Bâng khuâng Hiền Lương

THÀNH NAM 08:30, 29/04/2023

Quảng Trị những ngày tháng Tư lịch sử, chiều rơi nhẹ. Đôi bờ Hiền Lương thanh bình. Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương trầm mặc. Trong kháng chiến, nơi đây đã ghi dấu nỗi đau của đất nước. Hôm nay, về với cầu Hiền Lương, sông Bến Hải để nghe con nước thổn thức, để thấy cuộc sống hồi sinh và để nghe ký ức ngày xưa vọng về.

Cầu Hiền Lương khơi dậy khát vọng hòa bình trong mỗi người dân
Cầu Hiền Lương khơi dậy khát vọng hòa bình trong mỗi người dân

Chiều Hiền Lương như tranh, dòng người vẫn hướng về vùng đất của một thời hoa lửa. Nếu như Địa đạo Vịnh Mốc làm cho khách tham quan đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, Thành cổ Quảng Trị lấy đi bao nước mắt bởi những bức thư ân tình thời chiến thì cầu Hiền Lương, sông Bến Hải khơi dậy khát vọng hòa bình trong mỗi chúng ta. Có lẽ, trong mỗi người dân Việt Nam, dù không sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị nhưng mỗi lần đặt chân đến nơi đây cũng đều cảm thấy quen thuộc với cụm di tích này. Bến Hải và Hiền Lương - địa chỉ thân quen ấy lại làm cho trái tim của mỗi người con đất Việt bâng khuâng những cung bậc cảm xúc, là một chứng tích với nỗi đau chia cắt đất nước. 

Về cầu Hiền Lương, sông Bến Hải để nghe những câu chuyện ngày xưa, những đau thương chất chứa, nghe những điều chưa trôi về phía cũ. Di tích Đôi bờ Hiền Lương là tên gọi cho cụm di tích nằm hai bên bờ cầu Hiền Lương. Bờ Nam của cụm di tích thuộc thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, bờ Bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh. 

Ngược miền quá khứ, Hiệp định Geneva ký kết vào năm 1954, đất nước tạm thời chia đôi tại vĩ tuyến 17. Với hiệp định này, sau hai năm, hai miền Nam - Bắc của Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sự thật không diễn ra như vậy, Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa muốn biến miền Nam - Việt Nam thành một quốc gia riêng lẻ, độc lập. Không còn là tạm thời như trong hiệp định, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải đã trở thành nhân chứng chia cắt đất nước ta suốt hơn 20 năm ròng rã. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm. 

Cầu Hiền Lương đầu tiên được xây dựng năm 1928, do phủ Vĩnh Linh huy động Nhân dân trong vùng đóng góp công sức. Cây cầu này được làm bằng gỗ, đóng cọc sắt, rộng 2 m, trọng tải chỉ đủ cho người đi bộ. Năm 1931, cầu được Liên bang Đông Dương sửa chữa lại nhưng xe cộ muốn qua sông thì vẫn phải đi bằng phà. Năm 1943, cầu được nâng cấp thêm một lần nữa, lúc này xe cơ giới loại nhỏ có thể qua được. Đến năm 1950, do nhu cầu quân sự, Pháp đã cho xây lại cầu bằng bê tông cốt thép, dài 162 m, rộng 3,6 m, trọng tải 10 tấn. Cầu Hiền Lương tồn tại được hai năm thì bị du kích Việt Minh đặt bộc phá đánh sập để ngăn chặn sự tiến công của người Pháp. Tháng 5 năm 1952, Pháp xây lại một chiếc cầu mới gồm 7 nhịp, dài 178 m, trụ bằng bê tông cốt thép, mặt lát bằng gỗ, rộng 4 m, hai bên có thành chắn cao 1,2 m, trọng tải cầu tối đa là 18 tấn. Cầu chia làm hai phần, mỗi bên dài 89 m, sơn hai màu khác nhau. Nửa cầu thuộc miền Nam (ở bờ Nam) sơn màu vàng, nửa cầu thuộc miền Bắc (ở bờ Bắc) sơn màu xanh, ranh giới giữa 2 phần cầu là một vạch trắng kẻ ngang rộng 1 cm.

Cụm di tích cầu Hiền Lương, sông Bến Hải hôm nay vẫn còn đó những công trình chứng tích của chiến tranh. Hiện, tại cụm di tích này, chính quyền tỉnh Quảng Trị cho xây dựng các công trình để người dân và du khách tham quan. Cột cờ Hiền Lương là một trong những công trình nổi bật nơi cụm di tích. Cột cờ này chính là công trình mô phỏng cột cờ của chính quyền cách mạng đã dựng ngày trước. Được làm bằng ống thép, phía trên cùng là hình ảnh lá cờ Tổ quốc sao vàng 5 cánh.

Mỗi một công trình tại cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương đều có những giá trị lịch sử khác nhau, làm cho khách tham quan xúc động và gợi nhớ về một thời đau thương nhưng hào hùng của đất nước. Đến với di tích Đôi bờ Hiền Lương, chúng ta sẽ được trở về một thời ác liệt của cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Ngoài những công trình trên thì nơi đây còn có tượng đài “Khát vọng thống nhất”, Nhà trưng bày vĩ tuyến 17, Nhà liên hợp... cũng là nơi ghi dấu ấn trong lòng du khách. 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra vô cùng ác liệt, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải là chứng tích của một thời hào hùng. Ngoài những trận chiến giữa quân đội ta và địch, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương còn chứng kiến những cuộc chiến không tiếng súng đầy cam go. Những năm tháng chia cắt đất nước, cuộc chiến về màu sơn, cuộc chiến chọi cờ và cuộc chiến âm thanh tại hai bờ giới tuyến vẫn diễn ra căng thẳng. Đây là biểu hiện sinh động cho chủ nghĩa yêu nước, tinh thần bất khuất của một dân tộc anh hùng.

Mùa hạ về, nắng cứ sóng sánh trên vai người lữ khách. Đâu đó những đoàn người vẫn hướng về cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Hôm nay, non sông liền một dải, Hiền Lương và Bến Hải đã vui nhịp hòa bình. Sứ mệnh của cầu Hiền Lương, sông Bến Hải giờ đã khác xưa. Hiền Lương, Bến Hải không chỉ là điểm đến mà nơi đây sẽ làm cho chúng ta dày thêm truyền thống cách mạng và ý chí Việt Nam.