Nhìn lại 2 năm thực hiện Đề án 06 ở huyện Di Linh

NGỌC NGÀ  05:58, 16/04/2024

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) huyện Di Linh đã có được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song bên cạnh đó vẫn còn những “điểm nghẽn” cần tập trung tháo gỡ.

Trung tâm Điều hành thông minh IOC của huyện Di Linh được đưa vào vận hành
là bước đi quan trọng trong triển khai thực hiện Đề án 06
Trung tâm Điều hành thông minh IOC của huyện Di Linh được đưa vào vận hành là bước đi quan trọng trong triển khai thực hiện Đề án 06

Đồng chí Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh khẳng định, địa phương thực hiện Đề án 06 trên tinh thần xác định rõ, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này sẽ tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số xã hội; thúc đẩy, phát huy nguồn lực, sức mạnh của hệ thống chính trị, gắn kết với nâng cao năng lực quản trị của các cơ quan nhà nước. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Đồng chí Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện thông tin thêm, để thực hiện Đề án 06 đảm bảo lộ trình đề ra, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian", có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện. Kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí quan trọng để lãnh đạo huyện đánh giá chất lượng, thi đua đối với tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên hằng năm.

Báo cáo của Tổ công tác Đề án 06 huyện Di Linh cho thấy, sau 2 năm, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn cơ bản đảm bảo tiến độ theo lộ trình đề ra, một số nhiệm vụ đạt được kết quả nổi bật như: địa phương đã hoàn thành vượt chỉ tiêu về công tác cấp căn cước công dân và định danh điện tử. Di Linh là địa bàn rộng với tổng diện tích tự nhiên 161.464 ha, có 19 đơn vị hành chính cấp xã, dân số đông, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số có 74.216 nhân khẩu, chiếm 39.6% dân số. Đây là khó khăn cho địa phương trong thực hiện cấp căn cước công dân. Tuy vậy, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến ngày 12/6/2023, huyện Di Linh được Công an tỉnh ghi nhận đã hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện và ngày 15/8/2023, hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp định danh điện tử cho 100% công dân đủ điều kiện, về đích sớm và vượt chỉ tiêu được giao.

Kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến của địa phương này cũng đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể, hồ sơ trực tuyến phát sinh trong năm 2023 của địa phương này là 29.071/39.756 hồ sơ, đạt tỷ lệ 73%. Đã thanh toán trực tuyến 14.092 giao dịch thành công, đạt tỷ lệ 58,57%. Kết quả tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 63%; cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử đạt tỷ lệ 69,18% trên toàn huyện.

Huyện Di Linh đã tăng cường ứng dụng tiện ích của Đề án 06 phục vụ lợi ích chính của công dân và phát triển kinh tế - xã hội như: 19/19 Trung tâm y tế xã, thị trấn, 2 phòng khám được trang bị máy quét căn cước công dân gắn chíp, với 199.269/276.938 lượt khám, chữa bệnh, đạt tỷ lệ 72%; tổng số lượt tra cứu thông tin Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân thành công là 183.327 lượt, đạt 92%. Triển khai liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử tại 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tỷ lệ liên thông đạt 100%. Triển khai đăng ký lưu trú tại 21/21 cơ sở chữa bệnh trên địa bàn huyện. Hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; hướng dẫn bệnh nhân khai báo lưu trú trên VNEID để phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm, quản lý cư trú, làm giàu dữ liệu dân cư và từng bước số hóa dữ liệu bệnh nhân.

Năm học 2023-2024, các trường học triển khai thu học phí không dùng tiền mặt với 100% trường mầm non, 69,2% trường tiểu học, 90,5% trường trung học cơ sở và 100% trường trung học phổ thông. Huyện Di Linh cũng đã hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Trung tâm Điều hành thông minh IOC của huyện cũng đã được đưa vào vận hành, phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện và chủ tịch UBND huyện. Công an huyện Di Linh đã thành lập Tổ an ninh mạng, an toàn thông tin thực hiện Đề án 06 - đây là bước đột phá trong hoạt động kiểm tra, vừa đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống, vừa phục vụ kiểm tra chính xác, hiệu quả đối với hệ thống thông tin phục vụ Đề án 06.

Việc thực hiện có hiệu quả Đề án 06 trong 2 năm qua trên địa bàn huyện Di Linh đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công, các tiện ích trên ứng dụng VNeID về tố giác tội phạm, sử dụng sổ sức khỏe điện tử, sổ lao động; thanh toán không dùng tiền mặt; tạo mã QR code truy cập trung tâm hướng dẫn các nghiệp vụ về định danh điện tử; chuyển đổi số,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổ công tác Đề án 06 huyện Di Linh cũng xác định rõ những vấn đề còn tồn tại cần tháo gỡ như: Công tác rà soát, làm sạch dữ liệu, số hóa hồ sơ, tài liệu của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến vẫn còn thấp ở một số xã như: Gia Hiệp, Sơn Điền, Gia Bắc; Việc đưa các tiện ích của Đề án 06 vào ứng dụng trong thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội còn chưa rõ nét, chưa thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, như: việc tích hợp thông tin vào tài khoản định danh điện tử còn hạn chế, chủ yếu chỉ có thông tin cư trú, thông tin y tế, chưa có nhiều tiện ích như quảng bá nên nhiều người dân chưa tích cực hưởng ứng… Điểm nghẽn của những vấn đề này được xác định từ hai yếu tố: nguồn nhân lực và công tác số hóa dữ liệu.

Trên cơ sở xác định rõ những vấn đề còn tồn tại và “điểm nghẽn” đặt ra, huyện Di Linh cũng đã xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 06 trong thời gian tới. Trong đó chú trọng, thực hiện nhiệm vụ số hoá dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công, bảo đảm người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần trong giao dịch với cơ quan nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ làm sạch dữ liệu, cập nhật, bổ sung dữ liệu chuyên ngành, làm giàu dữ liệu phục vụ kết nối chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu. Ưu tiên triển khai các mô hình điểm ứng dụng Đề án 06; nâng cao tỷ lệ thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội và tỷ lệ sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh... Tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tiện ích của Đề án 06, nội dung tuyên truyền bám sát với mục tiêu cụ thể cần thực hiện trong từng thời điểm, tập trung vào các nội dung cơ bản của Đề án 06, các tiện ích, hiệu quả của việc thực hiện các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến, tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNelD để người dân tích cực hưởng ứng. Bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống Đề án 06 từ cấp huyện đến cấp xã.