Nhiều đóng góp trong nghiên cứu, giới thiệu văn nghệ dân gian Tây Nguyên

05:10, 13/10/2022
Từ năm 2009 trở về trước, trên địa bàn Lâm Đồng đã có một số hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam hoạt động độc lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; chưa có một tổ chức cơ sở để tập hợp hội viên nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc ở địa phương. 
 
Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ dân gian. Ảnh: Quỳnh Uyển
Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ dân gian. Ảnh: Quỳnh Uyển
 
Ngày 7 tháng 12 năm 2004, tại Trường Đại học Đà Lạt, GS. Trần Quốc Vượng - Phó Tổng Thư ký thứ nhất Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trực tiếp truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Trung ương Hội về việc chỉ định Ban Vận động thành lập Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng do TS. Lê Hồng Phong làm Trưởng ban. Đến tháng 10 năm 2009, được sự ủng hộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, GS - TSKH. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Thường trực Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng đã làm việc cụ thể với Ban Vận động và thống nhất cao trong việc thành lập Chi hội. 
 
Nhà thơ Trần Ngọc Trác - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng đã ký Quyết định số 14/QĐ-VHNT, ngày 10 tháng 10 năm 2009, về việc thành lập Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng gồm 15 hội viên sáng lập và cử Ban Chấp hành lâm thời gồm 3 vị, do TS. Lê Hồng Phong làm Chi hội trưởng. Ngay sau đó, ngày 15 tháng 10 năm 2009, GS -TSKH. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã ký Quyết định số 58/QĐ-VNDG công nhận Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng là đơn vị cơ sở của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và ký Quyết định số 59/QĐ-VNDG công nhận TS. Lê Hồng Phong là Chi hội trưởng. Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng đã chính thức ra mắt vào ngày 28 tháng 10 năm 2009 và thật vinh dự là chính Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trực tiếp dự Lễ ra mắt và trao Quyết định công nhận Chi hội.
 
Theo ngành dọc, Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng trực thuộc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đặc biệt là về chuyên môn - nghiệp vụ; theo địa bàn lãnh thổ, Chi hội trực thuộc và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng. Thực hiện các kế hoạch của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng, Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng đã tiến hành Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2022-2027) vào ngày 14/8/2022. 
 
Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng hiện có 22 hội viên đang sinh hoạt, trong đó có 14 người là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Xuyên suốt quá trình hoạt động, Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng luôn khẳng định rõ lập trường, quan điểm đúng đắn, khoa học trong việc sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu vốn văn hóa các dân tộc trên một địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Sản phẩm sáng tạo của hội viên chủ yếu là các đề tài khoa học các cấp, các luận văn, luận án liên quan văn hóa văn nghệ dân gian, các bài viết mang tính học thuật được công bố trên tạp chí khoa học, các công trình sưu tầm và nghiên cứu được xuất bản theo dạng sách riêng và sách chung. Màu sắc học thuật của Chi hội là nổi trội, việc sáng tác chủ yếu thuộc về các nhạc sĩ Đình Nghĩ, Krajăn Dick, Krajăn Plìn và Thi Phong.
 
Kết quả sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy và công bố tác phẩm của hội viên là rất đáng trân trọng. Theo đó hàng chục đề tài các cấp của cá nhân đã nghiệm thu; hàng chục giáo trình, bài giảng cho trình độ đại học, sau đại học đã được áp dụng; hơn 20 luận văn, luận án liên quan đến văn hóa, văn nghệ dân gian; hàng trăm bài báo đã được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành, liên ngành có chỉ số ISSN; gần 30 sách chuyên khảo, tham khảo của cá nhân và tập thể đã được xuất bản. Tính trong nhiệm kỳ III (2017-2022), hội viên Chi hội đã công bố 500 tác phẩm thuộc các loại hình khác nhau.
 
Nhiều hội viên (HV) đã được khen thưởng, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao các giải Nhì, Ba cho HV Phan Thị Hồng, giải Nhì B cho HV Lưu Thị Hồng Việt, giải Ba A cho HV Lê Hồng Phong, Lê Thị Quỳnh Hảo, giải 3 B cho HV Võ Thị Thùy Dung. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã trao giải B cho Lê Thị Quỳnh Hảo, giải C cho Võ Thị Thùy Dung và giải Khuyến khích cho Đoàn Bích Ngọ.
 
Công trình tập thể “So sánh Folklore” đã được Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trao tặng Giải B vào năm 2012. Nhiều cá nhân và tập thể Chi hội được nhận giấy khen của Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng và của Tổng Biên tập Tạp chí Lang Bian.
 
***
 
Sau ba công trình: So sánh Folklore (Nhà xuất bản Thanh niên, 2012); Nghiên cứu Folklore theo hướng tiếp cận liên ngành (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015), Nghiên cứu văn học và văn hóa theo loại hình (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2019); thực hiện Chương trình và Kế hoạch của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng, Ban Biên tập tuyển chọn, biên tập công trình thứ tư là: Nghiên cứu văn nghệ dân gian Lâm Đồng (2017-2022).
 
Về phương diện văn hóa, cuốn sách đã đề cập đến tín ngưỡng, phong tục hôn nhân, tri thức bản địa, văn hóa ẩm thực, trang sức, lễ cúng của các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng; mối quan hệ giữa biến đổi văn hóa và phát triển bền vững; có thêm các bài viết về văn hóa, văn nghệ trong xã hội đương đại. 
 
Trong lĩnh vực văn học dân gian, các bài viết bao hàm khá nhiều thể loại: sử thi, tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện trạng. Riêng về sử thi, có loạt bài về sử thi Tây Nguyên (phổ văn hóa đặc tuyển, nhân vật thần linh, motif đặc thù).
 
Từ góc độ tộc người, có 5 bài về K’Ho, 4 bài về người Mạ, 3 bài về M’nông, 1 bài về Churu, 1 bài về Ê Đê, 1 bài về Xơ Đăng, 1 bài về người Thái; một số bài đề cập hai hoặc nhiều dân tộc và các bài khác liên quan đến người Việt (Kinh).
 
Từ hướng tiếp cận liên ngành, rất nhiều bài viết đã phát hiện các biểu hiện của văn hóa và các giá trị văn hóa trong văn học dân gian và văn học viết: Thần linh trong sử thi và trong truyền thuyết; giáo dục và khoa cử, không gian làng trong cổ tích; văn hóa Nam Bộ qua sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu; Truyện Kiều và hát đối đáp trong dân ca Việt Nam; phong tục dân gian và yếu tố ngụ ngôn trong tiểu thuyết; hình tượng đá trong ca dao và thơ...
 
Đặc biệt, cuốn sách này nhận được sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian ngoài Chi hội: PGS-TS. Buôn Krông Tuyết Nhung (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên); TS. La Mai Thi Gia (Trường Đại học Khoa học XH-NV TP Hồ Chí Minh); TS. Đặng Quốc Minh Dương (Trường Đại học Văn Hiến TP Hồ Chí Minh); ThS. Nguyễn Ngọc Chiến (Trường Đại học Bình Dương); ThS. Đào Thị Thanh An (Huyện ủy Lắk, Đắk Lắk); nhà nghiên cứu Ninh Thế Hùng (Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Bảo Lộc); ThS. Ma Hiêng (Đức Trọng, Lâm Đồng); K’Nhôi (Di Linh, Lâm Đồng), Đoàn Thị Thanh Nga và ThS. Đặng Thị Lành (Trường Đại học Đà Lạt).
 
 Đặc thù cũng chính là thế mạnh của Chi hội, tác giả của cuốn sách là các tiến sĩ, thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh, là hội viên hoặc cộng tác viên của Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng. Suốt cả một chặng đường cùng nhau nhìn về một hướng thì sẽ có chung nhau tập sách ý nghĩa này. Được Chủ tịch Hội tin tưởng giao cho tổ chức bản thảo, chúng tôi đã cố gắng hệ thống hóa và chỉnh sửa đôi chỗ để hoàn thiện bản thảo. Tuy nhiên, các luận điểm khoa học, các kết quả, các số liệu, tài liệu tham khảo riêng của từng tác giả cụ thể, cả cách viết tên tộc người thì Ban Biên tập hoàn toàn tôn trọng. Để tưởng nhớ các hội viên đã đi xa, ban biên tập đã giới thiệu hai bài viết của cố hội viên: kỹ sư Nguyễn Văn Minh và nhà báo Võ Khắc Dũng.
 
***
 
Dù mới trải qua một chặng đường chưa dài, song Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng thực sự đã trưởng thành, đầy tiềm năng và triển vọng phát triển. Hy vọng, Chi hội sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng.
 
Ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy và công bố về văn hóa, văn nghệ dân gian, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã tặng bằng khen tập thể Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng vào các năm 2012, 2017 và 2019.
 
THI PHONG