31 tác phẩm mỹ thuật về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

QUỲNH UYỂN 15:19, 28/04/2023

(LĐ online) - Sau 15 ngày diễn ra tại Đà Lạt, sáng 28/4, Trại sáng tác Mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng) tổ chức đã bế mạc.

Trao giấy chứng nhận tham dự trại sáng tác cho các họa sĩ

Tham dự trại viết có 16 họa sĩ trong và ngoài Quân đội là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; trong đó, có 4 họa sĩ đang công tác tại các đơn vị Quân đội, 5 họa sĩ là cựu chiến binh, 3 họa sĩ là giảng viên các trường văn học - nghệ thuật; 5 họa sĩ là Chi hội trưởng Hội Mỹ thuật tỉnh, thành phố, Chủ nhiệm CLB sáng tác - Hội Mỹ thuật Việt Nam; 4 họa sĩ nữ, cao tuổi nhất 71 tuổi; trẻ tuổi nhất 35 tuổi. Nhiều họa sĩ đã có bề dày thời gian gắn bó, cống hiến với hoạt động mỹ thuật Quân đội, đạt nhiều giải thưởng trong sáng tác mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng.
 Với tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, nhiệt tình say mê sáng tạo, các họa sĩ đã sáng tác được 31 tác phẩm được thể hiện bằng các chất liệu sơn dầu, acrylic và khắc gỗ mộc bản. Các tác phẩm bám sát chủ đề, giàu ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, có ngôn ngữ biểu đạt phong phú.

Trao giấy chứng nhận tham dự trại sáng tác cho các họa sĩ

Nhiều tác phẩm khắc họa đậm nét tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến nhưu: “Binh trạm Trường Sơn” (Nguyễn Thị Bích Hồng), “Đặc công Rừng Sác” (Trịnh Bá Quát), “Căn cứ rừng chàm An Giang” (Đinh Công Khải), “Đường tới Dinh Độc lập” (Nguyễn Hải Nghiêm)... Một số tác phẩm tái hiện khoảnh khắc của thời chiến tranh, như: “Ký ức của họa sĩ” (Bùi Thị Ngoan), “Người đẹp thời chiến” (Nguyễn Hải Nghiêm).
Nhiều tác phẩm phản ánh hoạt động của bộ đội trong trên các lĩnh vực công tác như: “Những người lính canh trời” (Vũ Quý), “Đảo chìm” (Đào Hoa Vinh), “Dáng núi” (Nguyễn Tuấn Long), “Nắng biên cương” (Nguyễn Việt Anh), “Thao trường” (Lê Anh)... Một số tác phẩm thể hiện vẻ đẹp của biển, đảo và người chiến sĩ như: “Biển thức” (Lương Nguyên Minh), “Đêm trắng” (Nguyễn Thị Hải Nhung).
Nhiều tác giả đi sâu khắc họa nổi bật hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” như: “Lính công trường” (Mai Xuân Chung), “Nắng thao trường” (Bùi Thanh Tùng).

 


Các tác phẩm có ý tưởng sáng tạo nghệ thuật và hình thức ngôn ngữ biểu đạt phong phú, như: “Mây quân cảng” của họa sĩ Nguyễn Dương Đính, “Mắt đêm” của họa sĩ Bùi Anh Hùng.
Phát biểu bế mạc, Đại tá Đinh Xuân Hòa – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhấn mạnh: Thành công của trại sáng tác mỹ thuật năm 2023 đã khẳng định sức sống của đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng. Qua trại sáng tác, các họa sĩ không chỉ miệt mài sáng tạo mà còn chia sẻ ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đối với các mảng đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng. Tuy thời gian không dài nhưng các họa sĩ đã sáng tác được một khối lượng tác phẩm lớn, có nội dung phong phú, đa dạng, thể hiện hình ảnh bộ đội cụ Hồ trên mọi mặt trận, trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, trong công cuộc kiến thiết, dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Với tâm huyết nghề nghiệp, tài năng cùng niềm đam mê sáng tạo, rất mong các họa sĩ sẽ tiếp tục sáng tác được nhiều tác phẩm chất lượng cao về nội dung, hình thức đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Từ thành công trại sáng tác, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các trại sáng tác, triển lãm Mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”. Qua đó, góp phần nhằm tạo điều kiện cho các họa sĩ trong và ngoài Quân đội, gặp gỡ, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật mới; tuyên truyền, quảng bá mỹ thuật Quân đội đến với công chúng yêu nghệ thuật tạo hình.

Tác phẩm Đường tới Dinh Độc Lập – Nguyễn Hải Nghiêm
Tác phẩm Hẹn ước – Bùi Thị Ngoan
Căn cứ rừng chàm An Giang – Đinh Công Khải
Binh trạm Trường Sơn – Nguyễn Thị Bích Hồng
Bình minh Cô Lin – Bùi Thanh Sơn