Chiếc gùi của em

TRẦN ĐẠI 06:11, 13/04/2023
Đường về
Đường về

Mấy năm trước, tôi xin đi theo K’Pộp người K’Ho lên rẫy. Trên đường đi, anh giao cho tôi mang chiếc gùi để gùi khoai giống trồng cho vụ mới, do không quen cõng gùi trên lưng, nên mỗi khi trèo lên hoặc xuống đồi, tôi phải ngồi bệt ra thở dốc. Trong khi Ka Gụt - vợ anh, cũng mang gùi nhưng bước đi khoan thai nhịp nhàng mà có phải ít đâu, trong gùi Ka Gụt có một con chó con, một nãi chuối lớn, một bịch bắp giống, gạo, muối và vài chai nước. Đến lượt về, chị lại mang củi, bó đót, măng rừng, lá bép... nhưng bước đi vẫn rập rình, chiếc gùi sau lưng nhấp nhô theo bờ vai của chị. Đi phía sau Ka Gụt, tôi mới nhận ra rằng, chiếc gùi tre không những tăng thêm vẻ đẹp sơn nguyên cho các chị, các em ở vùng cao mà còn cõng theo cả cuộc sống đời thường cho một gia đình. Và chỉ có gùi mới có thể đồng hành với con người khi lội qua suối, trèo lên đồi dốc hoặc len lỏi dưới tán cây giữa rừng núi đại ngàn.

Bây giờ, khi đến những vùng nông thôn ở Tây Nguyên rất khó đoán khu nào của người miền xuôi hoặc khu nào của người vùng cao, vì phần lớn đều là nhà xây cấp 4 được thiết kế gần giống nhau và khi đi vườn, ai cũng đi xe máy đội mũ bảo hiểm, sau lưng mang theo chiếc gùi. Phụ nữ người miền xuôi sống ở vùng cao không biết tự bao giờ, đôi quang gánh không còn kẻo kẹt trên vai như xưa nữa, khi vào vườn hái cà phê hoặc hái chè, họ đều mang gùi như dân bản địa. Tuy nhiên, khi được vào trong nhà sẽ phát hiện ra ngay, nhà của người Kinh chiếc gùi bỏ nằm lăn lóc quanh nhà, còn dân bản địa chiếc gùi được đặt trên giàn bếp tiếp tục hun khói cho bóng mịn vừa để kéo dài tuổi thọ vừa để chống mối mọt hàng ngày. 

Chiếc gùi gắn chặt trong đời sống của người Tây Nguyên từ bao đời nay, chúng đã trở nên một thành viên trong gia đình, luôn luôn song hành với mọi người khi lên vườn, ra chợ hoặc đi thăm người ốm. Chiếc gùi chia sẻ mọi khó nhọc hàng ngày, chúng ngoan ngoãn nằm sau lưng một cách im lặng nhưng biết được vui buồn của người chủ nó. Đối với người Tây Nguyên, mừng em bé đầy năm được tặng một chiếc gùi, lúc chập chững biết đi mẹ bỏ vào gùi mang đi rẫy, khi được vài tuổi, cha mẹ đan cho chiếc gùi nhỏ nhắn khoác lên vai để làm quen với rừng núi, khi lớn lên mang gùi đi rẫy, lúc bệnh đau mang gùi đi thăm nhau rồi đến khi trở về với đất cũng được chia một chiếc gùi nằm chơ vơ trên mộ. Có thể nói, chiếc gùi là một vật dụng thân thiết gắn cả số phận đời người.

Để làm được một chiếc gùi đẹp, bền chắc có họa tiết hoa văn cũng rất công phu. Nghệ nhân đan gùi gần như dồn hết tình cảm, thêu dệt ước vọng của mình qua từng lạt tre, sợi mây, họa tiết như một lời gởi gắm cho thế hệ mai sau, nhất là gùi tặng. Ngày xưa không có nhiều quà tặng như bây giờ, nên thông qua chiếc gùi, người đan muốn con cháu hoặc người thân tiếp nối truyền thống cần cù siêng năng. Để đan một chiếc gùi, trước hết phải vào rừng chọn tre lồ ô, dây mây, thẳng đẹp không quá già cũng không quá non, rồi phải chờ đợi đến đêm không trăng mới mò mẫm vào rừng chặt mang về. Theo kinh nghiệm của già làng, vào thời điểm ấy, tre và mây không bao giờ bị mối mọt. Sau đó mang về cắt ra từng đoạn rồi chẻ thành lạt, vót thật nhẵn mới đem đi ngâm bùn cho đến khi thân lạt dẽo ra mới đan gùi được. Gùi có nhiều loại, loại dùng cho ca múa lễ hội, loại tặng cho đứa con hay đứa cháu đầu lòng vào dịp lễ thổi tai, loại cho phụ nữ và loại dành cho đàn ông. Vì vậy, mỗi loại gùi đều có họa tiết và dáng vẻ phù hợp với con người và trời đất. Chiếc gùi không chỉ là vật dụng thuần túy mà còn là hình tượng trang trí, nó không thể thiếu trong các dịp lễ hội. Trước đây, mỗi khi cúng thần lúa, bến nước bà con thường đặt một chiếc gùi ở gần bàn thờ để chứa đồ cúng như thịt heo, thịt gà, tấm thổ cẩm. Đặc biệt, trong lễ cúng bến nước luôn có 7 người phụ nữ mang gùi múa bên bàn lễ. 

Ngày xưa cho đến bây giờ, một gia đình ở sơn nguyên khi đi rừng hay làm rẫy, người chồng mang xà gạc đi đầu, người vợ phía trước địu con, sau lưng mang gùi chứa gạo, mắm, muối, vài con chó nhà chạy quanh thỉnh thoảng kêu ăng ẳng là hình ảnh của một gia đình cư dân bản địa. Chiếc gùi vừa là một công cụ vận chuyển vừa là một tủ chứa thức ăn hàng ngày, khi đi chợ mang theo trong gùi như: cây ngo, mật ong rừng, quả bí, trái bầu để bán, đến khi về, chiếc gùi chứa các món khác như: bột giặt, mắm, muối hoặc quần áo may sẵn...

Thời còn làm phiên dịch cho các chuyên gia Nhật làm Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, chiều chiều đi trên Quốc lộ 55 từ Lộc Nam (Bảo Lâm) về Bảo Lộc. Vào những lúc sắp hoàng hôn, tôi thường gặp 5 hoặc 7 người phụ nữ K’Ho gùi bó củi cao gần cả mét trên vai nhoài người về phía trước, chân bước rập rình như đội hình người lính trong lễ duyệt binh. Họ đi yên lặng, thẳng hàng ngay sát bờ cỏ ven đường. Gần như chưa bao giờ người ta thấy họ đi hàng hai, hàng ba đùa giỡn với nhau ở lòng đường. Những người phụ nữ vùng cao tôi gặp dù trên nương rẫy hay trên đường về họ vẫn mang gùi đi trong lặng lẽ không một tiếng nói, giọng cười, cũng không biết họ vui hay buồn. Họ mang sau lưng đầy cà phê, trà, họ mang tâm sự của cả đời người từ quá khứ đến hiện tại, mang cả nền văn minh lúa rẫy đến nền văn minh cây công nghiệp dài ngày. Trên Tây Nguyên hôm nay, nơi nào có người ở là nơi đó có gùi, nơi nào có tượng đài là nơi đó có người phụ nữ mang chiếc gùi, chiếc gùi màu đen bóng lồng lộng giữa ngã năm, ngã bảy trong thị tứ, nơi nền văn minh liên tục tiến về phía trước. 

Ở Bảo Lộc, giữa cánh đồng chè xanh bạt ngàn ấy có hàng trăm cô gái hay phụ nữ không phân biệt Kinh hay thượng đều đội nón lá mang sau lưng chiếc gùi tre, hai tay thoăn thoắt hái chè, bóng họ ngã trên nương chè xanh mướt như một sức sống mãnh liệt giữa đất và người. Đến nay, ở thế kỷ 21 rồi, khi mà máy móc đã đang thay thế con người cày vỡ đất hoang, xe múc tạo hàng để trồng cà phê, trồng chè nhưng vẫn không thể thay thế chiếc gùi tre trên lưng người phụ nữ. Ngay tại thành phố, các khu du lịch cũng dựng cảnh miền sơn cước với nhà sàn, cối chày giã gạo và nơi ấy còn có dịch vụ cho thuê cả bộ quần áo sơn nữ mang chiếc gùi trên vai để chụp ảnh. Rõ ràng, chiếc gùi tre Tây Nguyên là văn hóa, là hồn thiêng của cha ông. Chiếc gùi không còn là của riêng người vùng cao mà là tài sản của cả dân tộc.

Vẫn biết là thế. Nhưng khi nền kinh tế thị trường tràn vào Tây Nguyên, phủ sóng lên cây chè và cây cà phê, rất nhiều người dân bản địa và người miền xuôi trở thành tỉ phú và không ít trong số ấy hình ảnh chiếc gùi mà họ đã từng mang dần dần trở thành kỷ niệm. Ngày nay, con em của các nghệ nhân đan gùi nổi tiếng ngày xưa không còn chờ đến ngày không trăng vào rừng chặt tre, chặt mây để về ngồi đan hoặc gởi gắm ước vọng của mình vào chiếc gùi nữa, người ta dùng tiền đi mua những chiếc gùi chạy theo số lượng với kiểu dáng vô hồn. Nhìn chiếc gùi thô, không có hoa văn, họa tiết, cảm thấy mất đi lời thì thầm của những ước vọng mà tiền nhân dành cho con cháu. Vì thế, để bảo tồn bản sắc văn hóa Tây Nguyên, Nhà nước tổ chức những lớp đan gùi, mời những nghệ nhân, những già làng nổi tiếng truyền dạy lại cách đan gùi cho một số buôn làng để thế hệ trẻ biết được nét đẹp truyền thống của bộ tộc mình. 

Cho dù chiếc gùi cải tiến chạy theo kinh tế thị trường, nhưng phần đông phụ nữ ở nông thôn Tây Nguyên tuổi từ 16 trở lên cả người Kinh lẫn người vùng cao vẫn mang chiếc gùi tre hàng ngày đi chợ, đi vườn, còn lớp trẻ thời nay đầu đội mũ bảo hiểm, vai mang chiếc gùi chạy xe máy như mang cả đời mình đi phố. Tôi nhớ lúc chia tay vợ chồng K’Pộp, Ka Gụt nói với tôi: “Em dặn ông xã nhà em, nếu sau này em chết, nhớ mang chiếc gùi đặt trên mộ em. Vì nó là người bạn thân nhất đã theo em cả một đời, vui buồn sớm tối, em với nó có nhau”.