Vui, hấp dẫn như… kéo co

06:10, 27/10/2022
Từ một trò chơi dân gian, kéo co đã trở thành môn thể thao được nhiều tỉnh, thành trong nước tổ chức giải thi đấu hằng năm. Tại Lâm Đồng, sau 3 kỳ tổ chức thi đấu trong khuôn khổ Chương trình Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) cấp tỉnh, dự kiến trong những năm đến sẽ có giải kéo co vô địch cấp tỉnh hằng năm. 
 
Đội kéo co nam Di Linh vô địch đại hội
Đội kéo co nam Di Linh vô địch đại hội
 
  DI SẢN PHI VẬT THỂ 
 
Trong danh mục các trò chơi dân gian lâu nay của hầu hết các cộng đồng dân cư tại Việt Nam không thể thiếu môn kéo co. Trò chơi dân gian này khá đơn giản, mỗi nơi có những lối chơi khác nhau, thường được tổ chức vào những dịp lễ hội cộng đồng, khi kết thúc vụ mùa, dịp mừng năm mới. Người chơi được chia làm hai đội, mỗi đội dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình. Có khi cả hai bên đều là nam, có khi bên nam, bên nữ, có khi mỗi đội có cả nam lẫn nữ xen kẽ nhau. Ngày xưa, trong trường hợp bên nam, bên nữ, dân làng thường chọn những trai gái chưa vợ, chưa chồng.
 
Có nơi còn dựng một trụ để ở giữa sân chơi, có dây thừng buộc dài hay dây song, dây tre hoặc cây tre, thường dài khoảng 20 m căng đều ra hai phía, hai bên xúm nhau nắm lấy dây thừng, 1 vị chức sắc hay bô lão trong làng cầm trịch đánh trống ra hiệu lệnh, 2 bên sẽ ra sức kéo, kéo sao cho cột trụ về bên mình là thắng. Bên ngoài, người xem cổ vũ bằng tiếng hò “dô ta” hoặc “cố lên”. Thông thường kéo co có ba keo đấu, bên nào thắng 2 keo là bên đó thắng.
 
Cũng có nơi, trò chơi này không dùng dây mà kéo trực tiếp bằng tay. Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, những người đứng sau ôm bụng người trước mà kéo, bên nào bị bên kia kéo qua vạch hay đội nào bị đứt dây là thua cuộc. Cách chơi này giờ vẫn còn hiện diện trong nhiều trường học các cấp.
 
Không chỉ Việt Nam mà trò chơi này còn phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, sau đó được đưa thành môn thể thao chính thức. Theo một nguồn tài liệu, kéo co xuất hiện trên đấu trường Olympic quốc tế trong khoảng năm 1916 đến 1917. Tuy nhiên, sau đó, năm 1920, Ủy ban Olympic quốc tế IOC đã quyết định giảm bớt số lượng VĐV tham gia Thế vận hội Olympic, vì lý do này mà một số môn thể thao bị loại bỏ, trong đó có môn kéo co. 
 
Năm 1958, Liên đoàn Kéo co Anh được thành lập. Hai năm sau, năm 1960, Liên đoàn Kéo co quốc tế cũng đã ra đời và do George Hutton (người Anh) cùng Rudolf Ullmark (người Thụy Điển) đứng đầu. Đến năm 1964, Giải Kéo co quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Thụy Điển; Giải Kéo co vô địch châu Âu sau đó được tổ chức tại Anh. Các giải đấu này sau đó vẫn tranh tài đều đặn tại châu Âu, cho đến năm 1975, Giải vô địch Kéo co thế giới đầu tiên được tổ chức tại Hà Lan. Hiện nay, giải quốc tế này diễn ra hai năm một lần. Năm 1999, Liên đoàn Kéo co Quốc tế (TWIF) được công nhận tạm thời và năm 2002, tổ chức này được công nhận chính thức theo Hiến chương Olympic.
 
Năm 2015, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận nghi lễ và trò chơi kéo co của các nước Cambodia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại.
 
Đội vô địch nữ Đạ Huoai tại đại hội
Đội vô địch nữ Đạ Huoai tại đại hội
 
•  MÔN THỂ THAO HẤP DẪN 
 
Để kéo co trở thành môn thể thao, trò chơi này đã được chuẩn hóa bằng các quy định hết sức cụ thể. Với các giải quốc tế, Liên đoàn Kéo co quốc tế đưa ra nhiều mức hạng cân, từ hạng nhỏ nhất với tổng cân nặng trong đội không vượt quá mức từ 480 kg cho đến hạng cân mức 720 kg và hạng cân mức không giới hạn trọng lượng. Luật thi đấu cũng đưa ra mức giới hạn tuổi, cách thay người trong thi đấu. 
 
Với các giải đấu phổ thông trong tỉnh Lâm Đồng hiện nay, theo ông Hồ Văn Chương - Trưởng Phòng TDTT quần chúng, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Lâm Đồng, quy định hạng cân với nam không quá 560 kg, hạng cân với nữ không quá 480 kg. Điều này có nghĩa mỗi đội kéo co nam nữ hiện nay được quyền đăng ký thi đấu 10 người, mỗi đội 8 người vào thi đấu chính thức, 2 người dự bị, trước khi thi đấu mỗi đội từng người phải được cân để kiểm tra trọng lượng, tổng trọng lượng của 8 thành viên trong đội không được vượt quá con số này. Trong trường hợp thay người, 2 thành viên dự bị khi được thay vào đội hình chính thì người thay vào phải tương đương số ký hoặc thấp ký hơn với người được thay. 
 
Được đưa vào thi đấu chính thức từ Đại hội TDTT tỉnh Lâm Đồng lần VII - năm 2014, lần VIII - 2018 và đến năm nay tại Đại hội TDTT tỉnh lần IX - 2022, giải Kéo co nam nữ đã rất đông các đơn vị tranh tài. Bảng nam có 13 đội, bảng nữ có 10 đội, đại diện cho các huyện, thành phố và 2 đơn vị Công an tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo. Các trận đấu của giải cực kỳ cạnh tranh trong cả 2 bảng đấu nam và nữ.
 
Như ông Lê Văn Đông, HLV đội tuyển kéo co nam và kéo co nữ Đạ Huoai, nhận xét, kéo co cần sức mạnh. Nhưng không phải mạnh là thắng, mà còn cần đến nhiều yếu tố khác, trong đó cần nắm được kỹ thuật nắm dây, lên dây, kỹ thuật đứng trụ, lúc nào là cầm cự, chỉ giữ dây, lúc nào là kéo, thời điểm kéo dứt điểm. “Nếu sức mạnh ngang nhau hoặc xê xích nhau một ít, đội nào có kỹ thuật tốt hơn, có chỉ huy tốt sẽ có khả năng thắng nhiều hơn”, ông nói. 
 
Trong kéo co nam, đội nam Di Linh với đội hình rất đồng đều, từng thi đấu nhiều năm với nhau, từng vô địch giải Đại hội năm 2018 nên rất hiểu ý nhau nên đã thể hiện sự vượt trội trong suốt giải đấu năm nay. Đội này dễ dàng vượt qua vòng loại, vào tứ kết, bán kết rồi thắng 2-1 trong trận chung kết với Đạ Huoai để tiếp tục giành cúp vô địch tỉnh.
 
Trong bảng nữ, các trận đấu cũng căng thẳng, hấp dẫn không kém bảng nam, trong đó nổi bật 2 đội lọt vào đến trận chung kết là Đạ Huoai và Đạ Tẻh. Đạ Huoai với đội hình được tuyển chọn từ khắp huyện, chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở các xã Phước Lộc, Đoàn Kết, Đạ Ploa…, tập trung tập luyện gần 2 tháng, mỗi tuần tập luyện 3 buổi với HLV và cũng là giáo viên giáo dục thể chất trong Trường Trung học phổ thông Đạm Ri, ông Lê Văn Đông. Còn đội Đạ Tẻh, toàn bộ các thành viên của đội là các phụ nữ người Tày ở xã An Nhơn. Đây là một đội hình nhiều kinh nghiệm, hầu hết trên 40 tuổi, người lớn tuổi nhất đã 51 tuổi. Tại Đại hội TDTT tỉnh năm 2014, đội nữ Đạ Tẻh với đội hình này đã giành giải Nhì tỉnh; đến Đại hội năm 2018, đội giành hạng 3. 
 
Trong trận chung kết nữ năm nay, đội nữ Đạ Tẻh đã một lần nữa đáng tiếc để lỡ chiếc cúp vô địch khi thua Đạ Huoai trong một trận đấu đầy kịch tính, chỉ giành huy chương Bạc. Còn nữ Đạ Huoai với công sức bỏ ra rất nhiều của mình cho giải rất xứng đáng với tấm huy chương Vàng và chiếc cúp vô địch này.
 
Theo ông Hồ Văn Chương, chất lượng chuyên môn của Giải Kéo co tỉnh năm nay rất tốt. Hầu hết các huyện, thành phố, các đơn vị dự giải đều có sự chuẩn bị rất kỹ. Giải đấu này đã ngày càng bài bản hơn. Tỉnh trước đây cũng tổ chức các đợt tập huấn chuyên môn kéo co cho các huyện, thành phố, các trường học trong tỉnh. Từ sự thành công của giải tại Đại hội lần này, sắp đến, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh sẽ đề xuất đưa kéo co thành một môn thể thao có giải đấu cấp tỉnh hằng năm.
 
VIẾT TRỌNG