Mẹ Suốt, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng

05:06, 25/06/2020

Có lẽ những người sinh ra ở Quảng Bình như tôi, ai ai cũng có thể đọc làu làu một vài câu thơ, hoặc một vài đoạn thơ trong bài thơ "Mẹ Suốt" của nhà thơ Tố Hữu...

Có lẽ những người sinh ra ở Quảng Bình như tôi, ai ai cũng có thể đọc làu làu một vài câu thơ, hoặc một vài đoạn thơ trong bài thơ “Mẹ Suốt” của nhà thơ Tố Hữu. Thẳng thừng ra mà nói thì những câu như “Lặng nghe mẹ kể ngày xưa/ Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình/ Mẹ rằng: Quê mẹ Bảo Ninh/ Mênh mông sóng biển lênh đênh mạn thuyền” không ai là không thuộc.
 
Tượng đài Mẹ Suốt nằm phía tả ngạn bờ sông Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới
Tượng đài Mẹ Suốt nằm phía tả ngạn bờ sông Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới
 
Trong cuốn sách “Quảng Bình ẩn tích thời gian” của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành đã viết, Mẹ Suốt tên đầy đủ là Nguyễn Thị Suốt (1906 - 1968), sinh ra ở làng Phú Mỹ, nay thuộc thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tên tuổi của Mẹ gắn với việc chèo đò ngang qua sông Nhật Lệ, chở bộ đội, vũ khí, chuyển tải thương binh và giao thông đi lại trong những năm 1964 - 1967, khi đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhằm ngăn chặn ý chí xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam của Nhân dân ta. Năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc, Đồng Hới - Quảng Bình được coi là “yết hầu” của mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam, đồng thời là tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Với một vị trí đặc biệt như vậy, Đồng Hới trở thành túi bom của không lực Hoa Kỳ trút xuống. Con sông Nhật Lệ thơ mộng cũng phải oằn mình gánh chịu những trận mưa bom đạn của kẻ thù. Mặc dù lúc này xấp xỉ tuổi 60, nhưng Mẹ Suốt vẫn xung phong đảm đương công việc đưa đò, phục vụ giao thông đi lại giữa Đồng Hới với Bảo Ninh. Ngày 7/2/1965, đế quốc Mỹ đã huy động 160 lần chiếc máy bay phản lực hiện đại, ồ ạt tấn công bắn phá Đồng Hới và các vùng lân cận. Đồng Hới rung chuyển trong khói lửa đạn bom của không lực Hoa Kỳ. Trên sông Nhật Lệ, những cột nước đen ngòm tung lên dữ dội bởi bom đạn. Dưới làn mưa bom bão đạn, Mẹ vẫn hiên ngang cầm chắc tay chèo, đưa đón bộ đội, Nhân dân qua lại đôi bờ Nhật Lệ. Những chuyến đò của Mẹ Suốt cũng là đường dây thông tin liên lạc giữa Đồng Hới với Bảo Ninh. Hình ảnh Mẹ ngẩng cao đầu trước hàng loạt đạn bom của Mỹ, bất chấp hiểm nguy, sau này nhà thơ Tố Hữu đã “vẽ” lại đầy hào hùng: “Gan chi, gan rứa, mẹ nờ?/ Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?/ Chẳng bằng con gái, con trai/ Sáu mươi còn một chút tài đò đưa”.
 
Chính tinh thần quả cảm, gan dạ của Mẹ Suốt góp phần cùng quân và dân Đồng Hới lập nên kỳ tích. Chỉ trong ngày 7 và ngày 8/2/1965, quân và dân Đồng Hới đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Từ ngày 14/2 đến ngày 28/4/1965, 5 tàu chiến Mỹ bị bắn chìm, bắn cháy tại sông Nhật Lệ. Mẹ cùng con đò lại tiếp tục công việc thầm lặng: “Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày/ Sợ chi sóng nước tàu bay/ Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua”. Ngày 1/1/1967, Mẹ Suốt được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải.
 
Bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, Đồng Hới - Quảng Bình lại tiếp tục hứng chịu bom đạn oanh tạc. Ngày 11/10/1968, Mẹ đã anh dũng hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ đưa đò. Mẹ Suốt là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương phụ nữ tiêu biểu của vùng đất “hai giỏi” Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước như lời Bác Hồ khen tặng: “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”.
 
Tưởng nhớ và tri ân một người con anh hùng của quê hương Đồng Hới, năm 1980, UBND thị xã Đồng Hới đã cho xây dựng tượng đài Mẹ Suốt, cách bến đò xưa Mẹ chèo khoảng 50 m. Ngày nay, bến đò Mẹ Suốt đã trở thành di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình, một địa chỉ tham quan du lịch, nơi sinh hoạt văn hóa của người dân TP Đồng Hới và du khách gần xa khi đến thăm mảnh đất nắng lửa Quảng Bình.
 
TRỊNH CHU