Giữ rừng ở vùng sâu

08:05, 01/05/2019

Cùng với cơ quan chức năng, hoạt động mang tính cộng đồng đó là khi người dân tham gia quản lý, giữ rừng góp phần mang lại hiệu quả cao ở Ðam Rông. 

Cùng với cơ quan chức năng, hoạt động mang tính cộng đồng đó là khi người dân tham gia quản lý, giữ rừng góp phần mang lại hiệu quả cao ở Ðam Rông. 
 
Người dân cùng tham gia công tác tuần tra rừng. Ảnh: H.Yên
Người dân cùng tham gia công tác tuần tra rừng. Ảnh: H.Yên
 
Truy quét điểm nóng
 
Việc tuần tra, truy quét ở các điểm nóng được huyện Đam Rông liên tục thực hiện từ đầu năm 2019 đến nay, đã góp phần làm giảm đáng kể nạn phá rừng. Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình về phá rừng, cháy rừng để xây dựng kế hoạch tuần tra truy quét, ứng phó và ngăn chặn kịp thời. 
 
Theo đó, mỗi đơn vị gồm Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban quản lý rừng, UBND các xã cắt cử người để cùng với người dân đi tuần tra, truy quét bảo vệ rừng. Đều đặn một tháng tuần tra rừng 2 lần, mỗi đợt tuần tra trong khoảng 4-5 ngày. Khi đi tuần tra rừng trong nhiều ngày, tổ tuần tra có sự chuẩn bị chu đáo về bản đồ khu vực tuần tra, máy ảnh, la bàn, máy GPS, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị làm trại và tư trang cá nhân đi rừng. Ngoài ra, còn phải ghi chép nhật ký tuần tra chu đáo.
 
Nhờ vậy, lực lượng chức năng thu thập và xác minh được nguồn tin về các hoạt động phạm pháp đã và đang xảy ra trên địa bàn, phá được hàng chục vụ phá rừng nghiệm trọng nhằm giữ sự bình yên cho rừng. Trong thời gian qua, rừng ở Đam Rông không còn cảnh triệt hạ ngang nhiên như trước, số vụ phá rừng và khối lượng gỗ bị phá đã giảm nhiều. 
 
Thống kê, trong quý I/2019, trên địa bàn đã phát hiện và lập biên bản 27 vụ vi phạm, trong đó phá rừng trái pháp luật 8 vụ, tổng diện tích 44.821 m2, khối lượng gỗ lâm sản thiệt hại 651, 724 m3; khai thác rừng trái phép 6 vụ, khối lượng lâm sản thiệt hại 52,984 m3; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 2 vụ; mua bán, cất giữ lâm sản trái quy định 11 vụ.
 
Ông Mai Chí Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đam Rông cho biết, việc kiểm tra, truy quét này nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, không để phát sinh thành điểm nóng, từng bước hạn chế tới mức thấp nhất các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng xảy ra trên địa bàn.
 
Cộng đồng bảo vệ rừng
 
Việc triển khai và thực hiện công tác tuần tra rừng trên địa bàn huyện Đam Rông đã đạt nhiều kết quả đáng mừng: Công tác phòng cháy, chữa cháy phát huy hiệu quả triệt để; việc phá rừng già, rừng đầu nguồn để làm rẫy ít xảy ra; buôn bán, khai thác rừng đã giảm đáng kể. 
 
Là địa phương đi đầu thực hiện quản lý tốt công tác bảo vệ rừng, ông Lơ Mu Ha Póh, Chủ tịch UBND xã Đạ Long cho biết: Diện tích đất tự nhiên của Đạ Long là trên 6.400 ha. Trong đó, đất ở và đất sản xuất chỉ chiếm khoảng 1.000 ha, còn lại tất cả là rừng. Đưa người dân cùng tham gia bảo vệ rừng là việc làm vô cùng đúng đắn của huyện Đam Rông. Bởi xã Đạ Long là địa bàn có nhiều rừng nhất, số lượng gỗ quý hiếm còn nhiều nên thường bị lâm tặc lăm le tàn phá. Trước đó, theo chỉ thị của huyện, xã cũng đã triển khai công tác bảo vệ rừng, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, hàng chục năm trước, cộng đồng người Cill ở đây sống nhờ khai thác sản vật của rừng, còn giờ đây khi nhận thức được tầm quan trọng của rừng, họ đã chủ động nhận quản lý, bảo vệ rừng và được nhận tiền từ dịch vụ chi trả môi trường rừng hằng năm. Hiện Đạ Long có trên 600 hộ dân (95% dân số là người DTTS), trong đó trên 80% số hộ dân trong xã nhận giao khoán và bảo vệ rừng. Ông Ha Póh cho biết thêm, một trong những nguồn quan trọng giúp người dân thoát đói chính là nhận khoán và bảo vệ rừng. Bình quân 1 hộ có thêm nguồn thu từ 15 - 24 triệu đồng/năm tùy vào diện tích nhận khoán bảo vệ. Riêng với nguồn thu này đã đảm bảo đủ lương thực cho cả năm. 
 
Hiện tại 7/7 xã của huyện Đam Rông đều có cộng đồng tham gia bảo vệ rừng. Tổng diện tích giao rừng năm 2019 trên địa bàn huyện là 38.613 ha giao cho 2.013 hộ dân và 3 đơn vị tập thể (Huyện đội Đam Rông, Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng và Công an huyện Đam Rông).
 
Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đam Rông cho biết: Việc giao khoán bảo vệ rừng đã đem lại hiệu quả thiết thực, nhờ có những lực lượng tuần tra cộng đồng mà anh em kiểm lâm đã phát hiện đẩy đuổi hàng chục vụ khai thác rừng trái phép, tiến hành tháo gỡ và cứu sống hàng trăm động vật quý bị dính bẫy thú. Công tác tuần tra rừng cộng đồng đã góp phần nâng cao năng lực bảo vệ rừng của địa phương.
 
HOÀNG YÊN