Tựa vào nhau vươn lên

03:12, 16/12/2022
Nhiều năm qua, các tổ đan, móc len, tổ làm giỏ xách đính hạt cườm, tổ làm tranh thêu, tranh đính đá do Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương tổ chức đã giúp nhiều hội viên nâng cao đời sống và tự tin hòa nhập cộng đồng.
 
Các tổ việc làm đã và đang giúp nhiều hội viên nâng cao đời sống và tự tin hòa nhập cộng đồng
Các tổ việc làm đã và đang giúp nhiều hội viên nâng cao đời sống và tự tin hòa nhập cộng đồng
 
Bà Đỗ Thị Vân Lan - Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương, cho biết, các tổ việc làm trên được thành lập từ năm 2017, mỗi tổ như vậy có khoảng 4-6 hội viên. “Ở huyện Đơn Dương, bà con chủ yếu làm nông, mà công việc đồng áng thì đòi hỏi phải có sức khỏe, riêng những người khuyết tật thì không thể làm được những công việc này. Vì lẽ đó, tôi đã trăn trở, làm sao để giúp hội viên, mà chủ yếu là chị em phụ nữ chiếm khoảng 60-70% thành viên của Hội có được công ăn việc làm phù hợp. Vậy là tôi nghĩ đến các nghề đan, móc, tranh đính đá... vì những nghề này, người khuyết tật tay hay chân, thậm chí có người bị khuyết tật cả tay và chân đều có thể làm được” - bà Lan tâm sự về lý do ra đời các tổ việc làm của Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương.  
 
Vừa nhanh tay đan áo, chị Ma Phên vừa cho biết, chị tham gia Hội Người khuyết tật Đơn Dương từ những ngày đầu mới thành lập, và cũng là thành viên của tổ làm tranh đá từ khi tổ mới ra đời cho tới nay. “Tôi bị khuyết tật ở chân, trước khi tham gia tổ làm tranh đá, tôi cũng đi làm thuê, làm mướn cho người ta nhưng cứ bị té lên, té xuống vì chân đi không vững. Những ngày đầu vào tổ, được chị Lan - Chủ tịch Hội chỉ bày, giờ thì tôi cũng đã biết làm, chỗ nào không biết nữa thì chị em trong tổ cùng làm rồi chỉ cho nhau. Từ khi tham gia tổ làm tranh đá, cứ khoảng 7 đến 8 giờ sáng, sau khi đưa con cái đi học, tôi lại tới trụ sở của tổ, cùng làm với mọi người. Trưa chúng tôi ở lại cùng nấu cơm ăn rồi làm tới chiều mới về. Cuộc sống mặc dù có lúc này lúc kia, nhưng từ khi tham gia vào tổ làm tranh cho đến nay, tôi thấy rất vui, thường xuyên được gặp gỡ mọi người, việc làm đều nên cũng có đồng ra, đồng vào dù không nhiều, và đặc biệt là những bữa ăn vào buổi trưa, chúng tôi mỗi người góp một chút, người có rau, củ gì thì mang qua, góp vào, rồi cùng nhau nấu ăn, vui và đầm ấm”.
 
Cũng giống như chị Ma Phên, chị Nguyễn Thị Tâm bị khuyết tật cả tay và chân cũng tham gia vào tổ móc len từ những ngày đầu khi tổ mới ra đời. “Tôi biết móc từ trước khi tham gia tổ nhưng chỉ móc chơi, cho những người trong nhà. Từ khi tham gia vào tổ móc len, tôi đã bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên, rồi nếu có chị em nào không biết, mình lại hướng dẫn cho họ, cảm giác lúc đó rất hạnh phúc, thấy mình vẫn còn có ích. Mà không chỉ vậy, từ khi tham gia vào Hội, tôi được chị Lan xin cho xe lắc để đi nên mỗi lần tới chỗ làm việc hay có việc gì đi đâu, tôi cũng tự đi tới, không còn phải làm phiền người thân nhiều như trước đây nữa”.
 
Bà Đỗ Thị Vân Lan cho biết thêm, trước đây, các sản phẩm do chị em làm ra thường được gửi bán ở các điểm bán hàng. Giờ thì vì không có nguồn vốn để làm hàng gối đầu, giới thiệu sản phẩm nên khi có khách đặt thì chị em sẽ cùng làm hoặc khi các đoàn từ thiện, các mạnh thường quân tới thăm Hội thì Ban Chấp hành Hội sẽ tranh thủ giới thiệu các sản phẩm của mọi người để nếu có ai thích thì sẽ đặt làm. “2 năm dịch vừa qua, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì không có khách đặt hàng, giờ thì cũng có người đặt lại rồi, hàng cũng có làm lai rai, dù không nhiều. Giờ chúng tôi chỉ mong thuê được mặt bằng rẻ để trưng bày sản phẩm, cũng như mong muốn có mạnh thường quân hỗ trợ vốn để có kinh phí mua vật liệu, rồi có thêm vài mối áo len bán ở chợ, để các thành viên trong các tổ có việc làm thường xuyên hơn” - bà Lan bộc bạch.
 
Trước khi chia tay, bà Lan cũng không quên thông báo tin vui, khoảng cuối tháng 12 này, Đài Truyền hình Vĩnh Long sẽ mời Hội tham gia Chương trình “Thần Tài gõ cửa”. Đây là chương trình mà nhân vật chính là những người nghèo khó, đặc biệt là những người khuyết tật, có nghị lực vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống. Bà cũng cho hay, các nhân vật tham gia chương trình này sẽ được hỗ trợ một số vốn, vì vậy, bà cũng khấp khởi mong sẽ nhận được số vốn kha khá từ chương trình để mua nguyên vật liệu cho các hội viên làm ra các sản phẩm trưng bày, cũng như mua dụng cụ cần thiết để phục vụ hoạt động của các tổ việc làm.
 
NHẬT MINH