Như cuốn sách hay không bao giờ gập lại

09:05, 23/05/2018

Năm tháng học trò như một cuốn sách hay khiến ta không ngừng lần giở từng trang, để có thể đọc mãi không thôi. Ấy là năm tháng ta từng bước lớn lên, đi những nấc thang đầu tiên trong hành trình cuộc đời, là nơi nuôi dưỡng khát khao và hoài bão, là nơi chứa đựng những ký ức ngọt ngào, là nơi ta nương náu tìm về sau mỗi bão giông...

Năm tháng học trò như một cuốn sách hay khiến ta không ngừng lần giở từng trang, để có thể đọc mãi không thôi. Ấy là năm tháng ta từng bước lớn lên, đi những nấc thang đầu tiên trong hành trình cuộc đời, là nơi nuôi dưỡng khát khao và hoài bão, là nơi chứa đựng những ký ức ngọt ngào, là nơi ta nương náu tìm về sau mỗi bão giông... Sau tất cả, đó cũng là nơi để ta có thể bắt đầu tìm kiếm những điều tốt đẹp nhất, những giá trị chân - thiện - mỹ để làm người.
 
Hình ảnh kỷ yếu ghi lại khoảnh khắc trong lớp của học sinh Trường THPT Lộc Thành (huyện Bảo Lâm). Ảnh: Tường Phu
Hình ảnh kỷ yếu ghi lại khoảnh khắc trong lớp của học sinh Trường THPT Lộc Thành (huyện Bảo Lâm). Ảnh: Tường Phu
Bồi hồi giây phút chia tay...
 
Tháng 5 về, khi tiếng ve râm ran, màu phượng thắm một góc sân trường cũng là thời điểm có thêm một mùa chia tay. Trải qua thời gian, khi những kỷ niệm dần trở nên nhạt nhòa, phai mờ trong ký ức thì điều đọng lại cuối cùng chính là gương mặt thầy cô, bạn bè thân thuộc. Sâu thẳm trong những đứa học trò khi ấy, chẳng có gì lớn hơn lòng biết ơn, tình cảm lưu luyến giữa thầy và trò...
 
Ngày chia tay, món quà lớn nhất mà chúng ta vẫn thường bắt gặp, có lẽ là lời tri ân, là tình cảm thực sự của lũ học trò dành cho các thầy cô. Món quà ấy, ngoài những tiết mục văn nghệ, những bức tranh, cuốn sổ chép đầy kỷ niệm, còn là những cái ôm, những cái nắm tay tưởng như không thể xa rời. Có những cô cậu học trò chưa một lần nói lời cảm ơn đến thầy cô sau những lúc giận hờn, trách móc mỗi khi vi phạm, bị thầy cô trách phạt. Nhưng “thương cho roi cho vọt”, điều đọng lại cuối cùng là thầy cô muốn giáo dục các em trở thành những người trẻ xứng đáng, biết trân trọng mọi giá trị của cuộc sống. Những buổi chia tay đẫm nước mắt ấy là cảm xúc đã dồn nén trong suốt thời gian dài. 
 
Những ngày này, dù đang tập trung ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới nhưng Ngô Thị Ái Nhi - Bí thư Chi đoàn lớp 12A3, Trường THCS - THPT Chi Lăng, TP Đà Lạt vẫn không quên dành thời gian cùng bạn bè để lên kế hoạch cho một mùa tri ân. Nhiều phương án được Nhi và các bạn trong lớp đưa ra, thảo luận. “Chúng em được học tập, chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ nhất cùng nhau, cùng thầy cô. Có rất nhiều kỷ niệm, từng nụ cười, từng giọt mồ hôi trong lao động, học tập em sẽ mãi không thể nào quên. Chắc đó sẽ là một câu chuyện kể bằng ảnh, bằng hoạt cảnh sân khấu để tái hiện lại quãng thời gian gắn bó với thầy cô và bạn bè tại mái trường này về những khoảnh khắc đáng ghi dấu của một thời áo trắng”, Ái Nhi tâm sự. 
 
Ở mỗi cấp học, giây phút chia tay lại có một màu sắc riêng. Không chỉ với học sinh THCS, THPT, ngay cả các bậc phụ huynh cũng phải lau vội nước mắt của mình khi chứng kiến những tiếng thút thít của con trẻ khi phải chia tay thầy cô, trường lớp, để “mai em vào lớp 1”. Chị Lê Thu Huyền - đường Lữ Gia, Phường 9 (Đà Lạt) xúc động nói: “3 năm cháu học ở Mầm non 9, là 3 năm mình gửi gắm tình cảm lớn nhất của mình cho các cô, cũng 3 năm ấy, các cô thực sự là những người mẹ lo cho con mình từng miếng ăn, giấc ngủ , nên thấy cảnh bịn rịn của cô trò, tôi không thể cầm lòng được”.
 
Cô Trần Thị Thảo - Hiệu trưởng trường Mầm non 9 (Đà Lạt) cũng đồng cảm: “Mỗi khi năm học kết thúc, mệt nhọc có thể vơi đi, nhưng tình cảm thương yêu dành cho tụi nhỏ ngày lại dày thêm. Lũ trẻ mầm non chỉ biết khóc cười theo cảm xúc, hầu như chưa biết gì nhiều, nhưng chúng bịn rịn lắm, bởi các em đã biết quen hơi của cô, và cô cũng đã thân thuộc từng tiếng thở của chúng trong từng giấc ngủ”.
 
Ảnh vui chơi của cô trò Trường Mầm non Gia Lâm (Lâm Hà)
Ảnh vui chơi của cô trò Trường Mầm non Gia Lâm (Lâm Hà)
Hành trang bước vào tương lai
 
Hình ảnh người lái đò cần mẫn, cẩn trọng, chăm chút tay chèo lèo lái con thuyền qua từng khúc sông cách trở giống như những người thầy nặng lòng chở đạo, cho đám học trò vượt qua từng cấp học sẽ mãi là hình ảnh khó phai mờ nhất trong tâm trí của những người sắp rời ghế nhà trường.
 
Phía sau trang lưu bút nhiều “nuối tiếc” vì những điều chưa làm được cho nhau, là những mảnh ký ức thật đẹp, được ghép lại với nhau. Phía sau những vạt áo đầm nước mắt tinh khôi lại là những lời hứa hẹn. Ai nhớ ai quên, thời gian trả lời, nhưng có lẽ người thầy mới là những người chất chứa nhiều tâm sự nhất. Chất chứa bởi lắng lo cho những “đứa con” của mình, ngay mai có vững bước ngoài xã hội đầy cạm bẫy và cám dỗ kia không? Vì thế nào đi nữa, cũng như các bậc phụ huynh, trong “lăng kính” của mỗi thầy cô, chúng dường như vẫn là những đứa con luôn cần sự che chở.
 
Ở giữa thời công nghệ phủ sóng, nhưng cô Trần Thị Hà - giáo viên Trường THPT Đạ Huoai vẫn dành một ngày để gửi tâm tư của mình cho các em trong một bức thư tay: “chia sẻ với các em nhiều trong nước mắt xúc động, chỉ hy vọng những gì tốt đẹp nhất, cả kiến thức lẫn kỹ năng cũng như nhân cách được rèn giũa sẽ là hành trang tốt nhất để các em bước vào đời”.
 
Không chỉ các em phổ thông, những bạn sinh viên ngồi trên ghế giảng đường cũng được các thầy cô tận tình chỉ bảo khi sắp trở thành “ông cử, bà nghè”. “Tôi thường nói với sinh viên của mình rằng, kiến thức, phương pháp dạy học có thể các em chưa trang bị kịp, thời gian sẽ giúp các em lấp chỗ trống. Nhưng thiếu đạo đức nghề nghiệp, đạo đức của người thầy, chắc chắn không gì có thể bù đắp nổi. Các em phải có lòng yêu trẻ thật sự, điều đó mới giúp các em có thể trở thành một người thầy tốt đúng nghĩa”, thầy Phan Văn Bông - Trưởng khoa Xã hội, Trường CĐSP Đà Lạt chia sẻ.
 
Lễ tổng kết tri ân thầy cô có lẽ là một trong những buổi lễ ghi lại dấu ấn đậm nét nhất trong mỗi người. Buổi lễ ấy, có cả nụ cười và nước mắt, là thời khắc khép lại một quãng đường để tiếp tục mở ra hành trình mới. Ai rồi cũng phải lớn lên, cũng phải chiêm nghiệm, từng trải và sống cuộc đời mà mình đã chọn. Nhưng tuổi học trò vẫn mãi là ký ức đẹp đẽ, hạnh phúc nhất mà với riêng mỗi chúng ta đã từng có được.
 
Thầy Lê Chiến Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Chi Lăng (TP Đà Lạt)
 
Đối với các em học sinh lớp 12, đây là giai đoạn “nước rút” cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Đây cũng sẽ là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời các em. Trước ngưỡng cửa quan trọng ấy, chúng tôi đã phối hợp với các trường đại học trên địa bàn thành phố và các địa phương khác để tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp, trải nghiệm thực tế Một ngày làm sinh viên... Chúng tôi luôn căn dặn các em hãy lựa chọn những ngành nghề, công việc phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội. 
 
Khác nhau về bối cảnh thời gian, thế hệ nhưng phải nói thật, tình cảm thầy trò ngày nay không được như trước. Nhưng các em học sinh ngày nay có nhiều cách để lựa chọn hình thức để lưu lại những hình ảnh, khoảnh khắc đáng nhớ thời học trò nhờ vào các phương tiện hiện đại chứ không đơn thuần là những dòng tâm sự viết bằng tay trong một cuốn lưu bút.
 
 
Thầy Bùi Công Huân - Bí thư Đoàn Trường THPT Đạ Tông (Đam Rông)
 
Chứng kiến bao mùa chia tay của học trò, chẳng ai có thể cầm được nước mắt. Không hoa mỹ, cầu kỳ, học trò DTTS chỉ biết tri ân thầy cô bằng những câu chuyện, những kỷ niệm một thời gắn bó - những điều mà tưởng chừng như mình đã quên nay được các em gợi lại. Bồi hồi, chẳng ai nói nên lời. Chứng kiến tình cảm, sự trưởng thành của các em, các thầy cô chỉ mong các em mãi “chân cứng đá mềm” trên con đường đã chọn; và luôn mong các em giữ mãi tình cảm này, nhớ về quãng thời gian đẹp nhất trong quãng đời học sinh của mình, lấy đó làm động lực cho hành trình phía trước.
 
 
Bạn Vũ Thị Kim Chi - Sinh viên năm 4 Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Đà Lạt
 
Chính sự ân cần của thầy cô chủ nhiệm nên không chỉ riêng mình mà tất cả các bạn trong lớp đều quên đi suy nghĩ rằng học đại học sẽ rất nhàm chán và phải “tự thân vận động”. Thầy cô thường xuyên thăm hỏi các bạn đau ốm. Dịp tết, bạn nào không có điều kiện về quê thì thầy cô cũng đến thăm, tặng quà động viên tinh thần... 4 năm gắn bó với giảng đường cũng là khoảng thời gian bước đệm để chúng mình vững tin bước vào con đường chông gai phía trước. Trong buổi lễ tri ân vừa rồi, sau khi đọc thư tri ân thầy cô, ai cũng xúc động, chực trào nước mắt. Những bức ảnh kỷ yếu ghi lại nụ cười, còn tâm trí chúng mình sẽ mãi khắc ghi những hình ảnh chia tay ấy.

 

LAM ANH - HỒNG THẮM