Phập phồng sống cạnh đàn trâu dữ

07:05, 08/05/2019

(LĐ online) - Đàn trâu nhà thả rông cả năm rong rừng sâu bỗng trở lên hung dữ bất thường khiến nhiều người dân trồng cà phê tại Tiểu khu 319 xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) khoảng gần 1 năm qua không khỏi phập phồng lo lắng.

(LĐ online) - Đàn trâu nhà thả rông cả năm rong rừng sâu bỗng trở lên hung dữ bất thường khiến nhiều người dân trồng cà phê tại Tiểu khu 319 xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) khoảng gần 1 năm qua không khỏi phập phồng lo lắng.
 
Mới đây nhất (ngày 29/4), một người dân tuới cà phê trong vườn đã bị một con trâu đực nổi điên tấn công dẫn tới bị thương nặng, còn chuyện thi thoảng đàn trâu dữ đuổi người làm vườn chạy vòng vòng tại đây thì diễn ra như cơm bữa.
 
Một góc vườn cà phê của người dân bị trâu thả rông về đằm, làm hư hại
Một góc vườn cà phê của người dân bị trâu thả rông về đằm, làm hư hại
Vào vườn lo bị trâu húc
 
Sáng 7/5, chúng tôi có mặt tại vườn cà phê catimor của ông Huỳnh Đại (42 tuổi, ngụ tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) tại Tiểu khu 319, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Khu vực thung lũng này bằng phẳng với khoảng 40 ha cà phê được người dân chủ yếu từ xã Xuân Thọ vào canh tác rải rác men theo dòng sông Con. 
 
Tại đây, mảnh vườn cà phê rộng 3 ha 15 năm tuổi của gia đình ông Đại hơn một tuần nay không có ai vào chăm sóc. Người làm cho gia đình ông vẫn còn hoảng sợ, bởi một đàn trâu dữ khoảng 6-8 con liên tục từ trên rừng thông phía trên xuống vườn cà phê của gia đình nằm, ăn cỏ ven suối nhiều tháng nay. Điều đáng nói là khi phát hiện người tới gần, thay vì sợ hãi bỏ đi chúng lại đứng thẳng, hếch mũi lên nhìn người lạ, sau đó lao vào đuổi khiến nhiều phen chủ vườn phải bỏ chạy thục mạng.
 
Nghiêm trọng nhất là sáng ngày 29/4, người nhà ông Đại cho hay khi ông đang dùng vòi nhựa bơm nước tưới cà phê giáp suối thì sự việc đáng tiếc xảy ra. Tại vị trí một đám cà phê tươi tốt, một con trâu đực không biết từ đâu xuất hiện phía sau bất ngờ dùng cặp sừng nhọn húc văng ông ra xa gần 3m. Không dừng lại ở đó, con trâu này tiếp tục chạy tới tiếp tục húc ông thêm 1 cái thứ 2. Khi thấy ông bất tỉnh, nằm tại gốc cà phê con trâu này mới bỏ đi. 
 
May mắn có người làm phát hiện ngay sau đó và nhanh chóng đưa ông Đại từ trong rừng ra bệnh viện cấp cứu kịp thời. Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chẩn đoán nạn nhân bị mất nhiều máu, đùi bị rách sâu rộng gần 20cm, phải khâu nhiều lớp với gần 100 mũi. Tới thời điểm này, ông Đại vẫn chưa bình phục và đang nằm theo dõi tại bệnh viện.  
 
Cách vườn nhà ông Đại tầm 2 km, gặp chúng tôi về tìm hiểu thông tin đàn trâu dữ, anh Hồ Văn Lạc (28 tuổi, trú tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) đang chăm vườn cà phê cho biết anh mới nhìn thấy 1 đàn hơn chục con đi ven sông Con nhưng không dám lại gần mà chỉ đứng xa nhìn xem chúng có đi vào vườn của mình hay không. “Mới 2 tuần trước tôi thấy đàn trâu thèm muối về vườn ăn phân đạm mới bỏ cho cây cà phê, bực mình tôi cầm ná thun bắn 1-2 cái về phía chúng. Bất ngờ 3-4 con trâu cả đực và cái chạy lại đuổi tôi sát rạt. Hoảng quá quá tôi chỉ biết chạy lòng vòng quanh vườn rồi nhảy xuống con suối để trốn” – anh Lạc hồi hộp kể lại.
 
Tương tự như anh Lạc, anh Võ Thế Linh (31 tuổi) chủ 4 ha cà phê tại đây nói đàn trâu không rõ chủ nuôi từ trên rừng về đây khoảng gần 1 năm nay làm anh đau đầu tìm biện pháp đuổi. “Số lượng trâu to nhỏ lên tới khoảng 70-80 con và chúng thường về phá hoại hoa màu, cây cà phê bà con ở đây nhiều nhất là vào ban đêm” – anh Linh kể và cho biết thêm ngoài việc chúng hung dữ, hay đuổi người thì người dân bức xúc nhất là việc hoa màu bị hư hại. “Chuối, cà phê con, đậu non, sầu riêng cứ trồng lên 3-4 tháng là bị trâu về ăn, dẫm đạp tan nát khiến chúng tôi rất mất công chăm sóc, thậm chí không dám trồng lại mới vì sợ trâu về phá tiếp. Đuổi đánh chúng thì một số con hung dữ tấn công lại nên cũng sợ”.
 
Trâu thả rông tại huyện Lạc Dương
Trâu thả rông tại huyện Lạc Dương
Khó quản lý đàn trâu thả rông
 
Chiều 8/5, trao đổi với chúng tôi ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương nhận định, hiện rất khó quản lý đàn trâu thả rông bà con thả trên địa bàn. Với số lượng thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có khoảng 1.800 con trâu thì có trên 90% số trâu được người dân thả rông, chủ yếu là tại khu vực vùng sâu, vùng xa. Do được thả ngoài tự nhiên qúa lâu nên một số con trâu khá hung dữ khi gặp người lạ. 
 
Theo ghi nhân, trâu nhà được thả nhiều nhất là khu vực xã Đạ Sar, xã Lát, một phần thị trấn Lạc Dương khu vực Đan Kia – Suối Vàng. Trong đó, trâu được người dân thả ở bán kính rất rộng giáp khu vực tỉnh Ninh Thuận, các huyện Đơn Dương, Đà Lạt, tỉnh Khánh Hoà. Đồng thời, số trâu thả rông chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số người Cơ Ho, Lạch...
 
Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương mới đây cũng đã ghi nhận thông tin một số người dân phản ánh trâu thả rông phá huỷ hoa màu, trong đó có việc một số trâu dữ đuổi người, húc người bị thương nhưng đơn vị rất khó khăn trong công tác quản lý, xử phạt. Trên thực tế khi trâu phá hoa màu, người dân không biết chủ trâu là ai vì rất nhiều hộ dân thả trâu vào rừng và khi sự việc xảy ra thường không ai thừa nhận trâu nhà mình.
 
“Chúng tôi sẽ sớm làm đề xuất, tham mưu lãnh đạo UBND huyện có văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Thứ nhất nhằm vận động những hộ dân thả trâu quá xa đưa trâu về khu vực chăn thả của địa phương mình để dễ dàng chăm sóc, quản lý. Thứ hai là khuyến cáo các biện pháp chăn nuôi nhốt, trường hợp chăn thả rông phải có người thường xuyên trông coi, không để trâu phá rau màu của các hộ dân khác” – ông Hải chia sẻ.
 
C.THÀNH