Giới thiệu tác giả - tác phẩm Thơ Nguyễn Nho Nhượn

10:11, 12/11/2022
(LĐ online) - Ngày 11/11, tại Nhà sáng tác Đà Lạt, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng phối hợp cùng Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng tổ chức tọa đàm giới thiệu tác giả - tác phẩm Thơ Nguyễn Nho Nhượn (NXB Hội Nhà văn – 2022) với sự tham dự của văn nghệ sĩ hai tỉnh, thành Lâm Đồng và Đà Nẵng.
 
Tác phẩm Thơ Nguyễn Nho Nhượn được in trang trọng như nén hương thơm tưởng nhớ người thơ, hồn thơ
Tác phẩm Thơ Nguyễn Nho Nhượn được in trang trọng như nén hương thơm tưởng nhớ người thơ, hồn thơ
 
Nhà thơ Nguyễn Nho Nhượn (1946 – 1969) quê ở làng Bồng Lai, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đã rời xa trần thế 53 năm khi tuổi đời còn rất trẻ. Bắt đầu cầm bút ở tuổi 16, ông có nhiều thơ đăng trên các báo, tạp chí thời bấy giờ. Thân mang bệnh nặng, thân hình gầy ốm, dự cảm về số phận ngắn ngủi của mình, Nguyễn Nho Nhượn không ngừng viết, viết để giãi bày tình yêu tha thiết với quê hương, viết nên tâm sự về cuộc đời buồn, viết những suy tư day dứt vì bệnh tật, viết về tình yêu bàng bạc xa xôi. 
 
Anh luôn mong ước thơ của mình được xuất bản càng sớm càng tốt, để nhanh chóng được đến với đông bạn đọc, nhưng trong điều kiện vật chất chưa đủ đầy, ước muốn không thành, thơ anh chưa kịp ra mắt tập nào thì căn bệnh thận đã mang anh đi ở tuổi 23 tại Bệnh viện Non Nước (Đà Nẵng). 6 tập thơ anh đã hoàn thành gồm: Tiếng nói giữ hư vô, Những lời sương khói, Nỗi buồn mọc ánh, Hơi thở miền nhiệt đới, Lời buồn trong tim, Những khúc ca hoang; thì khi anh qua đời 2 tập thơ (Nỗi buồn mọc cánh, Hơi thở miền nhiệt đới) đã bị thất lạc; gia đình, bạn bè nhiều lần đến bệnh viện tìm kiếm nhưng không có kết quả. 
 
Sau 2 năm anh qua đời, để anh thỏa niềm ước nguyện, bạn bè của nhà thơ đã in tập “Tiếng nói giữa hư vô” (1971) gồm 38 bài thơ đã từng đăng trên các tạp chí Văn, Văn học, Bách khoa, Thời nay… Tập thơ dày 100 trang được in trên giấy trắng do hai người bạn thân của tác giả là nhà thơ Đynh Trầm Ca và Lê Nghiêm Vũ viết lời giới thiệu. 
 
Suốt thời gian qua, gia đình đã cố gắng sưu tầm các bài thơ của Nguyễn Nho Nhượn đăng trên báo chí, thu thập từ bạn bè cùng các tư liệu gia đình còn giữ được để cho ra mắt tập “Thơ Nguyễn Nho Nhượn” gồm 64 bài thơ được chia làm 3 phần: Tiếng động mùa xuân (24 bài), Điệu tình thứ nhất (13 bài), Vết buồn thời đại (27 bài), tên các phần được lấy từ tiêu đề các bài thơ. Bên cạnh đó, tuyển tập còn in các bài viết về cuộc đời và thơ Nguyễn Nho Nhượn của những người bạn, người cầm bút cùng thời, một số bức thư tiêu biểu của bạn bè và các bút tích, tư liệu của tác giả. 
 
Tại buổi tọa đàm, các văn nghệ sĩ đã cùng nhau ngâm, đọc nhiều bài thơ của Nguyễn Nho Nhượn và phân tích những tứ thơ mình yêu thích; hát những ca khúc được phổ nhạc từ thơ Nguyễn Nho Nhượn; sẻ chia cảm xúc, suy nghĩ khi đọc thơ Nguyễn Nho Nhượn. Qua đó đã khắc họa khá rõ nét hình ảnh một người thơ, một hồn thơ đã rời xa trần thế hơn nửa thế kỷ.
 
Xin được trích những cảm xúc của các văn nghệ sĩ Lâm Đồng khi đọc thơ Nguyễn Nho Nhượn tại buổi giao lưu tọa đàm:
 
Nhà thơ Uông Thái Biểu phát biểu cảm xúc với thơ Nguyễn Nho Nhượn
Nhà thơ Uông Thái Biểu phát biểu cảm xúc với thơ Nguyễn Nho Nhượn
 
Nhà thơ Uông Thái Biểu: Chúng ta đến đây với hương hồn của nhà thơ Nguyễn Nho Nhượn, mang theo yêu dấu những dòng ký ức của anh truyền từ 53 năm qua. Tôi rất bất ngờ với những cây bút miền Trung trong những năm Mỹ tạm chiếm, trong thể chế Việt Nam cộng hòa, rất nhiều cây bút – những cây bút cùng thời với Nguyễn Nho Nhượn. Tôi đọc thơ Nguyễn Nho Nhượn trên facebook của anh em, người thân, bạn bè cùng thời với tác giả. Mặc dù tuổi đời của anh rất trẻ, làm thơ từ 16 tuổi và ra đi ở tuổi 23, ở trong thơ của Nguyễn Nho Nhượn, tôi nhìn thấy hình bóng của đại diện các dòng thơ siêu thực, lãng mạn, tượng trưng của phương Tây. Những dòng thơ đó đều có trong tác phẩm của Nguyễn Nho Nhượn làm tôi hết sức bất ngờ. Một tác giả hơn nửa thế kỷ vắng bóng trên thi đàn, nhưng khi được người thân, được những người cầm bút cùng thời, những người tâm huyết truyền lại cho chúng ta tập thơ này, mặc dù nhiều tập thơ đã bị thất lạc, đó là điều vô cùng đáng tiếc. Nếu tập hợp nguyên bản Tuyển tập Nguyễn Nho Nhượn ở một tầm quy mô hơn, tổ chức diễn đàn ở tầm sâu sắc hơn thì có lẽ sẽ mang đến thẩm mỹ văn chương tầm cao hơn. 
 
Khi đọc tác phẩm của những người đã mất chúng ta có một nguồn cảm xúc khác với những người đang sống. Khi tôi đọc tác phẩm nhật ký chiến tranh của Nguyễn Văn Thạc “Mãi mãi tuổi hai mươi”, tôi nằm thao thức chờ trời sáng với tâm trạng xúc động. Giá như, một người thanh niên ở tuổi đôi mươi từ biệt mái trường vào chiến trường, chỉ một hành trình rất ngắn từ Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp vào đến đất Quảng Bình bom cày đạn xới – anh hy sinh, và mãi mãi anh chỉ dừng lại ở trang nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Nếu như Nguyễn Văn Thạc còn sống thì Nguyễn Văn Thạc có thể trở thành một Lê Lựu, Nguyễn Văn Thạc có thể trở thành một Phạm Tiến Duật, Nguyễn Văn Thạc có thể trở thành một Hữu Thỉnh hoặc là trở thành những cây bút mang giá trị văn chương cao quý. Nhưng rất tiếc, Nguyễn Văn Thạc mãi mãi dừng lại ở tuổi 20 và dừng lại ở chiến trường Quảng Bình. Khi tôi đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” cũng vậy “Xin đừng đốt”, “Không đốt”; “Đốt” thì cháy linh hồn cả một thế hệ. Và hôm nay đọc Nguyễn Nho Nhượn, tôi đọc trong tâm trạng, cảm xúc đó. Nếu Nguyễn Nho Nhượn còn sống và còn sáng tác đến ngày nay thì Nguyễn Nho Nhượn sẽ trở thành một đỉnh cao của thi ca miền Trung.
 
Các văn nghệ sĩ Lâm Đồng và Đà Nẵng chụp hình lưu niệm tọa đàm
Các văn nghệ sĩ Lâm Đồng và Đà Nẵng chụp hình lưu niệm tọa đàm
 
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hữu Nết: Nhà thơ Nguyễn Nho Nhượn, sinh ra lớn lên, sáng tác văn chương ở vùng đất Quảng Nam là một trong những cái nôi của văn hóa miền Trung, đặc biệt là nơi sản sinh ra nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Trong bối cảnh kháng chiến chống Pháp và giai đoạn đầu của kháng chiến chống Mỹ, trong tâm trạng của một người bị bệnh tật đau ốm triền miên và linh cảm mình không thể trường thọ. Nỗi đau của thể xác và nỗi đau của quê hương đất nước chiến tranh, nhà thơ đã gửi vào các tác phẩm đa dạng, phong phú. Chỉ 23 năm sống trên đời, 7 năm cầm bút, anh đã kịp cho ra đời khối lượng tác phẩm thơ lớn và rất tiếc khi nhà thơ trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện thì có một vài tập thơ bị thất lạc, đó không chỉ là thiệt thòi cho tác giả mà còn là thiệt thòi cho nền thi ca Việt Nam. Biết đâu đấy một vài tác phẩm trong một vài tập thơ cuối cùng mà nhà thơ ấp ủ vụt sáng lên một vài bài thơ mang tầm vóc thời đại lúc bấy giờ. 
 
Tuyển tập Thơ Nguyễn Nho Nhượn trang trọng được gia đình xuất bản đưa đến bạn đọc là nghĩa cử lớn; các tác phẩm trong tập thơ toát lên nỗi buồn thân phận, nỗi buồn của quê hương đất nước của một chàng thanh niên có lẽ chưa yêu ai bao giờ. Tác giả sáng tác rất nhiều thể loại thơ khác nhau, đặc biệt những bài thơ lục bát - thể thơ truyền thống dân tộc rất hay, rất nhuyễn thể hiện được tâm trạng của người thơ trong những khoảnh khắc buồn. Nhiều bài thơ mang phong cách hiện đại, ám ảnh, ngổn ngang tâm trạng với niềm đau đáu yêu cuộc đời, yêu quê hương đất nước “Ôi mùa xuân sắp đến/Sao ta còn đứng đây/ Âm thanh mòn chủ nghĩa/Bụi bay mù chí trai…” (Mùa xuân sắp đến, Tr.46).
 
QUỲNH UYỂN