Vi phạm Luật BV&PTR đã giảm

09:05, 23/05/2018

Giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, diện tích, lâm sản so với tháng 4 và cả so với cùng kỳ năm 2017. Đó là tình hình về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) tháng 5 rất đáng được ghi nhận và phát huy.

Giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, diện tích, lâm sản so với tháng 4 và cả so với cùng kỳ năm 2017. Đó là tình hình về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) tháng 5 rất đáng được ghi nhận và phát huy. 
 
Vụ khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép bị bắt tại địa bàn Đức Trọng vào ngày 10/5. Ảnh: M.Đ
Vụ khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép bị bắt tại địa bàn Đức Trọng vào ngày 10/5. Ảnh: M.Đ
Những số liệu đáng vui
 
Ngày 22/5, thông tin từ Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Lâm Đồng, ông Phạm Văn Huy cho biết những thông tin vui trên toàn tỉnh trong tháng 5 như sau: so sánh với tháng 4/2018, số vụ vi phạm giảm 15%, diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 60% và lâm sản thiệt hại giảm 79%. 
 
Cũng 3 tiêu chí này, so với cùng kỳ năm 2017 đã giảm 34% về số vụ, 72% về diện tích và 81% về lâm sản. 
 
Theo báo cáo của Phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm), tháng 5/2018, lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 67 vụ, diện tích thiệt hại do phá rừng 36.788 m2; lâm sản thiệt hại 105,224 m3. Giảm 12 vụ vi phạm, giảm 54.264 m2 về diện tích thiệt hại và 397,100 m3 về lâm sản thiệt hại so với tháng 4/2018. Nếu so với cùng kỳ năm 2017, giảm 35 vụ, giảm 96.832 m2 và 462,549 m3 về diện tích và lâm sản thiệt hại. Cũng theo phòng chức năng này, có 68 vụ đã được xử lý, trong đó 64 vụ xử lý hành chính và 4 vụ xử lý hình sự. Theo đó, tịch thu 52,1346 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, thu nộp ngân sách hơn 624 triệu đồng. 
 
Nếu lũy kế 5 tháng đầu năm 2018, các ngành và đơn vị chức năng trong toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 343 vụ vi phạm Luật BV&PTR; diện tích thiệt hại do phá rừng là 24.484 m2 và lâm sản thiệt hại 1.145,869 m3. Đáng mừng là cả 5 tháng 2018 so với cùng kỳ năm 2017 cũng đều giảm cả 3 tiêu chí: 129 vụ vi phạm (27%); 8.825 m2 (26%) diện tích thiệt hại và 503,902 m3 (31%) về lâm sản thiệt hại. Nếu 7 tháng còn lại vẫn giữ được ở mức này thì mục tiêu chung đặt ra của năm 2018 về nhiệm vụ quản lý BV&PTR ở Lâm Đồng sẽ đạt được: giảm 20% số vụ vi phạm; giảm 20% diện tích rừng/khối lượng lâm sản thiệt hại so với năm 2017. 
 
Còn nhiều khó khăn thách thức 
 
Tuy nhiên, phía trước còn rất nhiều khó khăn và thách thức cả hệ thống chính trị. Nhất là những vi phạm về hành vi, đối tượng, địa bàn sau cần được quan tâm rốt ráo và xử lý quyết liệt hơn nữa. Phân tích trong 5 tháng cho thấy, hành vi khai thác rừng trái phép có đến 71 vụ; hành vi về phá rừng trái pháp luật có 92 vụ; hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật 64 vụ… Về đối tượng vi phạm, trong tổng số 290 vụ có đến 148 vụ thuộc hộ gia đình, cá nhân; đáng quan tâm hơn nữa còn đến 138 vụ chưa xác định được đối tượng. Hiện đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, manh động. Tình trạng một số chủ rừng, nhất là chủ rừng ngoài nhà nước (doanh nghiệp thuê đất lâm nghiệp, thuê rừng để thực hiện các dự án) vẫn còn buông lỏng, lơ là về trách nhiệm, nghĩa vụ BV&PTR theo quy định của Nhà nước. Thậm chí, một số doanh nghiệp lợi dụng sự kiểm soát, kiểm tra chưa chặt chẽ của địa phương, của ngành chức năng nên đã cố tình xâm hại đến tài nguyên rừng, tài nguyên đất rừng trái pháp luật. Rõ nhất là san ủi đất trên đất lâm nghiệp và thậm chí cả đất đang có rừng. Thực trạng này rất cần các địa phương, các cơ quan chức năng và đơn vị chủ rừng thường xuyên kiểm tra, và khi phát hiện cần lập biên bản, hoàn tất hồ sơ để tham mưu xử lý thật nghiêm, kịp thời thì mới răn đe, ngăn ngừa được. Tình hình vi phạm Luật BV&PTR ở các vùng trọng điểm, vùng giáp ranh vẫn diễn ra và luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Ở những vùng này sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị và địa phương liên quan là hết sức quan trọng.  
 
Rõ ràng, nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng không thể ngơi nghỉ đối với cả hệ thống chính trị. Trong đó, việc triển khai đồng bộ đồng thời nhiều giải pháp từ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của mọi người trong công tác QLBVR đến giao khoán BVR, việc tuần tra, kiểm tra rừng phải thực sự thường xuyên, liên tục, nhất là những khu vực rừng giáp ranh, khu vực trọng điểm. Phải kiên quyết trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp một cách hiệu quả thực sự, không thể để diễn biến kéo dài và phức tạp phát sinh. Trong đó, cần triển khai giải pháp trồng rừng ngay sau giải tỏa, có phương án tối ưu bảo vệ rừng trồng sau giải tỏa, nhất là hiện nay mùa trồng rừng đã bắt đầu được triển khai trên toàn tỉnh. Một thực tế cũng cho thấy, việc kiểm tra, điều tra, xác minh, truy tìm xử lý các “đầu nậu”, các chủ đường dây mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép chưa thực sự đưa lại những hiệu quả cần thiết. Câu hỏi đặt ra, liệu vẫn còn đâu đó tình trạng bao che, làm chiếu lệ từ một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương? 
 
Hy vọng 7 tháng còn lại của năm 2018, việc thực thi Luật BV&PTR trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục sẽ có những con số giảm về số vụ vi phạm, giảm về diện tích cũng như khối lượng lâm sản do phá rừng. Và thiết nghĩ, mục tiêu chung của năm sau so với năm trước là giảm 20% ở ba tiêu chí này đã đến lúc cần được tăng lên, tại sao không?!  
 
 MINH ĐẠO