Hoa và tượng giữa rừng thông

06:12, 28/12/2022
Một bên thì rực rỡ, mềm mại, bên kia chân mộc, thô ráp - ấy thế mà đặt cạnh nhau, trong không gian rừng thông Đà Lạt,và kỳ lạ ở chỗ chính màu sắc của hoa đã tôn rõ đường nét rắn rỏi của tượng, ngược lại chất đơn sơ của tượng càng làm tăng thêm vẻ quyến rũ của hoa.
 
Tượng Bác Hồ với Tây Nguyên
Tượng Bác Hồ với Tây Nguyên
 
Ít ai nghĩ rằng hoa Đà Lạt và tượng gỗ dân gian Tây Nguyên lại tạo nên hiệu ứng đẹp như vậy. Bằng nghệ thuật sắp đặt, tạo bố cục không gian chặt chẽ nhưng rộng thoáng, những người thực hiện đã để cho mỗi loài hoa tự kể một câu chuyện, một ẩn dụ về tình người, một dấu ấn tài hoa của con người Đà Lạt trong ươm trồng, gây tạo, chăm sóc, rồi đưa sắc hoa Đà Lạt tỏa khắp Việt Nam và thế giới, cũng như để cho mỗi bức tượng nói lên một thông điệp, một gửi trao yêu thương, một khát vọng trường tồn, một bày tỏ ý niệm tâm linh của những người đang sống gửi những người đã vĩnh viễn thuộc về cõi A tâu - thế giới người chết. “Tại đây, chúng tôi trưng bày, giới thiệu hơn 1.000 chậu hoa, gồm các loài hoa đặc trưng, tiêu biểu của Đà Lạt như: đỗ quyên, ngũ sắc, mua, cúc, phong lữ, ngọc thảo..., và trên 100 tượng gỗ được tuyển chọn từ các nhà điêu khắc, các nghệ nhân người dân tộc bản địa Tây Nguyên”, ông Phạm Hữu Thọ - Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, nói về Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên đang trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng.
 
Trong không gian rừng thông thơ mộng, hoa trẻ trung, đôn hậu, hoa kiêu sa, lộng lẫy, hoa e ấp, dập dìu, hoa nhẹ nhàng, sâu lắng, hoa ngọt ngào, lãng mạn, hoa lay động lòng người. Trước vẻ yêu kiều của hoa, sắc thái của tượng gỗ có phần hơi trầm, nhưng vang động. Tượng được bố trí thành các nhóm: Nhóm tượng nghệ thuật, nhóm tượng dân gian và nhóm tượng mang yếu tố tâm linh. Theo nghệ nhân Y Thái Ê Ban, sau khi tìm được cây gỗ phù hợp, nghệ nhân sẽ căn cứ theo kích thước, hình dáng của khúc gỗ, rồi xác định tạc tượng gì. Gỗ dùng để chế tác tượng là những loại gỗ quý: Sến đỏ, cẩm lai, hương, gụ, pơ mu... Thường thì tượng gỗ dân gian Tây Nguyên chủ yếu mô tả cảnh lao động sản xuất (tượng chàng trai phát rẫy, tượng cô gái đi rẫy, tượng người đàn ông cầm xà gạc, tượng người phụ nữ mang gùi, tượng thiếu nữ giã gạo...), bên cạnh các tượng thể hiện sự gắn bó giữa con người với con người (tượng mẹ địu con, tượng bà địu cháu, tượng thiếu nữ mời rượu, tượng chàng trai suy tư...). Ngoài ra, tượng gỗ dân gian Tây Nguyên còn mô tả những con vật gần gũi với con người (tượng con trâu, tượng con chó, tượng con gấu, tượng con chim công...) và đặc tả một số loài thực vật có trong tự nhiên. Nghệ nhân cũng để lại dấu ấn đời sống tinh thần của người Tây Nguyên trên các bức tượng: diễn tấu cồng chiêng, già làng đánh trống, chàng trai thổi kèn bầu... Mỗi tộc người khác nhau,ở những vị trí địa lý khác nhau sẽ có cách tạc tượng khác nhau. Vì vậy, người am hiểu tượng gỗ dân gian Tây Nguyên chỉ cần nhìn kiểu, dáng, nét của bức tượng đã có thể biết tượng do nghệ nhân dân tộc nào tạc: Ba Na hay Ê Đê, Jrai hay Xê Đăng... “Phải nói là nghệ nhân Tây Nguyên cực giỏi trong việc biểu đạt nét biểu cảm trên gương mặt tượng. Đó là chưa kể đến sự đa dạng trong ngôn ngữ điêu khắc. Ở đây, mỗi bức tượng mang một ngôn ngữ riêng, toát ra một thần thái riêng, không có bức tượng nào giống bức tượng nào, cho dù chúng được tạc trên cùng một chủ đề”, ông Nguyễn Trung Dũng - Hội Di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh, chia sẻ. Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng Phạm Hữu Thọ nói thêm: “Qua triển lãm Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên, chúng tôi gửi thông điệp gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa Tây Nguyên, đặc biệt là nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên”. Chia sẻ với mong muốn của ông Phạm Hữu Thọ, anh K’Tràng Ny bày tỏ: “Được tham quan, chiêm ngưỡng những tượng gỗ Tây Nguyên đang trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng giúp tôi nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị tinh thần, văn hóa của người bản địa Tây Nguyên. Tôi tự hào và biết ơn các nghệ nhân đã sáng tạo nên một loại hình nghệ thuật đặc sắc, mô tả sinh động, chân thực về con người và mảnh đất Tây Nguyên. Những giá trị đó cần được tiếp nối, gìn giữ, bảo tồn và phát huy”.
 
TRỊNH CHU