Không thể phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam

ANH TUẤN 15:55, 23/04/2024

(LĐ online) - Với sứ mệnh lịch sử là xóa bỏ mọi sự áp bức, bóc lột, bất công, nghèo nàn, lạc hậu trên phạm vi toàn thế giới, ngày nay, giai cấp công nhân (GCCN) và tổ chức Công đoàn càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã và đang xuyên tạc bản chất, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của GCCN và vai trò của tổ chức Công đoàn. Vì vậy, việc nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về sứ mệnh lịch sử của GCCN là rất cần thiết, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.

Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là đúng đắn nhưng chỉ trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (động cơ hơi nước) gắn với nền sản xuất dựa trên máy móc cơ khí ở thế kỷ thứ XIX; hiện nay, trong điều kiện kinh tế tri thức và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nên chủ nghĩa Mác - Lênin không còn phù hợp nữa; trong nền sản xuất hiện đại, việc đưa robot (người máy) vào sản xuất ngày càng nhiều, với dây chuyền tự động hóa, việc tuyển dụng và sử dụng người công nhân ngày càng ít đi, thậm chí họ còn cho rằng GCCN do có trình độ thấp, lại dần “biến mất”, nên không còn sứ mệnh lịch sử. Thay vào đó, trí thức mới là lực lượng lãnh đạo, vì thế toàn bộ xã hội phải đi theo “tấm biển chỉ đường của trí tuệ”.

Họ ngụy biện rằng, GCCN đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày nay, trong điều kiện hòa bình, hội nhập quốc tế, thời kỳ của các cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, vai trò đó phải thuộc về đội ngũ trí thức, những nhà khoa học, nhà tư tưởng. Chỉ có những nhà khoa học, trí thức mới có thể đưa đất nước phát triển nhanh được. Cho rằng, hiện nay chủ nghĩa tư bản đã thay đổi về chất, nhà nước tư bản đã là “nhà nước phúc lợi chung” và theo tự nhiên, nhà nước tư bản sẽ dần tiệm tiến lên nhà nước xã hội chủ nghĩa, nó không còn dựa trên sự bóc lột lao động làm thuê nữa; công nhân ở các nước tư bản không còn bị bóc lột, địa vị của họ đã có sự thay đổi căn bản, do vậy, không cần đến sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của GCCN nữa.

Về vai trò của tổ chức Công đoàn, các thế lực phản động xuyên tạc rằng, Công đoàn hiện nay không còn phát huy vai trò là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động; hoạt động của tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ mang tính hình thức, không dám đấu tranh với lãnh đạo doanh nghiệp, với ông chủ; họ cũng chỉ là người làm thuê và chịu sự quản lý của người sử dụng lao động và thậm chí có thể bị sa thải nếu làm trái ý chủ doanh nghiệp.

Những luận điệu trên là hết sức phản động, phục vụ cho ý đồ đen tối đó và họ cố tình không nhận ra rằng, dưới tác động của hội nhập quốc tế, GCCN Việt Nam đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về cơ cấu thành phần và ngành, nghề, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện. Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn nghề nghiệp, hình thành tác phong và kỷ luật lao động theo hướng hiện đại, vì thế, GCCN hiện nay có nhiều cơ hội việc làm và đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện.

Có thể thấy, từ ngày thành lập đến nay, dù đổi tên nhiều lần, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam không hề thay đổi bản chất GCCN. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đứng vững trên lập trường của GCCN để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người... Khẳng định bản chất GCCN của Đảng có nghĩa là khẳng định lập trường của Đảng ta là lập trường của GCCN - giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến và xu thế phát triển của thời đại. Việc giữ vững bản chất GCCN của Đảng luôn được Đảng ta khẳng định qua các kỳ đại hội, gần đây nhất là Đại hội XIII, với yêu cầu: “Giữ vững bản chất GCCN của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, được thể hiện qua các tác phẩm, bài viết, bài nói của Người. Trong “Chương trình tóm tắt của Đảng”, Người viết: “Đảng là đội tiên phong của đạo quân vô sản gồm một số lớn của GCCN và làm cho họ có đủ năng lực lãnh đạo quần chúng”.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại, cơ cấu xã hội của GCCN có sự biến đổi; công nhân trình độ thấp có xu hướng giảm mạnh; công nhân trình độ cao, gồm cả những người lao động trí óc gắn trực tiếp với sản xuất công nghiệp hiện đại tăng nhanh, đó là đội ngũ công nhân tri thức (hay công nhân trí thức). Ở nhiều nước phát triển, đội ngũ này chiếm tỷ trọng lớn nhất so với các giai tầng khác trong xã hội. Rõ ràng, GCCN không hề biến mất mà càng phát triển cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình sản xuất công nghiệp hiện đại. Vì tầng lớp trí thức do không đại diện cho một phương thức sản xuất nào; không có hệ tư tưởng riêng của tầng lớp mình...nên không thể giữ vai trò lãnh đạo xã hội để tiến hành một cuộc cách mạng thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Sứ mệnh đó khách quan thuộc về GCCN.

Trong thời đại kinh tế tri thức, công nghệ số phát triển mạnh như hiện nay, chủ nghĩa tư bản đang có những điều chỉnh về sở hữu; về cách thức tổ chức quản lý quá trình sản xuất, quan hệ chủ - thợ; về phân phối lợi ích đối với người lao động... nhằm bảo vệ lợi ích cho nhà tư bản trước sự đe dọa bùng nổ cuộc cách mạng xã hội do GCCN và người lao động thực hiện. Tuy nhiên, cần hiểu rõ rằng, sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản như “van an toàn” nhằm xoa dịu những mâu thuẫn nội tại của nó và làm giảm nhiệt huyết đấu tranh của GCCN và người lao động bị áp bức, làm cho cuộc đấu tranh giai cấp ngày càng trở nên khó nhận diện và phức tạp hơn. Song, điều đó không thể giải quyết triệt để những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Bản chất bóc lột lao động làm thuê cố hữu của chủ nghĩa tư bản không hề thay đổi cho dù những biện pháp điều chỉnh của họ ngày càng tinh vi. Như vậy, bản chất của chủ nghĩa tư bản không hề thay đổi. Do vậy, sứ mệnh lịch sử của GCCN cũng không hề thay đổi. Chỉ có GCCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mới giải quyết được triệt để tất cả những mâu thuẫn đó và mới xây dựng được một xã hội mới nhân văn, tiến bộ, thực sự vì con người. Thực tiễn lịch sử cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ qua đã chứng minh rõ chân lý này.