Sức sống mới ở các giáo xứ an toàn, sạch, đẹp

06:12, 12/12/2022
Thời gian qua, huyện Bảo Lâm tập trung xây dựng các giáo xứ “An toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần quan trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 
Giáo xứ Quảng Lâm (xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm) ngày càng được xây dựng khang trang, sạch, đẹp
Giáo xứ Quảng Lâm (xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm) ngày càng được xây dựng khang trang, sạch, đẹp
 
•  KHƠI NGUỒN SỨC MẠNH TOÀN DÂN
 
Đến nay, trên địa bàn huyện Bảo Lâm có 3 giáo xứ được công nhận “Giáo xứ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” gồm: Giáo xứ Quảng Lâm (xã Lộc Quảng), Giáo xứ Lâm Phát (xã Lộc Ngãi) và Giáo xứ B’Đơr (xã Lộc An). 
 
Theo ông Lê Văn Tuế - Chủ tịch UBND xã Lộc Quảng, toàn xã hiện có 896 hộ, với hơn 3.500 nhân khẩu theo đạo Công giáo, chiếm gần 80% dân số toàn xã. Bà con giáo dân sống trải đều tại 7/7 thôn. Nhận thấy, việc triển khai xây dựng Mô hình “Giáo xứ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” là nhu cầu cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; từ đầu năm 2018, UBND xã cùng Giáo xứ Quảng Lâm đã ký kết kế hoạch liên tịch triển khai xây dựng mô hình này do MTTQ Việt Nam huyện Bảo Lâm phát động.
 
“Sau khi chính quyền địa phương phát động triển khai xây dựng mô hình, Hội đồng Giáo xứ đã nhanh chóng làm việc với các linh mục để tuyên truyền tới bà con giáo dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và đóng góp kinh phí, ngày công thực hiện các công trình xã hội trên địa bàn xã. Trong các buổi lễ tại nhà thờ, ngoài việc dạy giáo lý, các linh mục thường xuyên tuyên truyền, vận động để bà con giáo dân nhận thức được những ý nghĩa, lợi ích khi mô hình được triển khai vào thực tế. Nhờ vậy, hầu hết công trình, phần việc đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, trong đó có bà con giáo dân trong giáo xứ”, ông Trịnh Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Quảng Lâm cho hay.
 
Để mô hình nhanh chóng tạo sức lan tỏa, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Hội đồng Giáo xứ đã tổ chức họp dân lấy ý kiến; đồng thời, lựa chọn các Thôn 1 và 5 làm điểm triển khai thực hiện. Từ đó, nhân rộng mô hình ra tất cả các thôn trong xã theo hình thức cuốn chiếu, với phương châm “Hiệp thông - đồng hành - phục vụ” đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết.
 
Tại Giáo xứ B’Đơr (xã Lộc An) có đặc thù với 99% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số có đạo. Vì vậy, để tuyên truyền, vận động bà con giáo dân, thì bản thân cán bộ, đảng viên và các chức sắc trong Hội đồng Giáo xứ phải là người đi đầu để làm gương. Ông K’Boer - Bí thư Chi bộ thôn B’Đơr, cho biết: “Để bà con đoàn kết làm theo thì mọi phong trào, phần việc, cán bộ luôn đi trước và nói phải đi đôi với làm. Thấy cán bộ, đảng viên, những người có chức sắc đi đầu nên mọi phong trào, phần việc dù lớn hay nhỏ đều thu hút đông đảo bà con cùng tham gia hưởng ứng nhiệt tình”.
 
• VÌ MỤC TIÊU ĐOÀN KẾT, PHÁT TRIỂN
 
Ông Bùi Xuân Quý - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bảo Lâm, cho biết, những năm qua, thông qua việc triển khai Mô hình “Giáo xứ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” cho thấy, cộng đồng Công giáo trên địa bàn huyện luôn tin tưởng, đoàn kết, tuân thủ, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Giáo hội; tích cực tham gia hoạt động xã hội nhân đạo, xây dựng chính quyền; thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước theo phương châm “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền, mặt trận các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã phối hợp cùng Hội đồng các giáo xứ tuyên truyền, ngăn chặn không để các phần tử xấu lợi dụng tôn giáo kích động bà con giáo dân du nhập các tà đạo gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết lương - giáo một lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
 
Theo Linh mục Huỳnh Quang Thống - Phó Chánh xứ Giáo xứ Quảng Lâm (xã Lộc Quảng), sau gần 4 năm triển khai thực hiện Mô hình xây dựng “Giáo xứ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp”, kết quả mang lại vượt qua cả sự kỳ vọng. Đến nay, bà con đã đóng góp hơn 2,3 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lắp đặt gần 450 bóng đèn chiếu sáng; xây mới 55 hàng rào, xây dựng bãi tập kết rác và trồng mới trên 1.500 cây xanh phân tán ở hầu hết các tuyến đường liên thôn trong toàn giáo xứ. Cũng nhờ vậy, bộ mặt nông thôn trong toàn giáo xứ ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp. Đời sống của bà con giáo dân không ngừng được cải thiện, nâng lên cả về vật chất, lẫn tinh thần.
 
Tại Giáo xứ B’Đơr (xã Lộc An) để xây dựng buôn làng ngày càng phát triển, chính quyền địa phương và Hội đồng Giáo xứ không ngừng tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, chung tay xây dựng nông thôn. Từ năm 2016 tới nay, bà con giáo dân trên địa bàn thôn đã hiến đất, cây trồng và đóng góp ngày công cùng số tiền hàng trăm triệu đồng xây dựng được hơn 4 km đường liên thôn và hơn 3 km đường nội đồng; xây dựng hơn 2 km điện đường thắp sáng đường quê với số tiền hơn 160 triệu đồng. Đồng thời, bà con luôn đoàn kết thực hiện nghiêm quy ước, hương ước của thôn với những nội dung thiết thực.
 
Nhờ vậy, năm 2021, thôn B’Đơr được công nhận là Khu dân cư tiêu biểu của xã Lộc An. Hiện nay, trong thôn xuất hiện nhiều mô hình hay, việc làm hiệu quả. Tiêu biểu như Mô hình ‘‘Nuôi dạy con tốt”, “Tuyến đường không rác” của Chi hội Phụ nữ thôn; Câu lạc bộ Cồng chiêng nhằm duy trì và bảo tồn giá trị văn hóa bà con đồng bào dân tộc thiểu số và Mô hình Đổi công giúp nhau làm kinh tế giỏi của Chi hội Nông dân...
 
“Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, đời sống bà con đồng bào Công giáo trên toàn địa bàn huyện không ngừng được nâng lên, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Diện mạo các giáo xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp. Tới đây, địa phương cùng Ban Đoàn kết Công giáo huyện tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình đến các giáo xứ còn lại trên địa bàn, ông Bùi Xuân Quý cho biết thêm.
 
KHÁNH PHÚC