Lâm Hà: Trao “cần câu” cho người nghèo DTTS

VIỆT QUỲNH 04:29, 17/04/2024

Được triển khai thực hiện từ năm 2023, Mô hình “Hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Lâm Hà” đã tiếp thêm động lực, giúp các hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Từ đó góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Quỹ Vì người nghèo huyện Lâm Hà trao kinh phí thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế cho thị trấn Đinh Văn
Quỹ "Vì người nghèo" huyện Lâm Hà trao kinh phí thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế cho thị trấn Đinh Văn

Lâm Hà là huyện có địa bàn rộng, dân cư đông với nhiều dân tộc, tôn giáo. Số hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ lớn, đa phần có diện tích sản xuất nông nghiệp ít, trồng cà phê năng suất thấp, kém hiệu quả. Từ thực trạng đó, tháng 5/2023, Ban Dân vận Huyện ủy đã phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện triển khai Mô hình “Hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS” để nhân rộng, lan tỏa những cách làm hiệu quả giúp các hộ DTTS khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Hoàng Sơn - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lâm Hà, mô hình không chỉ huy động, tổng hợp các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và nguồn hỗ trợ của xã hội để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS, mà còn nhằm phát huy quyền làm chủ, sự tích cực, chủ động của các hộ dân trong công cuộc giảm nghèo. Theo đó, mô hình hỗ trợ thực hiện các nội dung như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế; hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ đồng bào DTTS nghèo để góp phần ổn định cuộc sống; hỗ trợ công trình phục vụ lợi ích cộng đồng trong vùng đồng bào DTTS...

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng - Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà cho biết, để thực hiện tốt các mục tiêu mà mô hình đề ra, Ban Dân vận Huyện ủy đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Lâm Hà tiến hành khảo sát địa bàn các xã, thị trấn tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống để gặp gỡ, thăm nắm tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của bà con. Trên cơ sở đó xây dựng phương án hỗ trợ, phương án vận động và huy động nguồn vốn để triển khai thực hiện mô hình.

Trong đó, UBND huyện Lâm Hà gắn việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS với việc thực hiện mô hình. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho bà con Nhân dân vùng đồng bào DTTS.

Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ở trong và ngoài huyện ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, các quỹ hỗ trợ đoàn viên, hội viên, tạo nguồn lực để triển khai thực hiện mô hình. Tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ đồng bào DTTS tham gia chuyển đổi trồng dâu, nuôi tằm; khảo sát các hộ khó khăn về nhà ở; vận động các hộ dân ủng hộ giống hom dâu để hỗ trợ miễn phí cho các hộ tham gia chuyển đổi.

Đảng ủy, chính quyền các xã, thị trấn có đông đồng bào DTTS sinh sống tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng mô hình của Đảng bộ huyện tại địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn đoàn kết, thống nhất, đồng thuận triển khai thực hiện mô hình. Tăng cường huy động, tranh thủ các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS.

Từ sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng đông đảo của bà con Nhân dân tại địa phương, đến cuối năm 2023, từ vận động Quỹ “Vì người nghèo” và các quỹ hỗ trợ đoàn viên, hội viên do các tổ chức chính trị - xã hội phát động, Mô hình “Hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Lâm Hà” đã hỗ trợ xây dựng 2 giếng khoan dân sinh; xây dựng 30 căn nhà cho hộ nghèo; xây dựng 11 nhà tiêu hợp vệ sinh; hỗ trợ trồng 5 ha dâu tằm cho hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, hỗ trợ sinh kế cho 80 hộ nghèo, cận nghèo mua vật tư nông nghiệp, nong né nuôi tằm, sửa chữa nhà nuôi tằm với số tiền 20 triệu đồng mỗi hộ. Tổng số đối tượng được nhận hỗ trợ từ mô hình là 121 hộ, 2 trường học với tổng số kinh phí vận động từ nguồn xã hội hóa là 3,4 tỷ đồng.

Đến nay, toàn huyện Lâm Hà còn 449 hộ nghèo, 776 hộ cận nghèo DTTS. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất - tinh thần của bà con Nhân dân cũng từng bước được nâng lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS được giữ vững và ổn định.

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng khẳng định: “Điều lớn nhất mà mô hình đã làm được là tiếp thêm động lực, thay đổi tư duy, giúp bà con đồng bào DTTS tự tin, chủ động vươn lên trong cuộc sống. Chính vì vậy, trong năm 2024, huyện Lâm Hà duy trì thực hiện mô hình, tuy nhiên sẽ chuyển từ hỗ trợ nhà ở sang đẩy mạnh hỗ trợ mô hình sinh kế để phát huy nội lực của người dân. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đối với các hộ có đất sản xuất. Đồng thời, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vận động, hỗ trợ người dân không có đất sản xuất đi làm việc cho các công ty, doanh nghiệp tại địa phương để có thu nhập ổn định, đổi thay vững vàng trong cuộc sống”.