BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024:
Đà Lạt, mùa đẹp nhất...

TẠ VIỆT ANH 07:57, 13/02/2024

Quê hương, với mỗi người là không thể thay thế. Song cũng thật may mắn, nếu ngoài mảnh đất chôn nhau cắt rốn, ta lại có những vùng đất khác nữa để mà gắn bó, yêu thương, như quê hương thứ hai. Với tôi, Đà Lạt là một trong những vùng đất như thế. Sự gắn bó ấy xuất phát từ những mối quan hệ đặc biệt, hay nói đúng hơn là những mối lương duyên. 

Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2023) và đón nhận danh hiệu Thành phố Sáng tạo Âm nhạc của UNESCO. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2023) và đón nhận danh hiệu Thành phố Sáng tạo Âm nhạc của UNESCO. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Đầu tiên là mối quan hệ giữa những người đồng nghiệp. Có lần, trong một bài viết, tôi đã bày tỏ sự may mắn cùng niềm hạnh phúc khi được có những năm tháng sống và làm việc trong đại gia đình các tờ báo Đảng địa phương. Trong đại gia đình ấy, tôi đã sống, làm việc, trưởng thành, có những người đồng nghiệp cùng chia ngọt sẻ bùi như anh em một nhà. Cũng nhờ gắn bó với các bạn đồng nghiệp mọi miền đất nước, tôi đã có những vùng đất để thương, để nhớ, những nơi chốn đi về. 
Ở Đà Lạt, Lâm Đồng tôi tự hào và hạnh phúc khi có những người bạn thân thiết, hầu hết là những đồng nghiệp văn chương, báo chí. Thân nghĩa là có thể chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống, là có thể gặp nhau mà không cần hẹn trước... Khá thú vị là mấy người bạn ấy, mỗi người một quê, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế… Mỗi người một quê, nhưng những người bạn mà tôi có cơ hội thân quen nơi thành phố mộng mơ này lại làm tôi thương mến ở một nét chung, có thể xem là nét dễ thương của người Đà Lạt. Người Đà Lạt thân thiện, trọng chữ tín, mới gặp lần đầu không vồ vập, nhưng càng tiếp xúc càng thấy gắn bó, khó quên. Người ta là hoa của đất. Đất trời Đà Lạt ôn hòa, phong cảnh Đà Lạt nên thơ đã tạo tác, dung dưỡng, hòa trộn nét thanh lịch của Hà Nội, nét thâm trầm của xứ Huế, đằm thắm nhiệt thành từ đất Quảng và sự khoáng hoạt của người cao nguyên tạo nên tính cách riêng có của người Đà Lạt.

***

Thứ hai, phải kể tới sợi dây quan hệ Hà Nội - Lâm Đồng, mối duyên lành tốt đẹp đã hình thành một vùng đất trù phú, một Hà Nội thu nhỏ giữa cao nguyên Lâm Viên với cái tên không thể hay hơn: Huyện Lâm Hà. Làm báo Đảng Thủ đô, nên những chuyến đi về Lâm Đồng, Đà Lạt, Lâm Hà với tôi đã trở nên quen thuộc, như những chuyến về nhà. Người Hà Nội bây giờ ai cũng biết ở mảnh đất phía Nam Tây Nguyên có một vùng đất mới, nơi mà cư dân đa phần là người các địa phương Hà Nội vào khai phá, xây dựng khu kinh tế mới. Với cánh báo chí Hà Nội, khi có dịp vào Lâm Đồng thế nào cũng phải tới với huyện mới Lâm Hà, như là về quê vậy. Lâm Hà cũng là nơi nhiều nét giá trị văn hóa truyền thống của những làng quê, góc phố Hà Nội vẫn được giữ gìn. 
Qua 35 năm qua, Lâm Hà đã có bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Người Lâm Hà hôm nay, bên cạnh đồng bào Thủ đô và người dân Tây Nguyên, còn có đồng bào khắp cả nước từ Lạng Sơn đến Cà Mau đến sinh sống và lập nghiệp. Bà con mang theo tên làng, tên quận - huyện về đây, đoàn kết chung tay xây dựng quê mới, tạo nên bản sắc đậm đà của văn hóa đa dạng vùng, miền. Văn hóa truyền thống của các dân tộc, các vùng, miền đã giao thoa, tiếp biến, được nâng niu, trân trọng, bảo tồn, phát huy và phát triển. Hiện tại, hơn 150.000 người dân Lâm Hà với trên 30 dân tộc anh em cùng sinh sống tự nhiên gần 94.000 ha. Hơn 60% dân số là người đến từ các quận, huyện TP Hà Nội. Nhiều gia đình đã gắn bó đến thế hệ thứ 3, thứ 4 trên quê hương mới với những địa danh quen thuộc như các xã Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Liên Hà, Mê Linh, Phúc Thọ. Rồi những khu phố Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa…
Trong hơn 35 năm xây dựng và phát triển của Lâm Hà, có một điều không thể không nhắc đến, đó là những dấu ấn của Hà Nội trên vùng đất này. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, trong giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội và 15 quận, huyện đã hỗ trợ đầu tư cho huyện Lâm Hà 17 công trình với tổng vốn là 215,9 tỷ đồng, tổng số vốn đã hỗ trợ 181 tỷ đồng. Các công trình được hỗ trợ đã phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh tại địa phương. Sự tiếp sức đó có thể ví như một dòng chảy nghĩa tình, không ngừng nghỉ suốt những năm qua. Và hôm nay, những ngày chuẩn bị đón xuân Giáp Thìn, dòng chảy ấy vẫn tiếp tục, mới mẻ và mạnh mẽ. 
Ai cũng biết, những ngày tháng Mười có ý nghĩa thế nào với Hà Nội mà Lâm Hà là một phần không thể thiếu. Có lẽ cũng vì vậy mà trong những ngày tháng 10/2023, đoàn công tác của Thường trực Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm trưởng đoàn có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan Thành ủy, UBND thành phố, các huyện Quốc Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Chương Mỹ, Thạch Thất, đại diện các sở, ngành, đoàn thể... đã đến với Lâm Hà. Với chuyến công tác đầy tình cảm thân thiết này, mối quan hệ của Hà Nội cùng Lâm Hà nói riêng và Lâm Đồng nói chung được nâng lên một tầm cao mới. 
Với tình cảm mang tới từ thành phố quê hương, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chúc mừng những thành tựu mà Lâm Hà đã đạt được và khẳng định: Hà Nội tự hào vì có đóng góp cho những thành tựu ấy và sẽ phối hợp với Lâm Đồng và Lâm Hà để đưa sự hợp tác phát triển lên một giai đoạn mới. Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ huyện Lâm Hà theo hướng phát triển bền vững. 
Cụ thể là Hà Nội sẽ đáp ứng nhu cầu của Lâm Hà được hỗ trợ giống bò thịt 3B, giống gà mía; chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn; kết nối doanh nghiệp Hà Nội đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản của địa phương; hỗ trợ địa điểm trưng bày, quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP của huyện Lâm Hà tại Thủ đô Hà Nội…
 Với cá nhân tôi, cũng là một mối duyên kỳ ngộ, những năm gần đây, cùng với tổ chức của mình là Quỹ Hỗ trợ các chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam, cùng Tổ chức ActionaAid quốc tế tại Việt Nam, chúng tôi đã có những dự án hỗ trợ người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Mối quan hệ với Lâm Hà đủ để chúng tôi có thể tổ chức sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày hiện diện tại Việt Nam ở đất Lâm Hà vào tháng 12/2022, với sự đồng thuận của người dân và chính quyền Lâm Đồng.

***

Gần gụi và thân thiết như vậy, nên việc tôi luôn dõi theo những thành tựu, những niềm vui và cả những điều chưa thật vui của Lâm Đồng là điều tất nhiên.
Trong những thời khắc cuối cùng của năm 2023 đầy ắp sự kiện đáng nhớ, lại thêm một tin vui với những người yêu Đà Lạt. Tại Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành, phát triển, đại diện của UNESCO tại Việt Nam đã trao cho lãnh đạo thành phố Thư xác nhận TP Đà Lạt chính thức gia nhập “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc”. 
Đây là một tin vui. Việc Đà Lạt thành phố vốn được coi là mảnh đất của thi, ca, nhạc, họa được lựa chọn là một trong 8 thành phố của Việt Nam tham gia phối hợp thực hiện việc xây dựng đề án Thành phố Sáng tạo UNESCO lĩnh vực Âm nhạc sẽ góp phần định vị thương hiệu, thúc đẩy quảng bá hình ảnh Đà Lạt một điểm đến hấp dẫn, an toàn, văn minh và thân thiện. 
Sự công nhận của bạn bè quốc tế với Đà Lạt, sự cam kết tiếp tục đồng hành của Hà Nội với Lâm Hà là những tin vui khi vùng đất cao nguyên tươi đẹp này đang cùng cả nước bước vào một mùa xuân mới. Trong một lần gặp nhau vào những ngày cả nước chuẩn bị đón chào năm mới 2024, một bạn đồng nghiệp Báo Lâm Đồng rủ tôi vào thăm Đà Lạt dịp năm mới, mà theo bạn đang mùa đẹp nhất. Thật khó mà cưỡng lại sự mời gọi thân tình ấy, khi biết rằng mai anh đào đang nở rộ và phượng tím hứa hẹn sẽ khoe sắc cùng muôn loài hoa tô điểm sắc xuân cao nguyên. Vậy nên, tự nhủ lòng xuân này sẽ lại vào với Đà Lạt, với Lâm Hà để thêm một lần cảm nhận đất, tình người, để được đi con đường mới được khánh thành trên đèo Prenn trong ánh nắng xuân giữa ngàn thông xanh biếc, để thấy được Đà Lạt đang mùa đẹp nhất trong năm.