 là việc lập phương án và đầu tư cho một sân golf - một môn chơi cao cấp thời ấy rất hiếm mà lại là một sân golf đầu tiên ở Việt Nam, cho nên đây không phải là một việc nhỏ mà không cần phương án, kế hoạch, mà là phải thống nhất trong qui hoạch, đồ án nào đó của thành phố. Tìm trên mạng thì bắt gặp bài viết trên Wikipedia của tác giả nào không rõ có nói khá chi tiết nhưng có nhiều điều không hợp lý nên độ tin cậy rất thấp.

Tôi tìm đọc trong “Đà Lạt quá khứ, hiện tại và tương lai” của tiến sĩ Phạm S thì thấy xuất hiện 2 từ “Sân Cù” trong phần nói về các trung tâm giải trí và thể thao thuộc đề án qui hoạch của KTS Mondet năm 1940, nhưng cũng chỉ nằm lại trong đề án mà thôi! Cho tới năm 1943 đồ án chỉnh trang Đà Lạt của Lagisquet được xem là có nhiều nét hiện đại hơn trên cơ sở dựa vào các đề án trước, kể cả đề án đầu tiên của Ernest Hébrard đi vào qui hoạch một số phân khu chức năng cụ thể, trong đó có: “Một khu thể thao với khoáng địa rộng lớn dành cho sân vận động, sân golf…” được toàn quyền Decoux chấp thuận triển khai thực hiện.  Trong “Đỉnh cao đế quốc” của Erict Jennings thì năm 1935 báo La Nouvelle Dépêche có đăng một mẫu đối thoại nói về những phụ nữ châu Âu tán chuyện “suốt ngày kể cả khi chơi golf, đi săn, đi câu cá”… Mẫu đối thoại đó có vẻ như họ nói ví von về nhu cầu “tám” của phụ nữ cho vui chứ cũng không thể nói lên là sân golf ở Đà Lạt ra đời vào năm 1935! Bài viết của KTS Trần Công Hòa và nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Nguyên thì chi tiết, cụ thể hơn nhất là nói về đồ án của Lagisquet năm 1943, theo đó có một câu lạc bộ golf (golf club) nằm phía gần trường Đại học Đà Lạt ngày nay và một công viên (jardin public) nằm phía hồ Xuân Hương, nhưng thời gian cụ thể và nhiều chi tiết khác có lẽ chúng ta còn chờ các nhà nghiên cứu để được hiểu biết rõ hơn.

Theo một số người sống lâu năm và có hiểu biết nhiều về Đà Lạt thì sân golf Đà Lạt chỉ hoạt động cho đến năm 1945 rồi dừng, khi Bảo Đại thoái vị. Cho đến ngày 8/8/1991, Ủy ban nhà nước về hợp tác đầu tư của Chính phủ ra quyết định giao cho công ty DRI đầu tư làm sân golf cho đến nay thuộc công ty Hoàng Gia. Như vậy, sân golf ra đời và hoạt động chỉ trong thời gian rất ngắn trước năm 1945, người Pháp gọi là đánh golf, người Việt dịch ra là đánh cù và sân golf còn gọi là Sân Cù là như thế. Còn lại một thời gian dài khoảng nửa thế kỷ, Đồi Cù nói chung gồm cả câu lạc bộ golf và công viên theo Lagiquet đã trở thành một công viên thiên nhiên rộng lớn, rất đẹp và rất lãng mạn của cư dân Đà Lạt và của du khách bốn phương.

Cái đẹp của Đồi Cù không chỉ riêng tại bản thân nó mà nó gắn kết thật hài hòa với cảnh quan xung quanh của Đà Lạt. Nét đẹp đó của Đồi Cù đã đi vào tâm thức của các thế hệ người Đà Lạt. Nơi đây, thanh niên, sinh viên, học sinh thường tổ chức các cuộc pinic, cắm trại, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời vào những ngày nghỉ cuối tuần. Lúc chưa giao cho DRI thì trong Đồi Cù còn có một số khu vực cho ta cảm giác gần như thiên nhiên hoang sơ với những con suối nhỏ  nước trong veo nhìn thấy cá lội và đa dạng các loài thực vật như sim, mua, bồ công anh, cây nắp ấm bắt ruồi và hàng trăm các loài hoa dại, hoa thiên nhiên khác… mà sinh viên khoa Sinh học thường đi sưu tập các loài thực vật ép vào tập làm tiêu bản trong chương trình nghiên cứu động thực vật, các bạn học sinh thì lang thang đi hái hoa ép vào vở tặng nhau trong ánh mắt trìu mến của tuổi học trò.  

Đây là nơi gặp gỡ, hẹn hò của biết bao mối tình đẹp của người Đà Lạt và khách lãng du, có người dám nói rằng, Đồi Cù là nơi xe duyên cho hàng ngàn cặp tình nhân. Đây còn là nơi của những gia đình lao động không phân biệt tay chân hay trí óc, không phân biệt thành phần đối tượng, sau những ngày làm việc mệt nhọc, cuối tuần họ chở nhau ra Đồi Cù trải nilon dưới những tán thông ăn uống, nằm nghe gió mát từ hồ Xuân Hương thổi về và ngửa mặt ngắm những cánh cò trắng bay nhẹ nhàng dưới vòm trời cao xanh thẳm, cảm thấy đầu óc thư giãn, lòng nhẹ nhàng quên đi nỗi nhọc nhằn lo toan cuộc sống và gắn kết tình yêu gia đình nhiều hơn.

Đồi Cù đã từng đi vào nhiều phim ảnh, trong đó ấn tượng nhất là một cảnh hấp dẫn trong phim “Ván bài lật ngửa”. Phải chăng không gian đồi Cù, cảnh quan Đồi Cù từng gắn bó cả trăm năm với con người cũng đã góp một phần tạo nên phong thái người Đà Lạt luôn nhẹ nhàng, ung dung, khoáng đạt…?

Những năm chiến tranh, Đồi Cù còn là nơi gặp gỡ, trao đổi công tác của các cán bộ hoạt động bí mật, của tổ chức Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Miền Nam Việt Nam trong thành phố, nơi liên lạc với giao liên từ trong căn cứ về thành truyền đạt thư chỉ đạo của Thị ủy Đà Lạt. Bởi không gian rộng thoáng không sợ nghe lén hay sự dòm ngó của đám tình báo, mật vụ…

Năm 1975, rất sớm sau  giải phóng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đương thời vào thăm Đà Lạt. Sau những ngày làm việc, những buổi chiều, ông thường thích đi dạo trên Đồi Cù. Ông đi rất nhiều, từ đồi này sang đồi khác, lúc lên đồi lúc xuống thung lũng, ngắm nhìn không gian bao la, ông tấm tắc khen đẹp một cách thích thú. Các cán bộ an ninh cùng đi sợ ông mệt nhưng ông bảo cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ thì càng đi càng khỏe chứ! Đặc biệt, ông khen: “Trình độ văn hóa của dân Đà Lạt khá cao, họ đi chơi nhiều thế mà Đồi Cù vẫn sạch, họ không vứt giấy lộn, rác hay thức ăn xuống đồi, xuống suối”. Nghe các vị đưa ông đi dạo về kể lại, ai nấy đều vui và tự hào về thành phố Đà Lạt, về con người Đà Lạt của mình.

Tất cả những điều nêu trên đã ăn sâu vào tâm thức người Đà Lạt, đã thành một tình cảm thiêng liêng của nhiều thế hệ người Đà Lạt như một bức tường vô hình gìn giữ Đồi Cù!

Năm 1991, Đồi Cù được rào kín dành cho giới chơi thượng lưu, người Đà Lạt buồn! Nhưng vì sự phát triển của tỉnh, vì cảnh quan Đồi Cù được tôn tạo, vì tầm nhìn của Đồi Cù vẫn giữ sự thoáng đãng của vùng khoáng địa, của vùng bất kiến tạo, Đồi Cù vẫn một màu xanh làm đẹp cho Đà Lạt, nên nỗi buồn chỉ như là một nỗi nhớ nhung mà thôi! Gần đây, Đồi Cù bỗng dưng bị đào bới, san ủi, người Đà Lạt có cảm giác đau như chính mình bị cào xé, thương tích. Một công trình đồ sộ bỗng mọc lên thô bạo đã đâm vào tâm thức người Đà Lạt, đập vỡ vụn bức tường thiêng liêng trong tình cảm người Đà Lạt với Đồi Cù!

Được biết, theo chu kỳ 2017 - 2021, tỉnh thu được hơn 14,6 tỉ đồng/năm của việc cho thuê Đồi Cù và dự kiến theo chu kỳ mới 2022 - 2027 thì tăng lên nữa. Có thêm chừng ấy cho ngân sách tỉnh cũng tốt, nhưng không phải vì điều đó mà chúng ta phải đánh đổi nhiều giá trị, phải nhượng bộ nhà đầu tư.

Nếu nhà đầu tư không kham nổi thì nên chăng trả lại Đồi Cù để thành một công viên thiên nhiên độc đáo hiếm có của cả nước! Tỉnh Lâm Đồng không có thêm vài chục tỷ hay thậm chí trên trăm tỷ nhưng lại có được lòng dân vô cùng lớn không chỉ bây giờ mà còn ở nhiều thế hệ mai sau.

Mong lắm nhà chức trách có những quyết định thuận lòng người!