Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Tây Nguyên: Nhìn từ sự giao thoa

TRIỀU KA 05:13, 26/04/2023

Bảo vệ di sản, gìn giữ văn hóa  luôn là nỗi trăn trở của những người tâm huyết với di sản văn hóa Tây Nguyên trước nguy cơ hoặc là bị mai một, hoặc là bị biến dạng các sắc thái tộc người đặc trưng dưới sự tác động của cuộc sống đương đại.

Nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng được phục dựng để phát triển du lịch
Nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng được phục dựng để phát triển du lịch

Nhà sưu tập hiện vật văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên - ông Đặng Minh Tâm cho hay: “Trước đây, chỉ việc nhìn hoa văn trên tấm vải thổ cẩm là biết ngay nó được dệt bởi đôi tay người phụ nữ Ê Đê, Ba Na, hay K’Ho. Nay, rất khó để phân biệt đâu là hoa văn của người Mạ, đâu là hoa văn của người Jrai, đâu là hoa văn của người Sedang...”. Theo ông Đặng Minh Tâm, chuyện nhận diện tộc dân qua phục trang trở nên khó khăn như hiện nay là vì các nghệ nhân dệt thổ cẩm của những tộc dân vừa kể đã học hỏi lẫn nhau về cách thức tạo các mẫu hoa văn mới. Tuy nhiên, nhà sưu tập hiện vật văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên - ông Đặng Minh Tâm không coi việc biến đổi đó là một thực trạng đáng để quan ngại, khi thừa nhận: “Sự cải biến hoa văn thổ cẩm chưa hẳn là đã xấu. Nhưng chắc chắn một điều rằng, nếu ai muốn tìm hiểu sâu về các giá trị gốc - những thành tố cốt yếu đã làm nên bản sắc của mỗi tộc người - nhất định sẽ phải tiêu tốn nhiều công sức và thời gian vào việc bóc tách các vỉa văn hóa ngoại diên”. Chia sẻ và đồng cảm với ông Đặng Minh Tâm, nhà thiết kế K’Jona bộc bạch: “Đấy là thực tế đang diễn ra tại các cộng đồng người bản địa Tây Nguyên. Nó một mặt cho thấy sự trở mình của những chủ nhân di sản - muốn di sản cùng chuyển động với cuộc sống vẫn không ngừng phát triển, nhưng mặt khác lại tạo ra áp lực đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa tộc người”.

Theo nghệ nhân cồng chiêng Krajan K’Druynh, di sản cần có sự kế thừa, chuyển tiếp giá trị cũ, bổ sung giá trị mới, cộng thêm cả sự sáng tạo nữa thì mới không gây “xung đột” với đời sống đương đại. Nói cách khác, di sản buộc phải thích ứng với bối cảnh xã hội, điều kiện kinh tế và quan niệm của cộng đồng ở thời điểm hiện tại. Thổ cẩm phải đổi mới là vì vậy! Đổi mới từ hoa văn, màu sắc, hình thức dệt cho đến cách cắt may, tạo phom dáng... “Chẳng riêng gì thổ cẩm, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cũng cần sự đổi mới để bắt kịp nhịp sống của thời đại, phải chiều theo thị hiếu của người trẻ. Cách dàn dựng không gian, thủ pháp nghệ thuật, cả âm nhạc, ngôn ngữ hình thể và việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong bài trí sân khấu... đều phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để phù hợp với xu hướng quốc tế, nhất là sẽ được người trẻ đón nhận, tiếp biến và chuyển hóa thành tiếng nói của thế hệ mình”, nghệ nhân cồng chiêng Krajan K’Druynh cho biết. Thế nên, câu hỏi cần đặt ra lúc này là: “Bảo tồn di sản văn hóa để làm gì?”, - để lưu giữ những giá trị gốc, để biến di sản thành tài sản phát triển du lịch, hay để gìn giữ và tiếp nối các giá trị văn hóa của di sản cho muôn đời sau. Mỗi chủ nhân di sản phải tự đặt câu hỏi và đưa ra sự lựa chọn của mình. Bởi ứng với mỗi cách thức bảo tồn sẽ có nhiều phương án tiếp cận.

Tán đồng ý kiến của nghệ nhân cồng chiêng Krajan K’Druynh, ông Nguyễn Đình Thịnh - giảng viên Khoa Di sản, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, chỉ lưu ý thêm: “Vấn đề ở đây là cần minh định các giá trị gốc của di sản và những yếu tố mới, tránh việc bị lầm lẫn, rồi mặc định yếu tố mới là giá trị gốc. Bởi một khi đã đưa lên sân khấu thì không chỉ có công chúng của địa phương mà còn có công chúng của các nơi trên thế giới”.