Đám cưới một linh hồn

06:07, 14/07/2022
Người chiến binh để lại một chân trên cánh đồng Chó ngáp (*)
Nửa đời bôn ba chắp nối một lời nguyền
Gặp lại người yêu giữa Trường Sơn ngàn bia mộ
Lời hẹn 30 năm
Giờ hóa cỏ xanh rờn
Anh đã ngoại ngũ tuần
Người yêu anh vẫn trẻ
Anh cưới em
Anh cưới một linh hồn.
Bông huệ trắng thơm tím chiều hoang vắng
Ly rượu buồn anh tưới đẫm hoàng hôn
Giờ thì em đã vu quy
Em đã vu quy
Như lời xưa hai đứa mình hẹn ước
Mà bên anh hư ảo một hình hài
Trời xanh quá
Mây giăng tà áo cưới 
Dấu chân tròn... lá rừng xanh mắt ai!
 
VŨ BÌNH LỤC
 
(*): Một địa danh nổi tiếng thời chống Mỹ, thuộc tỉnh Tây Ninh
 
LỜI BÌNH:
 
Trong thi ca Việt Nam có nhiều bài thơ khá xúc động khi viết về mối tình của những đôi trai gái và người con gái hy sinh như: Núi Đôi (Vũ Cao); Màu tím hoa sim (Hữu Loan); Quê hương (Giang Nam)... Những câu thơ nghẹn lòng với bao xót thương hồi tưởng: “Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn/ Ai ngờ từ đó bặt tin nhau” (Núi Đôi). Nhà thơ Vũ Bình Lục đã có một tứ thơ khá độc đáo, nâng lên một cấp độ cao hơn đó là Đám cưới một linh hồn đoạt giải cao trong một cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đám cưới với người đã khuất để thực hiện một lời nguyền, một hẹn ước và cao hơn, đó là sự hóa giải tâm thế, tâm linh rất nhân văn cao cả, một câu chuyện cổ tích có hậu của một thương binh với người yêu hy sinh trong chiến tranh.
 
Tứ thơ được triển khai bằng câu chuyện kể: “Người chiến binh để lại một chân trên cánh đồng Chó ngáp” về : “Gặp lại người yêu giữa Trường Sơn ngàn bia mộ” để “Chắp nối một lời nguyện ước” sau 30 năm trong một hoàn cảnh “Anh đã ngoại ngũ tuần”. Vâng, thời gian trôi đi, người lính già đã hơn 50 tuổi khi “Người yêu anh vẫn trẻ” dừng lại ở tuổi 20 và trên mộ cô “hóa cỏ xanh rờn”. Một sự so sánh đến thắt lòng: Già - trẻ, mất - còn, sống - chết, âm - dương... Bao nỗi niềm đan xen nhau với bao cung bậc, để rồi từ câu chuyện kể hòa thành tâm trạng với một sự hóa thân cảm động đến bất ngờ. Đây cũng chính là quãng nhảy nốt trầm sâu thẳm nhất, ngân vọng nhất, lay thức nhất của sự vận động cảm xúc tứ thơ khi anh quyết định: “Anh cưới em/ Anh cưới một linh hồn”. Một đám cưới giữa người sống (thương binh) với người đã mất (liệt sỹ) thật hiếm có trong một không gian, một khung cảnh giữa nghĩa trang Trường Sơn có cả: “Bông huệ trắng thơm tím chiều hoang vắng/ Ly rượu buồn anh tưới đẫm hoàng hôn” cho ta chợt nhớ về: “Chiếc bình hoa ngày cưới/ Thành bình hương tàn lạnh vây quanh” (Màu tím hoa sim - Hữu Loan). Ở đây, cái màu trắng của bông huệ trắng thơm tím , sắc tím thủy chung, của sự trong trắng tỏa lan trong không gian nghĩa trang nhuộm tím cả chiều choàng xuống bao ngôi mộ đồng đội khác như đang cùng đồng hành tham gia lễ cưới. Và ly rượu buồn cũng được tưới đẫm cả hoàng hôn chứ không chỉ riêng ngôi mộ người yêu. Đó chính là sự lan tỏa, nhân lên, rộng ra một tình yêu bất diệt, một sự trường tồn của hạnh phúc. Chính hoa và rượu - những nghi lễ thiêng liêng của tiệc cưới là sắc màu và men say đã tạo ra gia vị ấm nồng không khí, không gian của một đám cưới có một không hai này như một vầng hào quang lấp lánh vượt lên bao mất mát, bi thương. Bất ngờ, câu thơ bỗng như chùng xuống với lời nhắc lại khẳng định: “Giờ thì em đã vu quy/ Em đã vu quy/ Như lời xưa hai đứa mình hẹn ước/ Mà bên anh hư ảo một hình hài”. Đó là một sự thật đau đớn. Một đám cưới ảo, một hình hài ảo, một hạnh phúc ảo nhưng rất thật. Thật từ tấm lòng rất đỗi thành tâm, thánh thiện, đằm thắm, tâm linh của người thương binh. Gam màu của bài thơ bỗng sáng dần ra với một thiên nhiên, một sự sống ùa về quấn quít, thân thiết giăng mắc: “Trời xanh ngắt/ Mây giăng tà áo cưới”. Đó là sự hóa thân kỳ diệu, một sự kỳ vọng lãng mạn bay bổng như trong bài thơ Khoảng trời và hố bom, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết: “Đất nước mình nhân hậu/ Lấy nước trời xoa dịu vết thương đau”. Kết thúc bài thơ là hình ảnh: “Dấu chân tròn... lá rừng xanh trong mắt ai!”. Dấu chân gỗ in bên mộ không chỉ là dấu chấm mà đó là sự khởi đầu mở ra hành trình mới của người lính thương binh khi một câu hỏi bỏ ngỏ “lá rừng xanh mắt ai” xanh ngời của sự sống, của bao dõi theo, của bao tiếp nối...
 
HÀ HUY