Nòng cốt của văn học - nghệ thuật tỉnh

01:09, 15/09/2022
Thành phố Đà Lạt vốn dĩ là duyên lành hội tụ của giới văn nghệ sĩ khắp cả nước đến định cư. Từ trước tới nay, trên mảnh đất thân thiết này, cùng với lĩnh vực khoa học cũng như các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ khác, đội ngũ sáng tác văn học vừa đông về số lượng vừa nổi trội về chất lượng tác phẩm.
 
Đại hội Chi hội Văn học (Hội Văn học - Nghệ thuật) nhiệm kỳ 2022-2027
Đại hội Chi hội Văn học (Hội Văn học - Nghệ thuật) nhiệm kỳ 2022-2027
 
Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, đặt nền móng văn học vùng đất Nam Tây Nguyên có rất nhiều những nhà văn, nhà thơ định cư ở thành phố Đà Lạt. Họ đã đóng góp những áng văn thơ hay cho đất nước và tỉnh Lâm Đồng. Có thể lướt qua những khuôn mặt ấy như các nhà văn, nhà thơ nam: Hồ Phú Diên, Văn Thảo Nguyên, Phạm Vũ, Huỳnh Chính, Trần Hữu Lục, Bảo Cự, Hà Linh Chi, Bùi Minh Quốc, Hoàng Như Thụy An, Nguyễn Lương Tâm, Phạm Kim Anh, Phạm Quốc Ca, Hoàng Trọng Hà, Chu Bá Nam, Thái Huyền, Nguyễn Tùng Châu, Nguyễn Trung An, Trần Thăng, Trần Ngọc Trác, Lê Công, Dương Trần, Phạm Vĩnh, Phan Hữu Giản, Uông Thái Biểu, Nguyễn Tấn On, Võ Khắc Dũng, Nguyễn Thanh Đạm, Ngũ Hành Sơn, Võ Anh Cương, Thanh Dương Hồng, Lê Đình Trọng, Vương Tùng Cương, Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Chí Long, Võ Trần Phú, Phan Minh,... Đó còn là những cây bút văn thơ nữ: Vũ Dậu, Đặng Thanh Liễu, Hà Thanh Thủy, Nguyễn Thị Thanh Toàn, Nguyễn Thị Vĩnh, Kim Chung,… Mỗi người mỗi vẻ, tài hoa trời phú và tiềm năng về mĩ cảm khác nhau nhưng ít nhiều họ đã lưu dấu đẹp trong lòng bạn đọc bởi chủ thể thẩm mĩ. 
 
Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ II (tổ chức 5 năm một lần) vừa kết thúc gần đây thêm một lần khẳng định Đà Lạt là nơi vốn dĩ kết tinh của sức sáng tạo nghệ thuật. Với chuyên ngành Văn học, cả 5 giải đều thuộc về những tác giả ở Đà Lạt. Đó là “Tuyển tập Thơ văn” của cố tác giả Phạm Kim Anh; tiểu thuyết “Thám tử đội Hướng Dương” của tác giả Nguyễn Thái Huyền; tập thơ “Lặng lẽ phố sương” của tác giả Vương Tùng Cương; tập truyện ngắn “Khi hoa cúc nở” của cố tác giả Chu Bá Nam và tập ký, tản văn “Gió thổi từ miền ký ức” của tác giả Uông Thái Biểu. Đây là “quả ngọt” quá trình lao động sáng tạo, cũng là sự lan tỏa tự hào và truyền cảm hứng đối với đội ngũ sáng tác văn học của thành phố Đà Lạt. 
 
Hiện nay, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng có 11 chi hội với trên 280 hội viên. Riêng Chi hội Văn học có số lượng hội viên đông nhất, với 59 người, trong đó trên 40 hội viên nam. Tuổi đời trung bình của hội viên khoảng 60 tuổi, trong đó rất đông hội viên đã ngoại thất tuần và bát tuần, đặc biệt nhà văn Nguyễn Thái Huyền hiện là bậc cao niên nhất Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh ở tuổi 94. Quan trọng hơn, trong số các bậc cao niên đó nhiều người vẫn bề bỉ dẻo dai với sức sáng tạo văn học, bút lực vẫn dồi dào, rung cảm trữ tình vẫn mãnh liệt. Đặc biệt, trường hợp nhà văn Nguyễn Thái Huyền đoạt giải B Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh vừa rồi là một ví dụ rất thuyết phục. 
 
Nhìn tổng thể đội ngũ sáng tác văn học ở thành phố Đà Lạt trong thời gian 5 năm gần đây, từ năm 2018 đến nay, họ đã sáng tác hàng ngàn tác phẩm văn, thơ, lý luận phê bình và xuất bản rất nhiều tập thơ, văn. Và càng trân quý hơn, trong số đó đã đóng góp 492 tác phẩm văn, thơ cho Tạp chí Lang Biang của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng xuất bản; hàng trăm tác phẩm văn, thơ khác đã đăng, phát sóng trên các báo, tạp chí và đài phát thanh - truyền hình Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó không ít tác phẩm xuất hiện trên Báo Văn nghệ (ấn phẩm của Hội Nhà văn Việt Nam), Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Nhân Dân… 
 
Về chất lượng, ngoài 5 tác giả đoạt Giải Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ II đã nêu ở trên, đội ngũ sáng tạo văn học của Đà Lạt còn giành nhiều giải thưởng khác của Trung ương và các địa phương. Có thể điểm qua: Giải “Cuộc thi Thơ dành cho Phụ nữ cả nước lần thứ II - 2021” có 3 tác giả Vũ Dậu, Nguyễn Thị Thanh Toàn, Nguyễn Vĩnh đoạt giải; Cuộc thi ký “Vì sự học ngày mai” của Báo Văn nghệ tổ chức 2 năm 2019-2020 tác giả Phan Tĩnh Xuyên đoạt giải B với tác phẩm “Cùng hướng về ánh sáng mặt trời”; Cuộc thi Văn học - Nghệ thuật “Lâm Đồng trên đường đổi mới và phát triển” tổ chức trên Tạp chí Lang Biang trong 2 năm (2020 - 2021), có 13 lượt nhà văn, nhà thơ đã đoạt giải (Phạm Vĩnh, Lê Hòa, Kim Chung, Thanh Dương Hồng, Tĩnh Xuyên, Vương Tùng Cương, Ma Nhung, Lê Đình Trọng, Hoàng Sơn Lâm); trong đó, các tác giả Tĩnh Xuyên, Kim Chung, Lê Đình Trọng, Ma Nhung đoạt giải liên tiếp trong 2 lần tổ chức. Bên cạnh đó, nhiều nhà văn, nhà thơ của Đà Lạt đã được xét khen thưởng “Tác phẩm Văn học - Nghệ thuật chất lượng cao” trong 3 năm qua do Ban Biên tập Tạp chí Lang Biang tổ chức…
 
Nhìn nhận về đội ngũ sáng tác văn học ở thành phố Đà Lạt thời gian qua, ông Hà Hữu Nết - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng nói: “Đội ngũ văn nghệ sĩ ở Đà Lạt có thể nói là xương sống của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng trên tất cả các lĩnh vực; đặc biệt mảng văn, thơ, lý luận phê bình văn nghệ, văn học dân gian trên Tạp chí Lang Biang chiếm tỷ trọng rất lớn”. Kết quả đóng góp thực sự có ý nghĩa đó là sức sáng tạo bền bỉ, bút lực dồi dào, nhu cầu thể hiện mĩ cảm tiềm tàng của số đông người cầm bút ở thành phố Đà Lạt. Kết quả đó cũng có thể hiểu là kết tinh từ “lòng tự trọng của người làm nghề, tình yêu nghề” như nhà thơ Uông Thái Biểu cảm nhận. Và kết quả đó cũng đang bao hàm về trách nhiệm chung tay vun đắp sự lớn mạnh một tổ chức sáng tạo văn hóa và nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Và nữa, kết quả sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ Đà Lạt là cơ sở cho Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng cũng như địa phương Đà Lạt có quyền gửi trọn niềm tin kỳ vọng về những sáng tác mới chất lượng hơn.
 
MINH ĐẠO