Chiếc bánh bông lan và nụ hôn

Truyện ngắn: VÕ TRẦN PHÚ 00:10, 14/03/2024
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Đến bến xe Buôn Ma Thuột, trời đã ngã bóng về chiều, không khí vẫn còn oi bức. Hải đón xe ôm đi về hướng Quốc lộ 14, qua khỏi Trường Đại học Tây Nguyên, anh bảo người lái xe ôm dừng lại.

Xuống xe, Hải men theo con đường đất đỏ, hai bên vườn cà phê đang mùa ra hoa hương thơm ngào ngạt lan tỏa trong không gian. Phía xa có một người con gái mặc đồ thổ cẩm người Ê Đê, đang đứng dưới hàng cây râm mát ven đường. Tới gần, anh mới nhận ra đó là H’Bia Blao, người yêu của anh. Hai người cùng học chung ở Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Họ biết và quen nhau từ phòng thí nghiệm của Khoa Lâm nghiệp. Hôm nay, anh lên Buôn Ma Thuột để dự hội thảo về công tác quản lý rừng đầu nguồn. Tiện thể ghé thăm nhà người yêu và ra mắt bố mẹ vợ tương lai.

H’Bia đưa Hải về nhà, một ngôi nhà sàn biệt lập nằm giữa vườn cây bóng mát, khác với tập tục của người Ê Đê là ở nhà dài. Nhà gỗ đánh vẹc-ni màu vàng rực sáng giữa vườn cây, bên trong bài trí đơn sơ, sạch đẹp, thoáng mát nhưng vẫn giữ được bản chất văn hóa của người Tây Nguyên.

- Con chào cả nhà, chào bác trai, bác gái và các anh chị em.

Màn đêm buông xuống, cả nhà quây quần bên mâm cơm dưới ánh đèn vàng, không khí trong phòng trở nên ấm cúng. Má của H’ Bia vừa xới cơm vừa giới thiệu.

- Đây là Ama (cha) của H’Bia, còn tôi là mẹ và các anh chị em trong nhà. Hôm nay mời cháu dùng cơm với gia đình! Đừng làm khách nhé.

Cơm nước xong, cả nhà kéo lên phòng khách, ngồi xem tivi, nhắm nháp nước chè xanh với kẹo gừng mật ong. Sản phẩm cây nhà lá vườn của bà con vùng cao Tây Nguyên.

- Nghe H’Bia nói cháu là người Đà Lạt, lòng tôi cảm thấy vui vui - vì tôi cũng người Đà Lạt - mời cháu uống nước.

- Dạ, cháu cảm ơn bác.

Nãy giờ Hải chỉ nghe bác gái nói chuyện, còn ông Y Đúc - cha của H’Bia ngồi mỉm cười vui vẻ. Anh rất cảm kích trước những lời chào hỏi rất chân tình, mộc mạc, mến khách đúng với bản chất của người dân tộc Tây Nguyên.

- Dạ thưa, bác ở Đà Lạt nhà ở đâu ạ, nhà mình có đông anh em không ạ?

- Gia đình bên ngoại H’Bia, sống dưới chân dãy núi Lang Biang. Làng tôi ở cây số 9, sau ngày giải phóng đổi tên là tổ dân phố Phước Thành, thuộc Phường 7, thành phố Đà Lạt.

H’Bia ngồi cạnh mẹ, người con gái mang 2 dòng máu Kinh và Ê Đê có nét mặt hao hao giống mẹ, dáng người khỏe mạnh, đầy đặn mang tố chất của người cha, càng tôn thêm vẻ đẹp rắn chắc, duyên dáng của người con gái Tây Nguyên. Không khí về đêm thoáng mát, không còn cái nóng oi bức như ban chiều. Ông Y Đúc giờ mới lên tiếng:

- Gia đình anh ba má làm gì? Giờ sống ở đâu? Nhà có đông anh em không?

- Dạ thưa, ba con hồi chiến tranh là bộ đội biệt động thành phố Đà Lạt, theo ông kể lại hồi chiến tranh, ông thường hoạt động ở vùng Cam Ly, Đa Thành, Phước Thành, Suối Vàng. Giờ tuổi cao sức yếu, ông đã nghỉ hưu. Mẹ con ở nhà làm vườn trồng rau, trồng hoa.

- Vậy à! (tiếng mẹ H’ Bia), nhà tôi ngày xưa là cơ sở ở vùng ấy - Nói đến đây, nét mặt bà trở nên đăm chiêu, trên khóe mắt hằng dấu chân chim ngấn lệ. Người phụ nữ tóc ngã màu sương miên man nhớ về quá khứ hơn 50 năm trước.

***

Năm 1970, gia đình của Hiền (má của H’ Bia) là cơ sở cách mạng, đêm đêm, các anh, các chú giải phóng thường về nhà liên lạc để móc nối cơ sở bên trong nội đô. Hiền lúc bấy giờ mới 16 tuổi, cái tuổi dậy thì của người con gái mới lớn, được các chú giáo dục chỉ bảo và giao công việc, như đi liên lạc, đưa thư, nắm tình hình địch đối với những gia đình cơ sở ở cây số 4, đồng thời mời các cơ sở cốt cán cách mạng về họp ở nhà mình. Chị nhớ lại, lần đầu tiên, chú Năm giao công việc, Hiền cảm thấy lo lo, không biết rồi sẽ ra sao. Đoán biết được tâm trạng của cô gái mới lớn, chú Năm nắm tay cô, vỗ vai ân cần nói nhỏ nhẹ:

- Nè! Điều trước tiên là con phải thật bình tĩnh, từ đó xác định được tình hình để có cách ứng phó. Nếu có bất trắc thì cho thư vào miệng ngay.

- Dạ - Nhận tờ giấy nhỏ tí tẹo, như que diêm mà tay Hiền cứ run run.

Vào một buổi chiều đông, má của Hiền tổ chức làm bánh bông lan, khác với mọi lần, hôm nay bà làm thật nhiều, khiến Hiền ngạc nhiên.

- Nhà mình có mấy người đâu mà sao má làm bánh nhiều dữ vậy?

- Cái con này! Thấy là hỏi lung tung, con gái ngày càng lớn ăn nói phải biết giữ mồm, giữ miệng. Bây giờ con xếp bánh vào túi ni lông, cột thật chặt để giữ mùi thơm, sau đó cho vào giỏ lát. Việc gì đến rồi sẽ biết.

Không khí rét mướt buổi chiều đông, trời lại mưa lâm râm, cái lạnh len lỏi vào người. Đơn vị của Mẫn đêm nay đi vào ấp. Việc chính của các anh là yểm trợ cho đội công tác chính trị mỗi khi gặp địch. Sau khi tổ trinh sát báo “Yên”, các anh chia nhau ra cảnh giới từng góc nhà, bụi chuối, chuồng bò. Vì đơn vị của anh là đơn vị biệt động thành nên không được vào nhà dân và không được tiếp xúc với cơ sở.

Hiền xách giỏ bánh từ trong nhà bước ra, cô đi về phía chuồng bò trong bóng đêm lờ mờ hiện ra những chiếc bóng đen mang súng đứng rải rác quanh sân nhà. Một thoáng giật mình, chị khựng lại. Một giây trấn tĩnh trong bụng suy nghĩ “Các anh đã về”, Hiền tiến tới bắt tay từng người, đồng thời mở giỏ bánh bông lan mời các anh ăn. Riêng có một người dáng thấp bé, đứng lặng lẽ bên bụi chuối, trời tối nên không nhìn rõ mặt. Cô tiến tới làm quen, bắt tay với người ấy, bàn tay thon thon nhỏ nhắn như con gái. Hiền cứ ngỡ đây là nữ chiến sĩ giải phóng quân.

- Mời chị ăn bánh, chị có lạnh không? Là nữ chiến sĩ chắc nhiều vất vả lắm phải không? Nói xong Hiền nhích lại gần người chiến sỹ giải phóng, anh chiến sĩ giải phóng nhẹ nhàng đẩy cô ra. Cuối cùng, Hiền đột ngột ôm hôn người chiến sĩ cho bỏ ghét. Trời ơi! Trên má râu không là râu, khiến má chị rát rạt - Ù té, bỏ giỏ bánh cô chạy vào nhà. Khiến cả tổ đội công tác ôm bụng không dám cười, sợ tiếng vang địch phát hiện nã pháo ngay.

Đó là nụ hôn đầu đời của người con gái mới lớn. Đêm ấy cô không tài nào ngủ được, trong bụng nghĩ thầm “không biết các anh ấy nghĩ gì về mình” rồi cô tự trách mình “cái tội lanh chanh”.

Thời gian trôi qua lâu nhưng nụ hôn đầu đời vẫn giữ kín trong lòng. Người chiến sĩ được hôn, chị không hề biết mặt, chưa một lần quen nên không biết tên.

***

Năm 5 sau, đất nước được giải phóng, non sông thu về một mối. Ban Tuyên huấn Trung ương mở thêm nhiều chi nhánh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tổ chức nhiều lớp học bổ túc, nâng cao trình độ chính trị, trình độ lý luận cho cán bộ từ cơ sở trở lên.

Tại trường, Hiền gặp chị Tâm người Đà Lạt. Trong kháng chiến, chị Tâm là cán bộ phong trào, tham gia công tác dân vận ở khu tam giác. Nơi đất lạ quê người, trường rất đông học viên ở các tỉnh tập trung về đây để học tập, hai chị em cùng người Đà Lạt, cùng là cán bộ đi học, nên thân thiết với nhau nhiều hơn. Chiều Chủ nhật trên bờ sông Hàn, người ta thấy 2 cô gái trong trang phục bà ba đen, đội mũ tai bèo sánh bước bên nhau. Tranh thủ ngày nghỉ, hai chị em thường rủ nhau đi chợ Cồn để mua sắm nhu yếu phẩm, Hiền đề nghị:

- Mình đi ăn chè đi chị!

- Ừ thì đi.

Bên hai ly chè đậu xanh đánh đá bốc mùi thơm lừng, chị Tâm mở lời:

- Nghe nói em trước đây công tác ở hướng Tây Bắc Đà Lạt phải không?

- Dạ! Đúng rồi chị.

- Em có biết anh Mẫn trong đội biệt động 860, người nhỏ nhắn có bộ râu quai nón, giọng nói nhè nhẹ như con gái.

- Dạ có! Em có nghe nói nhưng… chưa biết mặt.

Chị Tâm ngồi trầm ngâm nhìn dòng người đi mua sắm ngày cuối tuần, bất giác chị kể lại:

- Có thời gian anh Mẫn chuyển về công tác ở vùng tam giác. Chị và anh Mẫn là những học sinh thành phố thoát ly, nên có nhiều điểm suy nghĩ giống nhau. Thời gian sau thân nhau, anh có cho mình xem quyển nhật ký anh viết trên vùng Tây Bắc thành phố Đà Lạt… Trong đó có đoạn nói đến “Cô gái và nụ hôn”. Trong một đêm mưa dưới chân núi Lang Biang.

Nói đến đây, người Hiền nóng ran lên, mặt đỏ bừng, mồ hôi vã ra.

- Rồi sao nữa hả chị?

- Sau ngày giải phóng, anh ta có đi tìm người con gái ấy, ngặt một nỗi là không biết tên, chưa hề biết mặt. Nụ hôn đêm ấy là một kỷ niệm đầu đời của người con trai cùng chìm dần theo dĩ vãng.

Hiền gục đầu vào vai chị Tâm, nước mắt tuôn trào ướt vạt áo, thổn thức trong hơi thở:

- Người con gái ấy là em!!!

***

Nhận được tin điện thoại từ chị Tâm, Hiền lập tức thu xếp công việc gia đình ra bến xe đi về Đà Lạt, vừa về thăm nhà, vừa đi đám giỗ liệt sĩ ở thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường. Hàng năm, cứ đến hẹn lại lên, ngày 26 tháng 7, thôn Xuân Sơn thường tổ chức đám giỗ cho những người con trên mọi miền đất nước đã chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này. Đám giỗ là dịp để những người con xa Đà Lạt về hội tụ hàn huyên tâm sự sau những ngày xa cách.
 
Mẫn đang trò chuyện với chị Tâm, thấy Hiền đang tiến tới vội hỏi:

- Chào em, em về hồi nào?

- Dạ hôm qua.

Họ bắt tay nhau, chị Tâm la lên - phải ôm hôn nữa chứ! Ngày xưa không mắc cỡ, giờ này mắc cỡ nổi gì.

Mọi người ngớ ra, nhìn về phía Hiền, cô vội thanh minh:

- Em và anh Mẫn giờ là sui gia với nhau. Ngày ăn hỏi hai cháu, bọn em đã tìm hiểu và nhận ra nhau.

Tiếng vỗ tay hoan hô, lời chúc mừng hai gia đình anh sui, chị sui hạnh phúc, vui vẻ.