Kỷ vật vô giá

Truyện ngắn: VÕ THU HƯƠNG 06:04, 25/05/2023
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Cuối cùng, bố tôi cũng trở lại. Gương mặt ông có phần nhàu nhĩ, đen sạm. Đi bên cạnh ông là người đàn bà gầy xanh đang ôm đứa nhỏ đỏ hon hỏn. Ngực dì ấy căng tròn, sữa rịn ra thành khoang vệt, chỗ khô chỗ ướt loang lổ trên áo. Đứa nhỏ đang nhắm mắt ngủ, thi thoảng ngọ nguậy, mồm miệng há hốc. Thằng bé không khóc một tiếng, mẹ nó không nói một tiếng. Trông thật nhếch nhác. Ông lệnh cho cả nhà không được làm dì buồn. Con Thắm vừa bĩu môi, ngay lập tức bị ông vả bốp vào mặt, vừa bỏ chạy vừa khóc tức tưởi. Ánh mắt mẹ có chút phẫn nộ khi ông dang tay đánh nó, rồi trở lại điềm nhiên như không. Bà có vẻ không ngạc nhiên, không giận dữ, không buồn phiền. Hoặc có khi nhiều cảm xúc trộn lẫn quá khiến gương mặt mẹ trở nên như vậy. 

Để tỏ ra lời nói của mình có quyền uy hơn, bố thi thoảng lại trỏ tay vào góc nhà, nơi ông vẫn cất can xăng để sẵn phòng khi cần dùng: “Đứa nào không nghe lời, tao đốt”. Tối ấy, mẹ gọi 3 chị em chúng tôi ra riêng góc bếp. Giọng bà dịu nhẹ: “Hoa, Huệ, Thắm à, cũng cùng một giống mà ra, tụi bây phải thương lấy thằng bé. Nhà mình 3 đứa con gái, kể ra có thêm thằng cu em vui cửa vui nhà”. Nói vậy, khó mà thương nổi, vui nổi khi một tay mẹ đong đổi buôn bán chợ búa chỉ nuôi 3 đứa con gái còn vất vả. Giờ lại thêm bố chỉ ngồi uống rượu, thêm dì đang thời gian ở cữ và đứa nhỏ còn ẵm ngửa. Việc có vẻ nặng nhọc nhất bố vẫn giúp mẹ hàng ngày là tưới rau trong vườn. Từ trước tới giờ, bố tôi nổi tiếng cả xóm vì đẹp trai và lười biếng. Làm đâu đó được 1, 2 hôm ông lại cự cãi với chủ, với người làm cùng, cho rằng họ không đáng ngồi chung mâm. Tương lai lù mù y như ánh sáng hắt ra từ vệt trăng đầu tháng chênh chếch trước căn nhà lợp lá dừa. 

Mỗi sáng, cho thằng Giàu (tên nó là mơ ước của bố) bú no nê, dì vắt thêm non nửa bát sữa, đậy cái vung nồi đen đúa lên. Dì dặn tôi lúc nào em khóc thì cho nó uống rồi tranh thủ ra chợ phụ mẹ và chị Hoa bán rau. Con Thắm vẫn thường lỉnh đi đâu đó trốn việc trông em vì ghét thằng nhỏ và dì ra mặt. Không ít hôm, dì trở về với vạt áo trước ngực lem nhem sữa, vạt quần phía sau vệt đỏ vì sản dịch vẫn chưa hết. Trong khi mẹ tôi thương dì vất vả, tội nghiệp thì mấy chị em tôi, đứa bĩu môi, đứa nghe tai này bỏ tai kia. Cảm giác của tôi lúc ấy là ghê ghê vì ngại bẩn. Thậm chí tôi còn cố tránh xa dì để không nghe mùi mồ hôi, mùi sữa, mùi tanh tanh quện vào. Cho tới nhiều năm sau, tôi cũng như hết thảy người dân trong xóm không hiểu nổi sao mẹ tôi thương tình địch đến vậy. 

Mẹ thương dì một thì thương thằng nhỏ mười. Ban đầu, tôi chợm nghĩ, sao bà phải nhún nhường tới vậy? Chẳng lẽ vì cần một thằng con trai nối dõi cho gia đình người chồng vô tình vô nghĩa như bố? Hay vì đúng như bà nói là chữ duyên chữ nợ giữa bà với thằng bé. Khác với nhiều đứa nhỏ, thằng Giàu ít khóc, đặt đâu nằm đó. Ai cũng kêu nó ngoan hiền, biết thân biết phận nhưng té ra không phải. Hôm nó sốt trên 39 độ, mẹ và dì sấp ngửa bế đi viện giữa đêm. Sáng hôm sau về lại nhà, dì ném nó ra giữa đống chăn gối hoi hoi mùi mồ hôi giữa giường rồi nằm vật ra khóc. Thằng nhỏ ngọ ngoạy chút xíu xong lại ngoẹo đầu qua ngủ. Mấy chị em tôi len lén sau cánh cửa dòm vô. Giọng dì gào than hờ hờ: “Đúng cái số giời đày. Khổ đến vậy chưa đủ còn ôm thêm cụ nợ đời”. Giọng mẹ bình tĩnh hơn, mỏi mệt nhưng cam chịu đến tội: “Số nó vậy, đành chịu. Con mình, mình không thương, ai thương hở em?”. Dì lại ai oán: “Ai cũng nói nó hiền, không quấy khóc. Giời ạ, nó bị down, đặt đâu nằm đó, biết gì mà quấy”. Hóa ra, không phải nó lành như cục đất mà lên bệnh viện bác sĩ khám mới biết nó bị down. 

* * * * *

Thằng Giàu được 6 tháng, dì chán cảnh chồng chung vợ chạ lại thêm thằng nhỏ bệnh hoạn, bỏ nhà đi. Hôm dì đi, mẹ tôi mắt ầng ậng nước khi ôm thằng nhỏ khóc khan vì đói sữa. Giọng mẹ buồn thiu: “Tội con trai tôi chưa. Bé tí vậy mà con mẹ con nỡ bỏ”. Bố gằn giọng, hỏi: “Bà nhắm nuôi nổi không?”. Mẹ không trả lời lại, quay mặt rúc vào cần cổ ngắn tũn của thằng Giàu. Lần đầu tiên tôi thấy bố đặt tay lên vai mẹ, thái độ hàm ơn và chia sẻ. Mấy chị em tôi rù rì nói chỉ đủ mẹ nghe: 

- Mẹ nó còn không thương nổi nó, mẹ đưa em Giàu gửi chùa đi mẹ. 

Bố ngoảnh lại. Chẳng biết bố có nghe không mà mắt u uất. Ông không trỏ tay vào can xăng hăm dọa nữa. Chỉ có mẹ, lặng vài giây, mẹ quát: “Im ngay”. Từ đó, chẳng ai nhắc tới chuyện dì bỏ đi, em Giàu đau ốm bệnh tật. Coi như sự đã rồi trong căn nhà đã nát càng thêm nát. 

Chừng hai tuần sau, đang ngủ, cả mấy chị em tôi bật dậy khi nghe tiếng mẹ la to: “Dậy, dậy! Nhà cháy!”. Mẹ, một tay ẵm em Giàu, một tay ẵm em Ngân mới vừa lẫm chẫm biết đi chạy như bay ra sân. Tôi và em Huệ lao như tên bắn theo. Mấy mẹ con đứng ở khoảng cách an toàn nhìn vào đống lửa hừng hực cháy. Hàng xóm kéo ra đông đủ ngó nghiêng. Chẳng cần dập lửa vì đằng nào cũng không cần những vách nứa đã cháy. Nhà chẳng có gì. Mọi người xì xào: “Thằng chết dằm, đã không nuôi nổi vợ con, còn nhậu say đốt nhà”. Mẹ nghe vậy ngồi sụp xuống, câm lặng và buồn thảm như pho tượng gỗ mục. 

Khi bắt đầu thấm mệt, mẹ tôi tay vẫn ôm em Giàu đang thiu thiu ngủ, chị Hoa cõng em Thắm, tôi tay xách túi đồ, tay bám lấy gấu áo mẹ. Cả đàn rồng rắn kéo nhau về nhà bà ngoại cách đó 5 cây số. Tối ấy, trong giấc ngủ mộng mị mệt nhoài, tôi còn nghe bà ngoại - vốn là người lắm lời lầm bầm rủa bố tôi là đồ mất dạy, chết dằm, chết xéo… Thi thoảng chen vào tiếng mẹ nhẹ như hết hơi: 

- Có khi ông ấy lỡ chân lỡ tay làm cháy nhà, chứ ai mà chủ đốt vợ đốt con mà bà cứ nói. Biết đâu oan cho bố chúng.

Có tiếng gà gáy sáng chen vào lời qua tiếng lại của hai người. 

Mặc bà ngoại cản ngăn, mẹ gồng gánh đưa mấy chị em vào thành phố. Tôi nhớ mãi hôm ấy, một sáng mùa thu trời đang trong xanh, đột nhiên mây xám từng chùm lờ đờ kéo nhau về vần vũ trên cao. Mẹ vẫn kéo mấy chị em đi, thằng Giàu được đặt vào nằm trong thúng, đưa qua đưa lại như đưa nôi. Mẹ tôi, lưng áo nâu vá chằng vá đụp vài miếng. Những miếng vá bằng bông vải hoa bà lượm được ở đâu đó như người ta cố ý trang trí cho đẹp, thực ra là để che giấu những miếng áo rách. Trong tay mẹ chẳng có gì đáng giá hơn vài hũ mắm muối, dưa cà, vài nắm cơm đi đường ăn. Mẹ làm thuê cho một xưởng gốm thủ công, mấy chị em tôi đứa lớn đứa bé ở nhà canh nhau. Gần một nửa tiền công mẹ kiếm được chi cho việc thuốc thang cho thằng Giàu nay ốm mai đau. Con Thắm vẫn giữ ác cảm với thằng nhỏ. Nhiều hôm chỉ ăn cơm muối vừng ngán tận cổ, nó thở dài thườn thượt nhìn thằng Giàu trách móc: “Giàu ơi là Giàu. Ăn cơm muối vừng là do mày đấy”.

Thằng Giàu lên 5, mẹ nói nó “qua đốt”. Khỏe mạnh hơn, bớt tiền thuốc thang hơn nhưng vẫn khù khờ ngu ngơ. Ai vẫy là chạy lại. Mẹ sợ nó bị người ta bắt mất, mỗi ngày dặn dò mấy con chị trông em cả chục lần. Mẹ lại dặn nó chỉ được theo mẹ, theo chị, tránh người dưng. Thằng bé ờ ờ trong cổ họng chừng như hiểu lắm nhưng thực ra vẫn chứng nào tật nấy. Thi thoảng có người chơi ác, vẫy nó theo, bỏ nó xa nhà cả mấy trăm mét, báo hại mấy mẹ con tái mặt đi tìm. Tuổi thơ tôi không tránh khỏi những cái giật mình đến ám ảnh mỗi bận tưởng thằng em khờ mất tích.

* * * * *

Những chuyện ngày xưa ấy, Thắm vẫn coi là đáng xấu hổ, buồn tủi, không đáng nhắc lại, nhưng mỗi dịp rảnh rỗi mẹ vẫn đưa ra kể lại cho mọi người nghe. Thắm chuẩn bị đi du học Singapore, trong hành trang của nó chẳng muốn đưa thêm những câu chuyện nó luôn cho là vặt vãnh ấy. Chị Hoa cười cười nói nói: “Đúng là “sách cũ soạn lại” của mẹ”. Tôi nghe thuộc tới từng câu, từng chữ, từng ngắt quãng, trong lòng vẫn thấy nặng nặng. Nhất là hôm nay, lòng càng nặng hơn khi cơn mưa đầu mùa vồn vã đổ về, mẹ vừa về lại nhà sau những ngày cấp cứu tai biến phải nhập viện. Mẹ nằm thiêm thiếp ngủ nhiều hơn thức.

Ở dưới chân tủ thờ Quan Âm Bồ Tát, thằng Giàu nay đã ngoài 30, vừa thắp hương khấn vái xin bình an, vừa ngồi khóc tu tu như đứa trẻ nhỏ vì thương mẹ.

Từ những ngày chai sần hai tay vì làm mướn, gần 30 năm sau ngày dắt díu đàn con vô Nam, mẹ tôi dựng lên được cơ ngơi là ngôi nhà bốn tầng và xí nghiệp gốm sứ xuất khẩu nổi tiếng của gia đình. Mẹ không muốn mấy chị em ra riêng nên dù có chồng, con, chị Hoa và tôi vẫn cùng Thắm, Giàu ở chung với mẹ. Mỗi chị, em một tầng, cầu thang lối đi riêng nên hầu như không va chạm gì. thằng Giàu ở chung tầng với mẹ để mẹ tiện cơm nước cho nó. Thằng Giàu lại vừa khóc vừa kể tuần trước, mẹ đang nằm đong đưa trên võng xem ti vi, chẳng hiểu làm sao mà té lộn nhào xuống đất, hết đứng dậy nổi, hết nói gì nổi. Thắm long sòng sọc hai mắt, nói như rít: 

- Mày thích lắm hay sao kể hoài vậy?

Thằng Giàu đáp: 

- Tui không thích. Tui sợ mẹ chết lắm. Mẹ ơi đừng chết. 

Cả tôi lẫn chị Hoa lòng rối tơ vò. Thằng Giàu lại bó gối ngồi niệm nam mô cầu bình an. Tiếng niệm Phật chậm, đều nghe thê lương chi lạ.

Buổi sáng, luôn là thời gian dễ chịu nhất trong đại gia đình vì mẹ tỉnh giấc. Trước mẹ, chúng tôi giao kèo với nhau sẽ luôn vui vẻ để mẹ có động lực vượt qua bệnh tật, để những ngày còn lại của bà được thanh thản, nhẹ nhàng nhất. Chị Hoa bón từng thìa cháo cho mẹ. Vẻ mặt mẹ như tủm tỉm cười. Chị Hoa gọi đó là “nụ cười bà Mụ dạy”. Thằng Giàu là người kiên trì trò chuyện độc thoại trước mẹ nhất, không chắc mẹ có hiểu hay không, vẫn rủ rỉ bên bà. Thắm đang chuẩn bị đồ đoàn lên đường, miệng không ngớt kể lể rằng, nó đã vì mẹ đến mức phải hoãn lịch bay mấy lần. Ngày mai là ngày nhập học cuối cùng. 

Thằng Giàu đang nói chuyện thì bất chợt ớ người nhớ ra:

- Hồi trước mẹ có đưa em cái này gửi mấy chị em. Có khi là di chúc. Mẹ nói lúc nào mẹ bị làm sao thì đưa ra.

- Sao giờ mày mới nhớ ra hả thằng khờ? Đâu, đưa coi - Thắm giục.

Không may cho nó, thằng Giàu vốn tính thường xuyên lú lẫn, không thể nhớ ngay cái mà nó cho là di chúc để ở đâu. Con Thắm vẫn rít từng cơn chửi: “Đồ ăn hại, nhanh lên không trễ giờ bay của tui”. 

Chừng hai tiếng sau, lục tung hết mọi ngóc ngách trong phòng mẹ, phòng thằng Giàu, cả lũ vẫn tìm đi tìm lại trong vô vọng. Thằng Giàu ngồi than mình vô dụng. Con Thắm đoán già đoán non: “Hay tại mẹ chia phần cho mấy chị em mình, không chia cho nó nên nó phi tang rồi. Thằng này chỉ down nhẹ, giả khờ vậy thôi, ghê thật”. Thằng Giàu khóc nấc vì oan ức, cam đoan rằng nó không cần tranh giành, ai cho nó nhận chứ không bao giờ tranh giành. Một chốc, khóc xong Giàu lại ớ người nhớ ra nó đã giấu dưới tượng Phật bà Quan âm cho… kín đáo.

* * * * *

Đó là tờ giấy đã úa màu. Những nét chữ nghiêng nghiêng của mẹ tôi ghi rõ, gia tài của mẹ chỉ có hai phần đáng giá. Một là nhà cửa, công ty, cả 4 chị em cùng nhau gìn giữ, quản lí, sau này nếu bán đi chia đều cho tất cả. Hai là kỷ vật vô giá nằm trong ngăn dưới cùng của tủ thờ. Ai giữ cũng được, miễn là nhắm mình có thể giữ lâu dài.

Con Thắm quay qua: “Mở nhanh ra xem, tôi còn ra sân bay. Còn 5 phút thôi”. Chị Hoa trịnh trọng nói: 

- Sao khó hiểu vậy? Sao kỷ vật vô giá mà ai muốn giữ cũng được, lại phải giữ lâu dài? Chắc phải chờ mọi người về hết mới mở để có đủ người làm chứng.

- Không được. 5 phút nữa tôi phải ra sân bay - Thắm gắt giọng.

Không đợi ý mọi người, nó nhào tới cánh tủ thờ, mở ra. Ở ngăn dưới cùng, Thắm bê ra chiếc hộp gỗ cũ. Vẻ mặt nó tươi tắn trao cho chị Hoa:

- Bác cả mở ra xem nào?

Trong đó là chiếc áo nâu vá chằng vá đụp mấy bông hoa cúc ngày xưa của mẹ. Chiếc áo ấy mẹ mặc ngày mấy mẹ con dắt díu nhau vào Nam. Con Thắm bĩu môi thất vọng: “Rõ rỗi hơi”. Nó quày quả kéo va li bước nhanh ra khỏi nhà. Mấy chị em còn lại im lặng, mỗi người đuổi theo một cảm xúc. Gần đó, mẹ vẫn như cười tủm tỉm - nụ cười bà Mụ dạy, không rõ buồn vui.

Chỉ thằng Giàu là sung sướng reo lên: “Cho em giữ nha các chị. Em giữ lâu lắm, lâu suốt đời luôn”.