Du lịch Lâm Đồng hướng đến mục tiêu năm 2020

04:08, 19/08/2014

Phải có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là đội ngũ những người làm du lịch, là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sớm đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế động lực của tỉnh.

Phải có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là đội ngũ những người làm du lịch, là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sớm đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế động lực của tỉnh.
 
Lâm Đồng, đặc biệt là thành phố Đà Lạt có tiềm năng phát triển du lịch, đó là vùng đất có khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều danh lam thắng cảnh đã đi vào văn, thơ, nhạc, họa trở thành thương hiệu nổi tiếng; có số lượng di sản kiến trúc đa dạng và độc đáo. Lâm Đồng cũng là tỉnh có nhiều giá trị văn hóa đa dạng, phong phú mà cốt lõi là văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Đó là tài nguyên tự nhiên và nhân văn vô giá để phát triển du lịch. Nhận thức được tiềm năng to lớn, tỉnh Lâm Đồng đã sớm xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Nhận thức đó đã được nêu lên trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ; riêng hai nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VIII, thứ IX, Tỉnh ủy đã đề ra nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, dịch vụ. Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy khóa IX, tính đến 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 12.887 phòng. Trong đó, khách sạn từ 1 đến 5 sao có 7.156 phòng; riêng khách sạn 3 đến 5 sao có 1.964 phòng. Hoạt động lữ hành - vận chuyển du lịch có 30 doanh nghiệp, trong đó có 8 đơn vị lữ hành quốc tế. Khu, điểm du lịch có 32 khu, điểm đã đưa vào hoạt động kinh doanh; 60 điểm tham quan miễn phí. Tỉnh đã có cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch; đến nay, đã có 229 dự án, với tổng số vốn đăng ký khoảng 70.300 tỷ đồng; một số dự án đưa vào hoạt động, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch (Khu du lịch làng Cù Lần, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Trung tâm huấn luyện dã ngoại Núi Voi, Khu du lịch Sao Đà Lạt, Sân golf Đạ Ròn, Sân golf Sacom Tuyền Lâm...). Khách du lịch đến Lâm Đồng không ngừng tăng lên qua từng năm. Nếu giai đoạn 2005-2010 đạt 11.963.000 lượt khách thì ba năm 2011 - 2013 đã đạt 11.341.500 lượt khách. Thời gian lưu trú bình quân khoảng 2,4 ngày. Thu nhập xã hội từ du lịch hàng năm đều tăng, năm 2011 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2012 khoảng 6.690 tỷ đồng và năm 2013 là 7.555 tỷ đồng. Để đạt được kết quả như hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều quyết sách kịp thời, đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai nhiều dự án, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm; ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện… Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; hoạt động du lịch vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Du lịch chưa khẳng định rõ nét vai trò động lực, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển; dịch vụ du lịch chất lượng cao phát triển còn chậm, sản phẩm du lịch vẫn còn đơn điệu, trùng lắp, chưa hấp dẫn du khách, khả năng cạnh tranh còn hạn chế; công tác quy hoạch du lịch chậm, chưa đồng bộ, thiếu điểm nhấn, việc quản lý chưa chặt chẽ làm ảnh hưởng đến môi trường; thu hút nhiều dự án đầu tư vào du lịch nhưng còn dàn trải, thiếu những dự án lớn, tiến độ thực hiện chậm; việc bảo tồn, khai thác danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch hiệu quả chưa cao, tình trạng xuống cấp còn xảy ra; hệ thống hạ tầng du lịch, nhất là giao thông còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chất lượng cao. 
 
Thung lũng Tình Yêu nằm trong top 20 điểm đến của Việt Nam được du khách yêu thích. Ảnh: VĂN BÁU
Thung lũng Tình Yêu nằm trong top 20 điểm đến của Việt Nam được du khách yêu thích.
Ảnh: VĂN BÁU
 
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng thực sự trở thành ngành kinh tế động lực, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Nghị quyết của Tỉnh ủy (khóa IX) về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011-2015 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu phát triển du lịch Lâm Đồng đến 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 được xác định là phát triển du lịch bền vững theo hướng lấy yếu tố chất lượng dịch vụ và môi trường sinh thái làm trọng tâm; phát triển du lịch vừa là động lực, vừa là điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển và ngược lại; gắn phát triển du lịch với các loại hình dịch vụ khác; chú trọng khai thác lợi thế cạnh tranh và tiềm năng cảnh quan, môi trường, khí hậu để phát triển du lịch; phát triển du lịch của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của cả nước, đặc biệt phải gắn kết với vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và duyên hải Nam Trung bộ; nhanh chóng xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tầm cỡ cả nước và khu vực. Phấn đấu thu hút lượng khách đến Lâm Đồng năm 2015 đạt 4,5 – 5,0 triệu lượt và đến năm 2020 đạt trên 6,5 triệu lượt; thời gian lưu trú đến năm 2015 là khoảng 2,7-2,8 ngày và đến năm 2020 khoảng 3,2 ngày; chú trọng phát triển thị trường khách du lịch quốc tế và khách có khả năng chi trả cao, thời gian lưu trú dài. Nâng cao nguồn thu từ du lịch; doanh thu du lịch năm 2015 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, năm 2020 khoảng 13.000 tỷ đồng; thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch, đến năm 2015 có khoảng 83-84 ngàn lao động và năm 2020 khoảng 168 ngàn lao động. Xây dựng Đà Lạt là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của cả nước…
 
Để đạt được mục tiêu đề ra, du lịch Lâm Đồng cần tập trung giải quyết một số vấn đề chủ yếu sau đây:
 
Trước hết, phải nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và mỗi người dân về tiềm năng, lợi thế của Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt về phát triển du lịch, dịch vụ và phát triển du lịch, dịch vụ sẽ là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội của tỉnh phát triển; du lịch sẽ đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, doanh nghiệp, mỗi người dân. 
 
Thứ hai, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, đảm bảo tính đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu, thị yếu của các đối tượng khách du lịch. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, các điểm đến gắn với chất lượng các dịch vụ; bảo tồn, nâng cao giá trị các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc, giá trị văn hóa bản địa, các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao… thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh với các địa phương khác. Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch phải đảm bảo hài hòa giữa giá trị kinh tế và giá trị văn hóa; phát huy có hiệu quả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn, hướng tới nền du lịch bền vững.
 
Thứ ba, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, hạ tầng phục vụ du lịch như giao thông; cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; trung tâm hội nghị, hội thảo; trung tâm văn hóa, thể thao; các cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục-đào tạo; cơ sở chữa bệnh-nghỉ dưỡng…Những cơ sở này không chỉ có chức năng phục vụ du lịch mà bản thân nó là sản phẩm du lịch.
 
Thứ tư, xây dựng môi trường du lịch bền vững, du lịch xanh, bao hàm cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn, trong đó hết sức coi trọng môi trường nhân văn. 
 
Thứ năm, tăng cường hợp tác, liên kết nhằm hình thành các tour, tuyến liên hoàn giữa các vùng du lịch trọng điểm, các địa phương trong cả nước, trong đó, Đà Lạt là một điểm đến hấp dẫn không thể thiếu; đồng thời, thông qua các đơn vị lữ hành có thực lực, uy tín để kết nối các tour du lịch quốc tế trực tiếp đến Đà Lạt hoặc thông qua các trung tâm du lịch lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng…
 
Thứ sáu, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch có tính chuyên nghiệp nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu du lịch Đà Lạt gắn với những sản phẩm du lịch đặc trưng, những điểm đến hấp dẫn phù hợp với nhu cầu các đối tượng, các thị trường khách du lịch trong nước cũng như quốc tế, nhất là những khách hàng có khả năng chi trả cao.
 
Thứ bảy, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Đà Lạt là thành phố du lịch chất lượng cao; đồng thời là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch có uy tín trong cả nước. Có chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực du lịch, qua đó sẽ thu hút được các chuyên gia giỏi về lĩnh vực này đến công tác ở Lâm Đồng. Đồng thời với việc đào tạo cần coi trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn – ngoại ngữ và năng lực thực tiễn đảm bảo tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chất lượng cao.
 
Thứ tám, vấn đề cốt yếu hiện nay là phải tập trung rà soát, bổ sung “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt cho phù hợp với “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt. Công tác quy hoạch phải chú ý phát triển các loại hình, các sản phẩm du lịch chất lượng cao phù hợp với tiềm năng, thế mạnh đặc thù của Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt và nhu cầu của khách.
 
Để đạt được mục tiêu phát triển du lịch Lâm Đồng định hướng đến năm 2020, trước hết, phải phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2011-2015 đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng và Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy khóa IX về phát triển du lịch, dịch vụ; phải có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là đội ngũ những người làm du lịch, là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. 
 
VĂN NHÂN