Nghị quyết 33 góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở Đam Rông

NGỌC NGÀ 07:19, 12/04/2024

Việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hoá là một trong những yếu tố nền tảng cho những bước tiến vững chắc ở huyện Đam Rông.

Đam Rông chú trọng thực hiện giáo dục các nét đẹp văn hoá truyền thống  cho các em học sinh
Đam Rông chú trọng thực hiện giáo dục các nét đẹp văn hoá truyền thống  cho các em học sinh

Đam Rông là địa bàn có khoảng 65% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ngoài bà con DTTS gốc Tây Nguyên, đây còn là nơi có nhiều bà con DTTS từ các tỉnh Tây Bắc vào sinh sống như: H’Mông, Dao, Tày… Mỗi dân tộc với sắc thái văn hoá riêng đã tạo nên đời sống văn hoá đa sắc màu trên địa bàn huyện Đam Rông. Và Nghị quyết 33, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33) được xem như “kim chỉ nam” để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Đam Rông.

Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: Bám sát các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 33, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại huyện đã chủ động, tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị và đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, trong thực hiện nội dung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, huyện Đam Rông tập trung thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới giáo dục. Mạng lưới giáo dục tiếp tục phát triển ở các bậc học, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân; việc xây dựng nhà trường văn hoá được quan tâm chỉ đạo đồng bộ, do đó chất lượng đại trà về văn hoá, hạnh kiểm đều tăng; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có nhiều cố gắng trong công tác chuyên môn giảng dạy, có lòng yêu nghề, có phẩm chất nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, huyện Đam Rông cũng chú trọng thực hiện và lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu trong công tác, học tập góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực...

Huyện Đam Rông cũng thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tăng cường giáo dục, định hướng tư tưởng cho thế hệ trẻ là đoàn viên, thanh thiếu niên trước thực trạng thông tin đa dạng, trái chiều, nhất là những thông tin sai lệch phát tán trên mạng xã hội... qua đó tạo sức lan tỏa và hiệu ứng đấu tranh mạnh mẽ trên không gian mạng.

Trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, huyện Đam Rông triển khai rộng khắp Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nhân dân tham gia thực hiện phong trào ngày càng đông đảo; những nội dung cốt lõi của phong trào như: xây dựng thôn văn hoá, xây dựng gia đình văn hoá, cơ quan văn hoá... thực sự trở thành các phong trào thi đua sôi nổi và phát triển sâu rộng đến các thôn, cơ quan, đơn vị, gia đình. Đến nay, huyện Đam Rông có 12.283/13.815 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 88,6%, 53/53 thôn văn hóa, đạt 100%, 62/66 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 93,4%. Toàn huyện có 8/8 xã đăng ký và phát động xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới ” và được huyện công nhận và công nhận lại danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, đạt 100%.

Để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hoá của người dân, các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đã được xây dựng. Hiện 8/8 xã của huyện Đam Rông đã có nhà văn hóa, 53 thôn có nhà văn hóa.

Công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá truyền thống dân tộc được thực hiện thông qua việc mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, sưu tầm các hiện vật trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Địa phương đã mở trên 20 lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên đồng bào DTTS. Song song với đó, các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng cũng được đẩy mạnh. Toàn huyện có 75 đội, nhóm văn nghệ quần chúng thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện; mỗi đội có từ 10 đến 20 hạt nhân văn nghệ là các diễn viên không chuyên, cán bộ, đoàn viên, thanh niên, người lao động của địa phương.

Đặc biệt, thời gian gần đây, huyện Đam Rông đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức phục dựng Lễ Nhô Dơng của dân tộc K’Ho tại xã Đạ Long, xây dựng 1 Câu lạc bộ Cồng chiêng tại thôn Liêng Trang 1, xã Đạ Tông, tổ chức trại sáng tác ca khúc về Đam Rông…

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, địa phương thường xuyên củng cố, hoàn thiện thể chế văn hóa, bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác chỉ đạo và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao. Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa phù hợp với đặc thù địa phương, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

10 năm thực hiện Nghị quyết 33, bên cạnh những kết quả nêu trên, huyện Đam Rông cũng nhìn nhận rõ những vấn đề còn tồn tại. Trong đó đáng nói là còn có tư tưởng coi trọng phát triển kinh tế hơn văn hóa. Việc giáo dục, giữ gìn và phát huy những giá trị và chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc, nhất là đối với học sinh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hoạt động liên kết các sự kiện văn hóa, lễ hội gắn với phát triển du lịch và sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn và phát huy hết giá trị...

Để khắc phục những vấn đề trên và thích ứng với nhu cầu của sự phát triển, thời gian tới, huyện Đam Rông xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 33, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa và con người phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, góp phần xây dựng huyện Đam Rông ngày càng phát triển bền vững.