Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề góp ý Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

NGUYỆT THU 17:03, 22/04/2024

(LĐ online) - Chiều 22/4, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV sắp tới, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo trao đổi về điểm mới của dự án Luật Toà án nhân dân (sửa đổi)

Chương trình do ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH chủ trì; cùng tham dự có ĐBQH K’ Nhiễu, ông Đào Chiến Thắng - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; đại diện Thường trực MTTQ tỉnh, các thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật; đại diện Công an tỉnh, Sở Tư pháp, các cử tri là cán bộ, công chức, các chức danh tư pháp của Tòa án nhân dân tỉnh.

Dự thảo Luật Tổ chức Toà án (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung đổi mới mang tính đột phá, nhiều nội dung đã tiệm cận với trình độ quốc tế; chất lượng dự án luật rất tốt và tháo gỡ được khó khăn của thực tiễn, đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV dự kiến tổ chức vào tháng 5 năm 2024.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại Toà án nhân dân tỉnh

Về cơ bản, các đại biểu thống nhất, đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Toà án nhân dân cho phù hợp tình hình hiện nay. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng có ý kiến, kiến nghị liên quan đến quyền tư pháp, về tổ chức và thẩm quyền thành lập các Tòa án nhân dân, trong đó, giữ nguyên Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tòa án nhân dân huyện, thành phố như Luật hiện hành hay đổi thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm (tại Điều 4), nhiều đại biểu đề nghị cần làm từng bước, có lộ trình.

Về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác (tại Điều 15); theo dự thảo Luật lần này, Tòa án vừa trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp; vừa hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và vụ việc khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ. Các đại biểu cho ý kiến cần có quy định về hỗ trợ thu thập chứng cứ.

Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Đào Chiến Thắng phát biểu

Góp ý về nhiệm kỳ của Thẩm phán (tại Điều 100 dự thảo Luật): Theo Luật hiện hành tại Điều 74 thì “Nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm”, Điều 100 dự thảo Luật quy định thành 4 khoản, trong đó khoản 2 quy định “2. Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 5 năm; Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác”. Có đại biểu đề nghị không nên bổ nhiệm theo thời gian 5 năm mà nên theo xu hướng chung của thế giới là rất nhiều năm để thực hiện tốt nhiệm vụ của Toà án...

Về tham dự hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (Điều 141 dự thảo Luật), gian qua, có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc cho phép ghi âm, ghi hình tại phiên tòa (khoản 3 Điều 141 dự thảo Luật). Có đại biểu đề nghị nên quy định rõ chỉ ghi âm ghi hình trong trường hợp tuyên án thôi. Có đại biểu lại cho rằng về ghi âm, ghi hình các phiên toà lâu nay đã được công khai rồi, tuy nhiên cần quy định một khu vực riêng để báo chí thực hiện nhiệm vụ đưa tin, ghi âm, ghi hình, và cần quy định rõ những cá nhân, tổ chức nào muốn ghi âm, ghi hình phải xin phép...

 
 
Các đại biểu tham gia góp ý, kiến nghị về dự án Luật Toà án nhân dân (sửa đổi)

Về tổ chức và thẩm quyền thành lập các Tòa án nhân dân, trong đó, giữ nguyên Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tòa án nhân dân huyện, thành phố như Luật hiện hành hay đổi thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm (tại Điều 4), có đại biểu cho rằng,  sửa đổi là cần thiết, tuy nhiên cần điều chỉnh từng bước, không nên sửa hết toàn bộ ngay vì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Toà án. Trong thời điểm hiện nay chưa nên tổ chức phiên toà khu vực, nên có lộ trình từng bước.

Các đại biểu tham dự buổi tiếp xúc cử tri

Các ý kiến góp ý, kiến nghị của các đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, tổng hợp, cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Quá trình góp ý, điều chỉnh, bổ sung dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi) lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thể chế, cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Hệ thống Tòa án phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, trong đó đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và pháp luật liên quan để bảo đảm các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao vị thế, uy tín, tạo điều kiện để Tòa án Việt Nam phát triển ngang tầm với trình độ phát triển chung của các Tòa án trong khu vực và trên thế giới.