Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm ở Ðạ Long

09:05, 02/05/2019

Trước nguy cơ mai một của nghề dệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ðạ Long đã thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm tại Thôn 5, nhằm góp phần tạo sinh kế, cũng như bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của người K'Ho. 

Trước nguy cơ mai một của nghề dệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ðạ Long đã thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm tại Thôn 5, nhằm góp phần tạo sinh kế, cũng như bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của người K’Ho. 
 
Phụ nữ Đạ Long đang học dệt thổ cẩm.
Phụ nữ Đạ Long đang học dệt thổ cẩm.
 
Đầu năm 2019, Câu lạc bộ dệt thổ cẩm ở Thôn 5, xã Đạ Long được thành lập với các thành viên là những cụ bà đã lớn tuổi, người ít nhất cũng 60 tuổi, còn người nhiều thì ngoài 70. Đây là những người còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên địa bàn xã Đạ Long. Qua tìm hiểu, trước đây nguyên liệu để dệt một tấm thổ cẩm là những sợi bông tự nhiên và phải trải qua công đoạn nhuộm bằng các loại lá rừng, nên mất nhiều thời gian. 
 
Chị Mbon K’Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đạ Long là người có nhiều tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm. Chính bản thân chị là người đứng ra thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm, với mong muốn tiếp lửa nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ, từ đó lưu giữ được nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Từ đó chị đã vận động nhiều chị em khác cùng tham gia và chỉ trong một thời gian ngắn từ 3 người cao niên tham gia khi mới thành lập đến nay đã có trên 10 người khác vào câu lạc bộ để học nghề. Chị Mbon K’Thương cho biết: “Việc tích cực vận động chị em hội viên tham gia học lớp dệt thổ cẩm nhằm để khôi phục lại  nghề truyền thống của dân tộc bản địa K’Ho”.
 
 Khi dệt, người phụ nữ K’Ho ngồi duỗi thẳng hai chân, đạp và giữ chặt một thanh chủ của khung dệt và một thanh chủ khác được dùng dây móc vào lưng để cố định và kéo căng khung sợi để dệt. Họa tiết trên những tấm vải thổ cẩm được sáng tạo từ chính cuộc sống lao động, từ đó tạo nên một bức tranh sống động phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Trên những tấm thổ cẩm ấy, có sự kết hợp hài hòa giữa đường nét, màu sắc và hoa văn chủ đạo là các loài muông thú, hay các vật dụng sinh hoạt quen thuộc. 
 
Bà Kơ Za K’Chú, năm nay đã bước qua cái tuổi 60, nhưng ngày nào bà cũng tham gia học dệt thổ cẩm. Với lòng yêu nghề, tính ham học hỏi, cùng với sự hướng dẫn tận tình của các thành viên trong câu lạc bộ, mà chỉ trong một thời gian ngắn bà đã thuần thục các kỹ năng dệt thổ cẩm. Hiện nay, bà có thể tự mình dệt thành những tấm vải không có những họa tiết cầu kỳ. Trong số những người tham gia học nghề dệt thổ cẩm có cả những nữ thanh niên mới bước qua tuổi mười tám, đôi mươi. Điều đó đã chứng tỏ tình yêu với nghề dệt thổ cẩm không chỉ có ở người lớn tuổi, mà đang dần len lỏi vào cả giới trẻ. Em Rơ Ông K’Lim, mới tham gia học được hơn 1 tháng nay chia sẻ rằng, lúc đầu mới học thấy rất khó, khó hơn cả làm rẫy, nhưng với lòng quyết tâm học bằng được nghề dệt truyền thống của dân tộc mình đã thôi thúc em kiên trì theo học. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K’Ho ở xã Đạ Long đang dần được khôi phục. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống độc đáo này, cần có những chương trình, chính sách phù hợp, nhất là sản phẩm làm ra phải có thị trường tiêu thụ. 
 
LÊ TUẤN