Giữ rừng… còn lắm gian nan

04:12, 21/12/2022
(LĐ online) - Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Đam Rông bước đầu có những chuyển biến, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm trên cả ba phương diện: số vụ vi phạm, diện tích và khối lượng lâm sản thiệt hại. 
 
Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng được Thường trực Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt
Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng được Thường trực Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt
 
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông - Nguyễn Hoàng Hà, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Đam Rông trong những năm gần đây luôn là vấn đề nóng trên bàn nghị sự của lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn bước đầu đã có những chuyển biến. 
 
Ngay từ cuối năm 2021, trước thực trạng phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất lâm nghiệp, tranh chấp đất rừng, khai thác lâm sản trái phép còn xảy ra ở hầu hết các địa phương trong huyện và kéo dài nhiều năm; tính chất, mức độ các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp ngày càng phức tạp, tinh vi; một số vụ vi phạm nổi cộm xảy ra nhưng chậm được được phát hiện và xử lý; Huyện ủy Đam Rông đã ban hành Nghị quyết số 06 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…
 
Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng
Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng
 
Với Nghị quyết số 06, Đam Rông xác định, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương; đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng, khai thác lâm sản trái phép thuộc lĩnh vực, địa bàn mình quản lý; hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
 
Mặt khác, trong năm 2022, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện 18 kế hoạch kiểm tra, truy quét. Qua các đợt kiểm tra, truy quét đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vụ vi phạm; phát hiện một số bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện. Từ đó, tổng hợp, báo cáo đề nghị UBND huyện chỉ đạo, chấn chỉnh và xem xét xử lý trách nhiệm các cơ quan, đơn vị có liên quan do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
 
Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Đam Rông bước đầu có những chuyển biến, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm trên cả ba phương diện: số vụ vi phạm, diện tích thiệt hại và khối lượng lâm sản thiệt hại. Cụ thể, trong năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập hồ sơ 34 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 38 vụ (52,78%) so với cùng kỳ năm 2021; về diện tích thiệt hại 89.034 m 2, giảm 11.076 m2 (11,06%) về diện tích so với cùng kỳ; khối lượng lâm sản thiệt hại 222 m3, giảm 199 m 3 (47,27%) so với cùng kỳ. Trong đó, phá rừng trái pháp luật 22 vụ, giảm 4,35% so với cùng kỳ năm 2021; khai thác rừng trái pháp luật 4 vụ, giảm 82,6% so với cùng kỳ; vận chuyển lâm sản trái phép 5 vụ, giảm 54,55% so với cùng kỳ; tàng trữ lâm sản trái phép 1 vụ, giảm 91,67% so với cùng kỳ… 
 
Kiên quyết giải tỏa diện tích đất rừng bị lấn chiếm
Kiên quyết giải tỏa diện tích đất rừng bị lấn chiếm
 
Kết quả giữ rừng năm 2022 rất khả quan, nhưng Hạt trưởng Nguyễn Hoàng Hà cho rằng, dù đã có những chuyển biến, song công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đam Rông vẫn còn lắm gian nan… Với địa bàn rộng, địa hình chia cắt, việc đi lại rất khó khăn, trong khi lực lượng chuyên trách làm công tác quản lý, bảo vệ rừng rất mỏng. Đơn vị hiện quản lý gần 60.000 ha rừng, nhưng nhân sự chỉ có 20 biên chế. Theo quy định của pháp luật, cứ 1.000 ha rừng bố trí 1 kiểm lâm viên, tuy nhiên với Đam Rông có địa bàn 20.000 ha rừng chỉ có 1 kiểm lâm viên như trường hợp ở xã Liêng Srônh. 
 
“Lực lượng mỏng, trong khi địa hình phức tạp, chia cắt, đi lại rất khó khăn. Từ huyện đi vào vùng giáp ranh tỉnh Đắk Nông quảng đường gần 100 km, khi nhận được tin báo, phải mất 3 giờ đồng hồ lực lượng chức năng mới đến được địa bàn, nên rất khó để giải quyết kịp thời. Hay như vùng giáp ranh với xã Đưng K’nớ (huyện Lạc Dương), đây là địa bàn phức tạp về phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, để đến được địa bàn này phải đi ngược lên Đà Lạt, quảng đường gần 200 km. Hiện, Hạt Kiểm lâm đã linh hoạt bố trí 1 kiểm lâm viên nằm vùng ở khu vực này để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng”,  ông Nguyễn Hoàng Hà cho biết thêm.
 
Mục tiêu của huyện Đam Rông đề ra trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là từ nay đến năm 2025, phấn đấu mỗi năm giảm từ 10 - 15% trở lên số vụ phá rừng và giảm từ 15 - 20% trở lên về diện tích rừng, khối lượng lâm sản bị thiệt hại. Phấn đấu có tối thiểu 72% số vụ phá rừng phải xác định, lập hồ sơ xử lý được đối tượng vi phạm; đến năm 2025 mỗi năm tăng thêm từ 2 - 2,5%. Và đến năm 2030, giảm 50% số vụ vi phạm so với giai đoạn 2021 - 2025.
 
Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đồng thời người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, mất rừng, khai thác lâm sản trái phép thuộc lĩnh vực, địa bàn mình quản lý; cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho quần chúng nhân dân. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng.
 
TỨ KIÊN