BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024:
Đổi thay ngoạn mục ở làng Tày

TỨ ĐỨC 07:56, 13/02/2024

Người dân địa phương quen gọi Thôn 12, xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm) là làng Tày, vì thôn có nhiều đồng bào Tày sinh sống. Những ngày mới vào đất Bảo Lâm lập nghiệp, đời sống bà con còn muôn vàn khó khăn, bữa đói bữa no. Đến nay, sức sống đã ngập tràn trong những mái nhà; thôn không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, đa số là khá giả và giàu có. 

Bà con người Tày vui mừng vì vụ mùa cà phê được giá, một mùa xuân ấm no, hạnh phúc
Bà con người Tày vui mừng vì vụ mùa cà phê được giá, một mùa xuân ấm no, hạnh phúc

Hơn 40 năm trước, đồng bào Tày từ tỉnh Cao Bằng vào sinh sống, lập nghiệp tại thôn từ những năm 1980. Thôn 12 có 212 hộ với 892 nhân khẩu, trong đó khoảng 80% dân số là đồng bào người Tày. 
Trưởng thôn Nông Văn Hương cho biết, đa phần người dân sản xuất nông nghiệp, trồng cây cà phê, cây chè, trồng dâu, nuôi tằm. 280 ha cà phê với niên vụ năm nay được giá đã cho nhiều hộ dân thu nhập tiền tỷ.
Gia đình anh Bế Văn Lưu có 10 ha cà phê, mỗi năm thu khoảng 40 tấn cà phê nhân, là một trong những hộ có thu nhập cao nhất, nhì của thôn từ cây trồng này. Hay như anh Bế Kim Hòa hiện nay canh tác 6 ha cà phê, mỗi vụ cho trên 20 tấn nhân, thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Theo anh Bế Kim Hòa thì niên vụ cà phê năm 2023, giá cả cao hơn mọi năm nên bà con có một mùa xuân vui tươi hơn, phấn khởi hơn, no đủ hơn.
Thu nhập chính đến từ cây cà phê, nhưng người dân ở Thôn 12 vẫn đa dạng hóa sinh kế để tăng thu nhập. Hiện nay hơn 20 hộ đã thành công với mô hình trồng dâu, nuôi tằm và nhiều hộ dân khác chuẩn bị vào nghề “ăn cơm đứng”. Điều dễ dàng nhận ra ở những khu vườn của người Tày ở Lộc Ngãi chính là quanh năm cây trái xanh tốt với đủ giống cây trồng, từng luống rau xanh mơn mởn. Họ còn chăn nuôi thêm nhiều gà, vịt, ngan, lợn để cải thiện cuộc sống, cải thiện bữa cơm gia đình.

Làng Tày ở Lộc Ngãi nhà cửa khang trang, nhiều nhà xây biệt thự, sắm ô tô
Làng Tày ở Lộc Ngãi nhà cửa khang trang, nhiều nhà xây biệt thự, sắm ô tô

Từ sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, sự chung sức đồng lòng của người dân, đến nay diện mạo nông thôn nơi đây đã thực sự “thay da đổi thịt”, mang lại niềm vui cho người dân khi đời sống được cải thiện và nâng cao. Thôn giữ vững danh hiệu “Khu dân cư kiểu mẫu”, diện mạo khang trang, đường sá được bê tông hóa, nhựa hóa. Phần lớn nhà của người dân ở đây đều được xây cất khang trang từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng. 
Đi từ đầu thôn đến cuối xóm là quang cảnh sáng - xanh - sạch - đẹp; ngày càng nhiều biệt thự bề thế được xây dựng; tuyệt nhiên không còn ngôi nhà tạm, thô sơ nào hiện hữu. Bí thư Chi bộ Thôn 12 Lục Thị Kim cho biết: Có thể nói cuộc sống của bà con người Tày ở thôn từ ngày vào cho đến nay thay đổi một cách ngoạn mục. Trước thì phải lo từng bữa nhưng giờ thì nhà nào cũng có điều kiện đảm bảo. Nhiều nhà còn xây cả biệt thự, mua ô tô. Con cái ăn học tử tế, có công ăn việc làm ổn định. Chi bộ hiện nay có 14 đảng viên, 13 đảng viên là đồng bào Tày, Nùng. Các đảng viên luôn tích cực vận động bà con chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng; pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của địa phương; gắng sức lao động, sản xuất.

Hát then, đàn tính đang được bà con người Tày bảo tồn và phát huy
Hát then, đàn tính đang được bà con người Tày bảo tồn và phát huy

Song hành cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dựng xây thôn xóm, bà con người Tày ở đây còn cố công lưu giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Hát then, đàn tính là loại hình dân ca đặc sắc của người Tày ở Cao Bằng. Đây cũng là một hình thức sinh hoạt có vị thế quan trọng trong tín ngưỡng người Tày. Nay, trên cao nguyên vời vợi, lại được nghe các chị, các mẹ, các em gái người Tày đàn tính, hát then trong những dịp lễ, hội. Thông thường trong năm, người Tày có 2 ngày Tết lớn đó là rằm tháng 7 và Tết cổ truyền.
Hát then là sự tổng hòa của nhiều hoạt động nghệ thuật như múa, đàn, hát… Đàn tính là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo của người Tày, mang lại âm thanh mượt mà, ngọt ngào và ấm áp. Đàn được làm bằng vỏ bầu, mặt đàn làm bằng gỗ vông, cán làm bằng gỗ cây khảo quang hoặc cây dâu tằm. Tiếng hát then và đàn tính hòa quyện, phản ánh tâm tư, tình cảm của người chơi và người nghe, tạo nên cảm giác bâng khuâng lưu luyến.
Chị Đàm Thị Sức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Đàn tính, hát then của thôn cho biết, CLB có 30 thành viên, được thành lập năm 2019. Đây là một CLB liên thế hệ của các chị em phụ nữ, người cao tuổi và nhiều em ở lứa tuổi học sinh. 
Chị Sức tâm sự rằng, sở dĩ CLB mới hình thành là vì ngày trước bà con còn khổ, phải chạy vạy bữa ăn qua ngày, nên không có điều kiện để tập hợp chị em nhằm thành lập CLB. Nay hầu hết ai ai trong thôn cũng khá giả, giàu có nên có nhiều thời gian hơn để tập luyện. Mặt khác, việc thành lập CLB cũng phải có thời gian để chuẩn bị về thành viên, nhạc cụ, trang phục và sưu tầm các điệu đàn, hát.
Một buổi tập luyện, các chị em như Triệu Hồng Hân, Bế Thị Luyến đều tích cực trong tiếng đàn, lời hát. Theo các chị, hạnh phúc lớn lao sau những buổi làm việc chính là được quây quần bên nhau tập luyện tiếng hát, ngón đàn ngàn đời ơn Đảng, Bác Hồ; ca ngợi quê hương tươi đẹp, người người hòa chung một nhà.
Hiện nay, niềm mong mỏi của các chị em trong CLB đàn tính, hát then chính là việc mở rộng du lịch, kết nối các địa phương để CLB có điều kiện biểu diễn cho du khách thưởng thức trong không gian văn hóa đậm chất núi rừng Tây Nguyên. Có lẽ đó là điều khác biệt mà du khách cảm thấy thích thú khi được nghe đàn tính, hát then ngay trên cao nguyên. 
Ông Bùi Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi cho biết: Xã có hai thôn là Thôn 12 và Thôn 7 có đông đồng bào từ các tỉnh phía Bắc sinh sống. Đặc biệt những năm gần đây, bà con người Nùng, Tày có cuộc sống thay đổi một cách ngoạn mục. Nhà cửa xây dựng khang trang, nhiều hộ thu nhập tiền tỷ từ sản xuất nông nghiệp, đó là một điều rất đáng mừng. Đồng bào chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các phong trào như phát triển kinh tế, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp luôn đạt được nhiều kết quả tích cực.