Thêm khẳng định về giá trị Di sản Tư liệu thế giới Mộc bản Triều Nguyễn

LÊ HOA 06:01, 25/05/2023

Ngày 25/5/2023, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Lễ công bố khánh thành Dự án “Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới” hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam IV tại Đà Lạt, Lâm Đồng (thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) do Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ (Ambassador’s Fund for Cultural Preservation - AFCP) tài trợ.

Những tấm mộc bản sau khi được xử lý bảo tồn cho thấy các chữ sắc nét, không có hiện tượng nhòe chữ, đảm bảo khả năng in dập của mộc bản
Những tấm mộc bản sau khi được xử lý bảo tồn cho thấy các chữ sắc nét, không có hiện tượng nhòe chữ, đảm bảo khả năng in dập của mộc bản

GIÁ TRỊ KHỐI DI SẢN TƯ LIỆU MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN 

Mộc bản Triều Nguyễn là khối di sản quý, có giá trị trên nhiều phương diện như lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn hóa thời kỳ cận đại; ghi chép về việc giao thương kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Ngoài giá trị về mặt sử liệu, tài liệu mộc bản còn có giá trị về nghệ thuật chế tác, thể hiện sự phát triển nghề khắc in bản gỗ của nền văn minh, văn hóa nhân loại. Chính vì vậy, Mộc bản Triều Nguyễn đã được UNESCO xếp hạng trong di sản tư liệu thế giới ngày 31/7/2009. Mộc bản Triều Nguyễn cũng là Di sản Tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.

Hiện nay, Mộc bản Triều Nguyễn đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam IV, gồm 34.555 mộc bản khắc chữ Hán. Nội dung của Mộc bản Triều Nguyễn phong phú, đa dạng, phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam thời Nguyễn; được khắc trên gỗ và được sử dụng để in sách ở Việt Nam trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Mộc bản Triều Nguyễn được tạo ra trong quá trình hoạt động của nhà Nguyễn và được sử dụng để nhân bản tư liệu nhằm phổ biến các chuẩn mực xã hội; đồng thời, cũng được sử dụng để ghi chép thành tích của các vị vua, các sự kiện lịch sử, các sự kiện trong tương lai, binh biến…

Tuy nhiên, số mộc bản này liên tục giảm sút cả về chất lượng và số lượng do ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên, khí hậu nhiệt đới, các hoạt động của nấm và côn trùng qua nhiều thế kỷ. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động để bảo vệ các tài liệu mộc bản này, như: cải tạo nhà kho, loại bỏ các tạp chất và nấm mốc trên bề mặt gỗ... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm cần sự tham gia, đóng góp của cộng đồng xã hội trong việc kéo dài tuổi thọ của tài liệu này.

DỰ ÁN “BẢO TỒN KHẨN CẤP MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN - DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI”

Khoản tài trợ trị giá 88.209 USD (hơn 2 tỷ đồng) cho Dự án “Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới” đã chính thức được Quỹ Bảo tồn Văn hóa Đại sứ Hoa Kỳ 2020 thông qua vào tháng 7 năm 2020, nhằm bảo tồn 500 Mộc bản Triều Nguyễn đã xuống cấp đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV là một minh chứng cho chất lượng của đề xuất và tầm quan trọng của Mộc bản Triều Nguyễn đối với di sản tư liệu thế giới.

Với hiện trạng cần phục hồi, gia cố 2.355 tấm mộc bản do bị nứt nhiều; 2.418 tấm mộc bản suy thoái do mối mọt, nấm mục; 108 tấm mộc bản không xác định được nội dung do nấm, mối mọt, Dự án “Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới” đã xác định, đánh giá tình trạng hư hỏng của 500 tấm mộc bản bị mủn mục do nấm mốc, mối mọt do không áp dụng đầy đủ các biện pháp bảo quản lần đầu tiên được đề xuất; khẩn cấp xử lý bảo tồn, trùng tu 500 tấm Mộc bản Triều Nguyễn đã xuống cấp nhằm đảm bảo tính nguyên vẹn và vẻ đẹp của mộc bản; nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý di sản và người dân địa phương trong việc bảo tồn di sản. 

Kể từ khi khoản tài trợ được thông qua (tháng 7/2020), nhóm kỹ thuật đã tiến hành khảo sát, xác định, đánh giá mức độ hư hỏng của 500 tấm Mộc bản Triều Nguyễn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (từ tháng 8/2020 đến tháng 10/2020). Vào tháng 11/2020, hội thảo về xác định phương thức bảo tồn và phục hồi các Mộc bản Triều Nguyễn bị mủn mục; thu hút sự tham gia của 10 chuyên gia về bảo tồn gỗ, bảo tồn gỗ di sản, các nhà quản lý và hơn 20 cán bộ địa phương.

Từ tháng 1/2021 đến hết tháng 8/2021, nhóm kỹ thuật đã tiến hành xử lý bảo tồn 500 tấm Mộc bản Triều Nguyễn bị mủn mục lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. Vào tháng 11/2021, Hội nghị đánh giá và tổng kết các kết quả lưu trữ của dự án đã được tổ chức. Theo quy trình xử lý kỹ thuật, 500 mộc bản mủn mục đã được xử lý kỹ lưỡng bởi phương pháp tương tự xử lý mộc bản tiêu chuẩn đã được nghiên cứu và sử dụng ở nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp,… giúp ngăn chặn sự suy thoái của mộc bản, tăng độ cứng, đảm bảo khả năng khai thác thông tin (sử dụng và in ấn); góp phần vào việc phục chế, gia nhập tài liệu mộc bản…

Bảo tồn gỗ khảo cổ là một vấn đề khó ở Việt Nam. Điều này là do các phương pháp bảo quản chung không thể áp dụng cho các loại gỗ nhiệt đới của Việt Nam, do đó cần phải có phương pháp xử lý bảo quản thích hợp. Nghiên cứu tiền khả thi này nhằm thiết lập công nghệ bảo quản phù hợp cho tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn.

TS Nguyễn Đức Thành - chuyên gia Việt Nam về bảo tồn gỗ di sản, tham gia Dự án, cho biết: Nghiên cứu thực hiện trên 52 mẫu khắc gỗ bị mất biểu tượng chạm khắc nhiều nhất trên bề mặt để xây dựng phương pháp bảo tồn. Các phép đo về các đặc tính vật lý và hóa học của các mẫu gỗ cho thấy mức độ thoái hóa gỗ rất khác nhau. Qua xử lý, cho thấy, các tính chất cơ lý của gỗ được cải thiện đáng kể. 500 mộc bản xuống cấp được phân thành hai nhóm hư hỏng: 114 mộc bản hư hỏng nặng (chiếm 22,8%) và 386 mộc bản hư hỏng trung bình (chiếm 77,2%); phương pháp xử lý bảo tồn mộc bản mủn mục phù hợp đã được đề xuất; đã tiến hành xử lý bảo tồn 500/500 tấm mộc bản như cam kết.

Các tấm mộc bản sau quá trình xử lý hóa học được hong phơi, xử lý hoàn thiện (xử lý vết nứt, vết côn trùng,..). Kết quả cho thấy độ cứng vững của mộc bản được tăng lên đáng kể. Mộc bản sau khi được xử lý bảo tồn vẫn đảm bảo khả năng in dập của mộc bản, các chữ sắc nét, không có hiện tượng nhòe chữ.

Dự án “Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới” còn có ý nghĩa quan trọng trong việc rèn luyện kỹ năng bảo quản mộc bản cho các cán bộ phụ trách bảo quản Mộc bản Triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, phát huy giá trị của di sản. Công tác bảo tồn, phục hồi mộc bản bị hư hỏng sẽ khôi phục những thông tin còn thiếu để bổ sung vào cơ sở dữ liệu Mộc bản Triều Nguyễn phục vụ khai thác, sử dụng vào các mục đích khác nhau của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc triển khai dự án sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp về giá trị của mộc bản đối với xã hội Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế…