Cần giải pháp chống hạn lâu dài cho Tôn Klong

H. SA - H.LY 05:35, 22/04/2024

Những năm qua, tình hình cây trồng thiếu nước tưới vẫn luôn là bài toán chưa thể có lời giải khi mùa khô đến ở thôn Tôn K'Long, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh. Mùa khô năm nay, hàng trăm ha cây trồng như: cà phê, sầu riêng, bơ của người dân tại khu vực này đã và đang tiếp tục phải chịu cảnh khô héo vì nắng hạn. 

Người dân Tôn K’Long chật vật tìm nguồn nước cho cây trồng mỗi mùa khô
Người dân Tôn K’Long chật vật tìm nguồn nước cho cây trồng mỗi mùa khô

Chúng tôi đến thôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh giữa những ngày cao điểm nắng nóng tháng 4 khiến cho cả con người và cây trồng nơi đây đang khát, cháy. Anh Nguyễn Văn Luận, nông dân trồng sầu riêng ở Tôn K’Long cho biết: Ở thôn Tôn K'Long, có một thực tại đã tồn tại nhiều năm đó chính là việc thiếu nguồn nước tưới nghiêm trọng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mỗi khi mùa khô đến. Mặc dù, những hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tại đây như gia đình anh đều đã tìm mọi cách khắc phục như đào thêm ao, hồ nhỏ với diện tích ngày càng lớn cũng như tăng độ sâu lên, thực hiện khoan giếng... nhưng nguồn nước tưới vẫn luôn thiếu trước hụt sau. 

Anh Luận cho biết thêm, hiện nay, gia đình anh đang canh tác 4 ha sầu riêng, trong vụ năm 2023, thu về hơn 40 tấn trái. Theo dự kiến, nếu chăm sóc đúng quy trình, vụ sầu riêng năm 2024, gia đình anh thu về không dưới 80 tấn trái. Tuy nhiên, với tình trạng khô hạn kéo dài, cây trồng thiếu nước tưới như hiện tại khiến gia đình anh như ngồi trên đống lửa. Đặc biệt, trong giai đoạn cây sầu riêng đang trong quá trình ra trái, vườn của anh rất cần lượng nước tưới ổn định. 

Để chủ động trong việc tưới tiêu cũng như trong phòng, chống hạn hán vào mùa khô, UBND huyện Đạ Tẻh đã nhiều lần kiến nghị đầu tư công trình hồ chứa nước và công trình cung cấp nước sạch tại Tôn K’Long. Theo UBND huyện Đạ Tẻh, khu vực Tôn K’Long thuộc xã Đạ Pal, là vùng định canh, định cư đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, dân số thường trú khoảng 180 hộ/569 người; diện tích sản xuất nông nghiệp trên 1.160,35 ha, trồng chủ yếu là cà phê, cây ăn trái và điều. Địa hình khu vực Tôn K’Long khá cao, hiện tại sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, thường bị khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

“Để giúp vườn sầu riêng vượt qua giai đoạn khó khăn này, tôi phải áp dụng thực hiện tưới tiết kiệm; đồng thời rút ngắn thời gian tưới để đảm bảo đủ nước cho toàn bộ diện tích cây trồng đang cho trái. Chúng tôi rất mong được Đảng và Nhà nước hỗ trợ cho thôn Tôn K'Long một công trình thuỷ lợi để người dân an tâm sản xuất”, anh Luận nói. 

Tương tự, hơn 2,5 ha cây trồng đang sản xuất cà phê trồng xen sầu riêng và bơ của hộ ông K' Biêng cũng đang lâm vào cảnh khô héo vì không có nước tưới. Ông K’Biêng cho biết, từ năm 2000, gia đình ông đã sinh sống tại đây. Theo thời gian, các hộ gia đình chuyển về đây sinh sống ngày càng nhiều, diện tích sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên nhanh chóng, kéo theo nhu cầu sử dụng nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, tại khu vực này lại chưa có một công trình thủy lợi nào. Nguồn nước tưới tiêu của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào dòng chảy của các khe suối và ao, hồ nhỏ đào được. 

“Riêng 2,5 ha sản xuất của gia đình, hơn 20 ngày nay đã không được tưới vì ao, hồ hết nước. Nhìn cà phê rụng bông, sầu riêng và bơ dần chết khô, tôi đau xót lắm mà chẳng thể làm gì được” - ông K’Biêng nói. 

Ghi nhận tại khu vực thôn Tôn K’ Long, hiện nay nhiều diện tích cây trồng cà phê tại các khu vực trên đồi cao gần như người dân phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Nhiều diện tích sầu riêng được người dân trồng mới, mặc dù được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tiên tiến cũng đang bị chết khô; hàng trăm ha đất canh tác đang dần bị bỏ hoang lãng phí. 

Ông Trịnh Văn Khả - Chủ tịch UBND xã Đạ Pal cho biết: Thôn Tôn K'Long có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.279 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 1.160 ha. Qua nhiều năm, Nhân dân thôn Tôn K'Long đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, chủ yếu là trồng sầu riêng, bơ, măng cụt, cà phê với tổng diện tích 190 ha. Tuy nhiên, có một thực tế là tại đây hệ thống tưới tiêu thuỷ lợi hầu như không có.

Để chủ động trong việc tưới tiêu cũng như trong phòng, chống hạn hán vào mùa khô, các hộ dân cũng đã thực hiện đào các loại ao, hồ nhỏ, các công trình trữ nước. Nhưng do không có công trình thủy lợi lớn nên các ao, hồ nhỏ của người dân rất nhanh hết nước do không được bổ sung. Việc tưới tiêu chỉ thực hiện được vào đầu mùa khô, đến giữa mùa là hầu như đa số diện tích cây trồng trên địa bàn đều đã hết nước tưới. Dự báo năm nay, sản lượng các loại cây trồng trên địa bàn sẽ giảm rất mạnh. 

Trước tình hình trên, địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên các cấp thẩm quyền để xin được đầu tư một công trình thủy lợi. Đến nay, trên địa bàn thôn Tôn K’Long đã được quy hoạch hồ thủy lợi, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn chưa có. Do đó, địa phương rất mong các cơ quan chức năng sớm khảo sát, đánh giá, xem xét, đầu tư xây dựng để đảm bảo lâu dài về nguồn nước tưới tiêu cũng như là nước sinh hoạt cho người dân. 

Mặt khác, để tạm thời khắc phục hạn hán trong mùa khô, UBND xã đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, khảo sát, đầu tư các hệ thống ao, hồ nhỏ, công trình chứa nước nhỏ, công trình chứa nước tập trung, đặc biệt khuyến cáo người dân lắp đặt các hệ thống tưới tiết kiệm nhằm tiết kiệm nguồn nước phục vụ cho mùa khô.