Cách tân thổ cẩm

06:10, 11/10/2022
Hẳn nhiên, một khi những giá trị cũ không còn phù hợp với cuộc sống hôm nay nữa, ấy là lúc phải thay đổi. Thay đổi để kiến tạo giá trị mới, đem đến triển vọng mới. Thổ cẩm cũng vậy, đang tìm hướng đi mới nhằm thỏa mãn các yêu cầu thị hiếu đương đại, đồng thời, giải quyết các hạn chế tự thân do đặc trưng của chất liệu.
 
Trang phục thời trang của nhà thiết kế K’Zona
Trang phục thời trang của nhà thiết kế K’Zona
 
Với đôi tay cần mẫn, sự kiên nhẫn, cùng kỹ thuật tinh xảo, người phụ nữ Tây Nguyên đã dệt nên những tấm vải thổ cẩm thật tinh tế trong từng họa tiết hoa văn, may nên những bộ trang phục truyền thống độc đáo. Thế nhưng, cách làm này liệu có còn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại? Nhà thiết kế K’Zona (thành phố Đà Lạt) cho rằng, nhất thiết phải thay đổi cách tiếp cận thổ cẩm thì tính ứng dụng của chất liệu này mới trở nên phổ quát trong đời sống đương đại. Bởi như đã biết, vải thổ cẩm trước kia chỉ dùng vào việc may phục trang cho người bản địa, gồm: áo cổ tròn, chân váy và khố. Ai nhìn thoáng qua cũng thấy những trang phục đó khá là nặng nề, màu sắc lại sẫm tối, chất liệu vải thô, cứng, dày. “Tôi nghĩ thổ cẩm cần thay đổi nhiều thứ, ví như mẫu mã, họa tiết, màu sắc... để phù hợp với người dùng đương đại, đặc biệt là những người trẻ sống ở đô thị”, nhà thiết kế K’Zona nói. 
 
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà) Ka Điệp thừa nhận: “Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống có từ lâu đời của người K’Ho nơi đây. Trong sinh hoạt cộng đồng, những bộ trang phục may từ vải thổ cẩm chính là yếu tố để nhận diện bản sắc K’Ho, bên cạnh những vật lễ đặc trưng khác. Mỗi tấm vải thổ cẩm không chỉ là vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, còn là tác phẩm nghệ thuật thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người K’Ho. Tiếc là ngày nay trước sự lấn át của nhiều trào lưu thời trang hiện đại đã làm giới trẻ K’Ho ít sử dụng vải thổ cẩm để may trang phục nên nghề dệt thổ cẩm chưa thể phát triển như kỳ vọng”.
 
Mặc dù xã Đạ Đờn đã thành lập một Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm tại thôn Dà Mpău, nhưng các tổ viên nơi đây cho biết, hoạt động sản xuất của tổ chỉ ở mức cầm chừng, vì chưa được đầu tư quảng bá rộng rãi ra bên ngoài. Một nguyên nhân khác khiến thổ cẩm bị hạn chế về thị phần tiêu thụ đó là vì chất liệu sợi chỉ để dệt nên những tấm thổ cẩm khá to, thô, nặng, kéo theo sự nặng nề của vải thổ cẩm. Từ thực tế nêu trên, nhà thiết kế K’Zona đã tìm lối đi mới cho thổ cẩm bằng cách kết hợp thổ cẩm với những chất liệu khác, sáng tạo nên các mẫu trang phục mang đậm phong vị núi rừng. Anh tinh tế trong từng chi tiết cắt, cúp, tạo phom, dáng để làm nổi bật nét đẹp của những họa tiết hoa văn thổ cẩm, đồng thời khéo léo đan cài các yếu tố văn hóa truyền thống Tây Nguyên vào ngôn ngữ thời trang hiện đại. “Trên cơ sở vẫn giữ lại những nét đẹp tinh tế trong từng họa tiết hoa văn của thổ cẩm, tôi tiếp nối câu chuyện về thổ cẩm bằng việc mang đến cho khách hàng những bộ trang phục hiện đại, toát lên vẻ trẻ trung, năng động, sáng rỡ. Mới và hiện đại trên chính kỹ thuật vốn có của thổ cẩm luôn là ý tưởng xuất hiện đầu tiên khi tôi bắt tay thiết kế các mẫu trang phục bằng chất liệu vải thổ cẩm”, nhà thiết kế K’Zona chia sẻ.
 
Theo nhà thiết kế K’Zona, mỗi hoa văn họa tiết nơi thổ cẩm ẩn chứa một câu chuyện thú vị về đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nó là một phần của ký ức tộc người. Người trẻ Tây Nguyên cần viết tiếp những trải nghiệm cuộc sống của chính mình lên trên đấy, để một mặt gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, mặt khác tiếp tục làm mới thổ cẩm. Ấy là cách khả dĩ để những khách hàng khó tính nhất chấp nhận thổ cẩm, trong khi tính truyền thống của chất liệu này không bị mất đi. Bà Ka Điệp cũng khẳng định: “Những tổ viên trong Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm thôn Dà Mpău có thể dệt được tất cả các mẫu hoa văn theo yêu cầu của nhà thiết kế”.
 
Ngoài việc đưa thổ cẩm vào các thiết kế thời trang hiện đại, nhà thiết kế K’Zona còn nâng tầm chất liệu thổ cẩm qua những mẫu thiết kế nội thất cao cấp. Nhờ nỗ lực làm mới thổ cẩm mà các sản phẩm được thiết kế từ chất liệu thổ cẩm của anh đã có mặt ở thị trường Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Malaysia, Singapore... Ấy cũng là cách nhà thiết kế K’Zona tôn vinh những giá trị văn hóa bản địa đích thực và sự tài hoa của những người thợ thủ công, những người phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tuy nhiên, những nỗ lực sáng tạo của anh rất cần thêm sự tiếp sức từ phía chính quyền và ngành văn hóa, sự ủng hộ của những nghệ nhân để tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm thổ cẩm khi đưa ra thị trường.
 
TRỊNH CHU