Nỗ lực xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật ở Đơn Dương

THÚY NGÀ 06:16, 12/04/2023

Hoạt động văn học, nghệ thuật ở Đơn Dương góp phần giáo dục, bồi đắp “chân-thiện-mỹ” cho Nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật lành mạnh, cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện.

Đơn Dương là địa phương giàu truyền thống văn hóa và cách mạng; Nhân dân có tín ngưỡng đa thần, với sự “hội tụ” tinh hoa, văn hóa của nhiều vùng, miền, cùng với văn hóa bản địa.

Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Đơn Dương ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa, xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nhằm tăng cường lãnh, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X).

Đặc biệt, 15 năm qua, hoạt động văn học, nghệ thuật ở huyện Đơn Dương tiếp tục có bước phát triển theo định hướng “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc” đã góp phần cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân trong huyện phấn khởi, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới, triển vọng tốt đẹp của dân tộc, quyết tâm chung sức thực hiện chủ trương giữ vững và nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới - xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Đơn Dương hiện có 104 câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ ở các thôn, tổ dân phố; 1 CLB “Bạn yêu nhạc” với 40 hội viên, sinh hoạt giao lưu vào các tối thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần; 1 CLB “Thơ, nhạc” với 18 hội viên, sinh hoạt vào các ngày lễ lớn trong năm; hình thành các CLB sáng tác thơ của Hội Người cao tuổi xã Tu Tra, Đạ Ròn, Ka Đô. Đồng thời, Đơn Dương luôn chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số như ngôn ngữ, chữ viết của người Churu, K’Ho; phục hồi các chương trình văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V; tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu văn hóa truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số trong chương trình không gian “Hội tụ và lan tỏa” Tuần lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng. 

Phát huy vai trò của các đoàn thể trong triển khai xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình điểm được triển khai như “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh”; Mô hình “dân vận khéo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với xây dựng nông thôn mới”; “Lực lượng vũ trang chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Sau 3 lần lỗi hẹn do dịch bệnh COVID-19, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 - năm 2023 với chủ đề “Giai điệu mới” được tổ chức trang trọng gồm 15 tác phẩm thơ phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ca ngợi quê hương Đơn Dương, hướng người đọc vươn tới “chân, thiện, mỹ” nhằm xây dựng quê hương Đơn Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Có thể khẳng định, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) và Chương trình hành động số 69-CTr/TU, ngày 24/10/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên, quan tâm đến các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng; thực hiện việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện có lúc, có nơi chưa được thường xuyên; công tác quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa còn hạn chế; số lượng tác phẩm ra đời và có giá trị về nội dung nghệ thuật còn ít, chất lượng sáng tác còn thấp, tác động giáo dục đến đời sống xã hội chưa cao.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường, cuộc cách mạng 4.0, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đặc biệt, sự phát triển vượt bậc của mạng xã hội là điều kiện phát triển, giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa các nước; những sản phẩm văn hóa phẩm thiếu lành mạnh, độc hại sẽ xâm nhập vào đời sống, tác động đến con người,... Những yêu cầu mới đặt ra khi thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng xã hội số sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động văn học, nghệ thuật.

Trước tình hình đó, các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện Đơn Dương tiếp tục xác định văn học, nghệ thuật luôn là một “binh chủng đặc biệt” trên mặt trận tư tưởng của Đảng; quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, văn học, nghệ thuật; chăm lo, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sỹ; tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ văn hóa, văn nghệ sỹ phát huy tài năng, trí tuệ, tâm huyết cống hiến, sáng tạo. Coi trọng công tác bảo vệ, giữ gìn, phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc; khôi phục và phát huy các lễ hội, làng nghề, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các dân tộc, các địa phương trên địa bàn huyện; khuyến khích, động viên văn nghệ sỹ, hội viên chi hội tích cực sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm để có nhiều tác phẩm, công trình có giá trị. Phát huy vai trò hoạt động của các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng; vai trò phổ biến, truyền dạy của các nghệ nhân Nhân dân.